Khôi phục đường bay quốc tế nhưng không buông lỏng kiểm soát COVID-19

Việc mở lại các chuyến bay quốc tế là cần thiết nhằm khôi phục hoạt động vận tải hành khách quốc tế, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch nói chung, tạo điều kiện cho bà con người Việt Nam về quê dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Tuy nhiên quá trình mở cửa vẫn phải đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.

Các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 nếu thực hiện nghiêm túc sẽ góp phần cho hoạt động hàng không bảo đảm an toàn.

Các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 nếu thực hiện nghiêm túc sẽ góp phần cho hoạt động hàng không bảo đảm an toàn.

Ngày 10/12, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 334 về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại cuộc họp khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ.

Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao. Thời gian thực hiện là từ 1/1/2022.

Trước mắt, khôi phục các chuyến bay với các địa bàn, gồm: Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnompenh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Hoa Kỳ), trên cơ sở có hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp y tế phòng dịch đối với người nhập cảnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả và thông suốt…

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, việc mở lại các chuyến bay quốc tế là cần thiết nhằm khôi phục hoạt động vận tải hành khách quốc tế, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch nói chung, tạo điều kiện cho bà con Việt Nam được về quê hương trong bối cảnh Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp đến... Tuy nhiên quá trình mở cửa vẫn phải đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn y tế đối với người nhập cảnh trên các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ. Bộ Ngoại giao tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đàm phán sớm thống nhất với các nước, vùng lãnh thổ về công nhận lẫn nhau "hộ chiếu vắc xin", ưu tiên các địa bàn thực hiện trong giai đoạn thí điểm…

Thực tế cho thấy, đằng sau con số thống kê các ca mắc COVID-19 trong nước liên tục tăng cao trong những ngày gần đây cho thấy đang hiện hữu nguy cơ làn sóng dịch mới cũng như biến thể mới của virus SARS-CoV-2…

Thực tế cũng cho thấy sau nới lỏng các biện pháp giãn cách, chính quyền cơ sở và người dân một số nơi có biểu hiện chủ quan với các biện pháp phòng bệnh, nhất là chưa tuân thủ nghiêm 5K hoặc cho rằng đã tiêm vaccine rồi thì không bị mắc bệnh...

Chính vì vậy, nếu không làm tốt công tác kiểm soát dịch cho khách bay để dịch tái bùng phát, việc xử lý hậu quả dịch bệnh tại tại sân bay hoặc trên tàu bay sẽ rất phức tạp, tốn kém. Điều này có thể khiến các quốc gia không muốn mở lại đường bay quốc tế với Việt Nam và khách quốc tế cũng ngại, sợ không muốn bay đến Viêt Nam…

Trên thế giới, nhiều nước châu Âu dù nới lỏng giãn cách song luôn kiểm soát dịch bệnh khá chặt chẽ. Theo đó, người dân phải xuất trình xét nghiệm âm tính trước khi vào nhà hàng, rạp hát, sân bóng, cơ quan, công sở và trước khi lên máy bay.

Bởi vậy, chúng ta cần tăng cường kiểm tra, đồng thời xử phạt nghiêm những người không thực hiện 5K. Cần bắt buộc tất cả khách bay nội địa phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi bay.

Quy định này có thể khiến các hãng bay và hành khách bị tăng chi phí, bó hẹp thị trường hàng không nhưng sẽ giúp hành khách và các địa phương nơi đến yên tâm cũng như phối hợp kiểm soát phòng dịch, đi lại, tránh đưa F0 từ nơi này đến nơi khác, làm dịch bệnh lây nhiễm rộng hơn.

Ngành hàng không đã có kinh nghiệm xét nghiệm tại cảng hàng không đối với khách nhập cảnh. Các hãng hoặc cảng hàng không hoàn toàn có thể phối hợp với ngành y tế địa phương để xét nghiệm cho khách. Kết quả xét nghiệm sẽ được trả online trên những ứng dụng chuyên ngành như PC Covid hay Vietnam Khỏe mạnh... Hành khách không phải cập nhật, khai báo kết quả test khi bay. Điều này cũng giảm được tình trạng mua bán kết quả xét nghiệm khống...

Như vậy có thể khẳng định việc tăng cường quản lý, giám sát di chuyển bằng công nghệ, tăng tốc tiêm vaccine, nghiêm túc thực hiện 5K và không lơ là trong việc xét nghiệm… sẽ góp phần kiểm soát được dịch bệnh. Điều đó xuất phát từ lợi ích của mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp và toàn cộng đồng, cả quốc gia và quốc tế, cả trong hiện tại và trong tương lai.

TS. Nguyễn Minh Phong

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/khoi-phuc-duong-bay-quoc-te-nhung-khong-buong-long-kiem-soat-covid19/455987.vgp