Khơi thông chính sách điện mặt trời mái nhà

Sau gần 4 năm bỏ trống, Chính phủ vừa ban hành nghị định về điện mặt trời (ĐMT) mái nhà hình thức tự sản xuất, tự tiêu thụ. Đây là cơ sở pháp lý để khơi thông nguồn điện tái tạo, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Mô hình dự án điện mặt trời mái nhà giới thiệu tại Diễn đàn và triển lãm kinh tế xanh năm 2024. Ảnh: H.Lộc

Mô hình dự án điện mặt trời mái nhà giới thiệu tại Diễn đàn và triển lãm kinh tế xanh năm 2024. Ảnh: H.Lộc

Theo đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp, nghị định có nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư.

Dùng không hết, được bán 20% công suất

Sau nhiều năm chờ đợi, cuối tháng 10-2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ĐMT mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.

Theo nghị định, các dự án ĐMT tự sản xuất, tự tiêu thụ được lắp đặt trên mái công trình xây dựng gồm: nhà ở của người dân, cơ quan công sở, khu và cụm công nghiệp nói chung, cơ sở kinh doanh được mua bán điện theo cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.

Nghị định này quy định cụ thể 9 cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT mái nhà. Đáng chú ý là nội dung tổ chức, cá nhân lắp đặt ĐMT tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực và không bị giới hạn công suất lắp đặt trong trường hợp không đấu nối với hệ thống điện quốc gia hoặc dự án công suất dưới 100kW.

Đến hết năm 2020, có gần 5,9 ngàn hệ thống ĐMT ở Đồng Nai được ký hợp đồng mua bán điện. Từ đó đến nay, không có hệ thống nào được ký hợp đồng mua bán do “trống” chính sách.

Chính sách ưu đãi đáng chú ý thứ 2 là dự án ĐMT mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thuộc hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ có công suất dưới 100kW nếu không dùng hết sẽ được bán lên hệ thống điện quốc gia không quá 20% công suất lắp đặt, áp dụng phạm vi cả nước. Tại dự thảo nghị định trước đó, Bộ Công thương đề xuất phương án khu vực miền Bắc được bán lên lưới lượng điện dư là 20% tổng công suất lắp đặt, còn miền Trung và miền Nam chỉ được bán 10% tổng công suất.

Bên cạnh 2 chính sách khuyến khích nổi bật trên, nghị định còn đưa ra các ưu đãi thuế, không phải điều chỉnh giấy phép kinh doanh, không phải làm thủ tục bổ sung đất công trình năng lượng… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây lắp Tiến Thịnh (Thành phố Hồ Chí Minh) Trịnh Ngọc Quyết Tiến cho hay, đã gần 4 năm, doanh nghiệp kinh doanh thiết bị và đối tượng sử dụng chờ đợi chính sách ĐMT mái nhà. Cũng theo ông Tiến, thời gian qua, các dự án quy mô công suất lớn bị vướng nhiều vì không được đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia. Còn các dự án nhỏ lắp đặt để sử dụng vào ban ngày thì không bị vướng mắc về đấu nối nhưng lại phải có giấy phép xây dựng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy… dẫn đến không lắp đặt được.

“Nghị định mới của Chính phủ có nhiều chính sách ưu đãi. Nghị định cũng quy định chi tiết, cụ thể các nội dung, điều này không chỉ giúp doanh nghiệp, hộ gia đình, cơ quan công sở thuận lợi đầu tư dự án điện sạch để sử dụng, mà còn giúp các địa phương có lợi thế như Đồng Nai thu hút được các tập đoàn đầu tư vào lĩnh vực này nhằm bán lại cho chính doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp” - ông Tiến chia sẻ.

Cơ hội gia tăng điện tái tạo

Phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có ĐMT mái nhà là chính sách quan trọng của Việt Nam. Điều này được thể hiện trong Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ; Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Quốc hội… và nhiều kế hoạch, nghị quyết, chương trình hành động liên quan đến tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khác.

Việc ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách khuyến khích ĐMT mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ nói trên là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Theo thạc sĩ Lê Thị Bích, Trường cao đẳng Công nghệ cao Lilama 2 (huyện Long Thành), sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng giá trị sản phẩm và lợi thế cạnh tranh. Dẫn chứng là hiện nay, các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU… đã áp dụng chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) đối với sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia khác. Doanh nghiệp có dự án ĐMT mái nhà phục vụ sản xuất là điều kiện để hàng hóa thâm nhập vào thị trường này. Bên cạnh đó, việc biết cách dùng dự án đầu tư năng lượng tái tạo để truyền thông, xây dựng giá trị thương hiệu sẽ mang thêm lợi ích về xã hội và môi trường cho doanh nghiệp.

Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong cho rằng, Đồng Nai có tiềm năng tốt để phát triển các dự án ĐMT mái nhà. Tại kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh được phân bổ chỉ tiêu nguồn điện này là 229MW, khá khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu. Nghị quyết về cơ chế, chính sách khuyến khích ĐMT mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ sẽ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án lắp đặt, sử dụng tại chỗ mà không bán điện lên lưới.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhiều lần chia sẻ, không ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh muốn lắp đặt ĐMT mái nhà để sử dụng, đáp ứng tiêu chí “xanh” trong xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, do thủ tục nhiều và phức tạp, chính sách khuyến khích phát triển ĐMT mái nhà chậm được ban hành dẫn đến khó triển khai.

Chính sách mới sẽ tạo thuận lợi cho các dự án ĐMT tự sản xuất, tự tiêu thụ, nhất là với các doanh nghiệp trong khu/cụm công nghiệp để đạt mục tiêu “kép” có chứng chỉ xanh, gia tăng tỷ lệ điện tái tạo trong sản phẩm và giảm phát thải khí nhà kính.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202410/khoi-thong-chinh-sach-dien-mat-troi-mai-nha-db50b45/