Khôi phục, bảo tồn đường đá cổ trên tuyến 'thiên lý Bắc - Nam'

Đoạn đường đá cổ bị phủ lấp bởi cỏ cây và thời gian. Đây được cho là dấu tích của con đường 'thiên lý Bắc - Nam' xưa.

Lãnh đạo huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cho biết, đang thực hiện các hoạt động nhằm khôi phục và bảo tồn một đoạn đường đá cổ thuộc đường "thiên lý Bắc – Nam".

Đoạn đường đá hàng trăm năm tuổi ở khu vực đèo Ngang phát lộ gần đây.

Đoạn đường đá hàng trăm năm tuổi ở khu vực đèo Ngang phát lộ gần đây.

Trước đó, người dân ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch phát hiện một lối mòn được xếp bằng đá chồng lên nhau nối từ đền Thánh mẫu Liễu Hạnh lên di tích Hoành Sơn Quan. Tuyến độc đạo này dài hơn 1km với khoảng 1.000 bậc đá cổ. Điểm đầu của đoạn đường đá cổ nằm tại bia Hạ Mã, trước cổng đền Thánh mẫu Liễu Hạnh đến Hoành Sơn quan.

Tại thời điểm phát lộ, con đường đá này bị phủ lấp bởi cỏ cây. Đây được cho là dấu tích của con đường "thiên lý Bắc - Nam" xưa. Chính quyền địa phương tổ chức khảo sát, lên kế hoạch khôi phục để gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử văn hóa.

Có khoảng 1.000 bậc đá từ chân núi phía Nam tới Hoành Sơn Quan.

Có khoảng 1.000 bậc đá từ chân núi phía Nam tới Hoành Sơn Quan.

Ông Nguyễn Chí Thắng, Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch cho biết, du khách sẽ có thêm trải nghiệm trong hành trình khám phá văn hóa, tâm linh ở khu vực Bắc Quảng Bình.

"Huyện Quảng Trạch sửa chữa, phát quang đoạn có đường đá. Cùng với đó vận động doanh nghiệp đổ thêm đất tạo lối đi nhưng không xâm phạm vào di tích. Huyện và các đơn vị đề xuất lên cấp tỉnh để có văn bản chỉ đạo quy hoạch chung để bảo tồn giá trị văn hóa ở khu vực này", ông Nguyễn Chí Thắng cho biết.

Dãy Hoành Sơn bắt đầu từ dãy Giăng Màn tại xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) chạy từ Tây sang Đông rồi chạy ra vùng biển.

Hoành Sơn Quan trên đỉnh đèo Ngang.

Hoành Sơn Quan trên đỉnh đèo Ngang.

Theo tài liệu lịch sử, từ thời vua Gia Long lấy dãy Hoành Sơn làm ranh giới, nửa phía Bắc thuộc tỉnh Hà Tĩnh, nửa phía Nam thuộc tỉnh Quảng Bình. Năm 1833, vua Minh Mạng cho thiết lập cửa ải ở núi Hoành Sơn. Trên đỉnh núi có cổng thành, người dân hay gọi là "Cổng Trời".

Cổng này có cửa cao 4m, trên có nổi 3 chữ "Hoành Sơn Quan", có tường thành chạy dài hai bên. Công trình kiến trúc thành lũy này còn khá nguyên vẹn với vẻ trầm mặc, cổ kính. Hoành Sơn Quan đã tồn tại gần 200 năm trên đỉnh đèo Ngang, được đánh giá là công trình có giá trị rất quan trọng trong lịch sử.

Đan Thanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khoi-phuc-bao-ton-duong-da-co-tren-tuyen-thien-ly-bac-nam-169241020091650944.htm