Khôi phục diện tích trồng rau sau bão

Cơn bão số 3 cùng mưa kéo dài đã khiến một số mặt hàng tăng giá, trong đó rau xanh tăng 'nóng' nhất. Tại một số chợ truyền thống ở Hà Nội, giá rau xanh chưa có dấu hiệu giảm nhiệt do nguồn cung vẫn còn khan hiếm.

Tại huyện ngoại thành Hà Nội bà con nông dân đang khẩn trương gieo trồng rau sau bão. Ảnh: Anh Dũng.

Tại huyện ngoại thành Hà Nội bà con nông dân đang khẩn trương gieo trồng rau sau bão. Ảnh: Anh Dũng.

Giá rau đắt, chợ dân sinh ế ẩm

Theo khảo sát, giá rau xanh tại các chợ dân sinh Hà Nội đều tăng 30 đến 50% so với trước khi bão.

Có mặt tại chợ Trung Kính (quận Cầu Giấy) từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Thanh sau một vòng đi dạo quanh chợ chọn mua được 1 mớ mồng tơi, 1 mớ rau muống và 2 quả bí đỏ chia sẻ: Gia đình có 6 người thì có tới 3 người ăn kiêng do tiểu đường, máu nhiễm mỡ vì thế trong cơ cấu bữa ăn, rau xanh luôn là chủ đạo thế nhưng những ngày gần đây đi chợ lựa rau khó và đắt đỏ hơn mua cá. Dẫn chứng, bà Thanh cho biết, mọi khi bó mồng tơi này chỉ có giá 5.000 đồng nhưng nay đã lên 20.000 đồng. Rau muống ngày thường 7.000 đồng giờ lên 25.000 đồng/bó trong khi đó 1 kg cá chép cũng chỉ 45.000 đồng/kg.

Bà Lê Thị Tám (quận Thanh Xuân) chia sẻ, dù biết sau bão giá rau thường tăng nhưng chưa lần nào giá rau tăng nóng như lần này. Tất cả các mặt hàng rau xanh đều tăng chóng mặt đặc biệt là rau gia vị. “Trước mua hành chỉ cần 2.000 đồng là mua được nhưng giờ phải mua ít nhất 8-10.000 đồng và phải mua kèm rau xanh tiểu thương họ mới bán”, bà Tám cho hay.

Trước cơn sốt giá rau xanh tăng cao nhiều bà nội trợ đã chuyển hướng sang mua rau củ như: bí xanh, bí đỏ, khoai tây, khoai sọ… theo ghi nhận hầu hết những mặt hàng này theo ghi nhận vẫn giữ mức ổn định như trước khi bão về có tăng chỉ tăng nhỉnh hơn so với trước.

Theo bà Hiền, tiểu thương chợ Hợp Nhất (quận Cầu Giấy), từ hôm xảy ra trận lụt, hôm nào giá rau xanh cũng tăng, chưa có ngày nào giảm. Về nguyên nhân vì sao giá rau xanh tăng, bà Hiền lý giải: Khi nhập hàng về giá đã cao rồi, nước mưa, nước ngập lại làm lá rau thối, dập. Tùy vào số rau thối, dập nhiều hay ít mà mỗi hàng lại điều chỉnh một mức giá khác nhau đổi công làm lãi. “Giá rau xanh tăng tiểu thương chúng tôi rất lo vì khi giá quá cao người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hạn chế mua. Ngày thường gian hàng của tôi cả 10 kệ rau đều đầy ắp hàng nhưng nay cũng chỉ dám nhập một vài mặt hàng bán duy trì và giữ khách”, bà Hiền chia sẻ.

Bên cạnh rau xanh, thịt lợn cũng là mặt hàng tăng giá rất nhanh từ sau bão số 3. Trong tuần qua, giá lợn hơi tại thị trường miền Bắc tăng mạnh do ảnh hưởng của mưa lũ dẫn tới nhiều trang trại nuôi heo bị thiệt hại nặng nề, cùng với việc vận chuyển gặp khó khăn khiến nguồn cung giảm sút đáng kể. Trong đó, giá thu mua tại Hà Nội đã chạm ngưỡng 70.000 đồng/kg, cao nhất cả nước. Ở các tỉnh thành còn lại, giá heo hơi cũng điều chỉnh tăng 1.000 - 4.000 đồng/kg, lên khoảng 67.000 - 69.000 đồng/kg. Tương tự tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, các tỉnh thành phía nam, giá lợn hơi cũng tăng khoảng 2.000 đồng/kg trong tuần qua.

Các công ty chăn nuôi thừa nhận giá heo hơi đang trên đà tăng mạnh tại cả 3 miền và có khả năng sẽ kéo dài xu hướng này tới tuần sau. Trong đó, giá lợn của Công ty Chăn nuôi C.P VN đã được điều chỉnh lên 68.500 đồng/kg tại khu vực miền Bắc. Mặc dù giá lợn hơi tăng nhưng theo ghi nhận giá thịt lợn tại các chợ dân sinh vẫn giữ mức giá ổn định trước bão chỉ một số loại ghi nhận mức tăng nhẹ từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg.

Không lo nguồn cung rau xanh

Mặc dù trời vẫn còn mưa nhưng gia đình anh Lê Văn Nghị ở xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) tập trung nhân lực làm đất để gieo trồng rau vụ mới. Tận dụng lợi thế vị trí gần với các chợ dân sinh nội thành anh liên kết và cung cấp rau cho các tiểu thương. “Trước khi bão xảy ra với 7 sào rau các loại như: rau cải, cà chua, hành tây, rau ngót dự định gia đình tôi sẽ thu về từ 30 đến 40 triệu đồng tuy nhiên bão về đã cuốn trôi tất cả. Nhìn cũng xót lắm nhưng thiên tai không thể tránh vì thế ngay sau khi nước rút gia đình tôi tập trung làm đất, cải tạo đất để kịp gieo lứa mới. Hy vọng sau hơn 1 tháng sẽ cho thu hoạch lứa rau mới”, anh Nghị chia sẻ.

Tráng Việt là một trong những vùng sản xuất rau lớn của huyện Mê Linh đây là nơi cung cấp nguồn rau lớn cho vùng nội thành Hà Nội. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua cho biết, xã Tráng Việt có khoảng 325ha trồng rau, riêng thôn Đông Cao hơn 200ha trồng rau an toàn. Do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu của bão, hơn 100ha rau màu của nông dân bị đổ, dập nát, hỏng… Hiện nước rút, thành viên hợp tác xã đã khôi phục được khoảng 20-25ha diện tích rau màu các loại.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) TP Hà Nội cho biết, nhằm khắc phục thiệt hại trong lĩnh vực trồng trọt do bão số 3 gây ra, Sở NNPTNT Hà Nội chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ mùa, mở rộng diện tích cây trồng vụ đông năm 2024. Đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã gieo trồng được 802,2ha cây vụ đông, sớm đạt 2,76% kế hoạch; trong đó, ngô 103,6ha, rau 521,3ha, cây gia vị 4ha, cây dược liệu 12,2ha… Theo kế hoạch, vụ đông năm nay, toàn thành phố gieo trồng 29.000ha.

“Nông dân các vùng chuyên canh rau lớn của Hà Nội đang tích cực xuống giống vụ rau mới, chỉ 20-25 ngày nữa, Hà Nội sẽ có sản lượng rau lớn, cung ứng cho người tiêu dùng” - ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khoi-phuc-dien-tich-trong-rau-sau-bao-10290977.html