Khơi thông mọi nguồn lực, đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững

Những năm qua, tỉnh Kon Tum có sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc về mọi mặt và trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế-xã hội của Tây Nguyên. Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân, đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum nhấn mạnh: Để đạt được kết quả trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; khơi thông và phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Đồng chí Dương Văn Trang (người ngoài cùng bên phải) thăm mô hình trồng cây mắc-ca tại huyện Kon Rẫy.

Đồng chí Dương Văn Trang (người ngoài cùng bên phải) thăm mô hình trồng cây mắc-ca tại huyện Kon Rẫy.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những kết quả, thành tựu nổi bật của tỉnh Kon Tum trong hơn nửa nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua?

Đồng chí Dương Văn Trang: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành 11 nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp, dược liệu, du lịch, cải cách hành chính, chuyển đổi số, phát triển đô thị... để tập trung lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, lĩnh vực đột phá; tiến hành đánh giá tình hình và ban hành các kết luận, nghị quyết để lãnh đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và hằng năm.

Bà con Rơ Măm tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy đón đồng chí Dương Văn Trang (đi đầu) và đoàn công tác đến làm việc với làng.

Bà con Rơ Măm tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy đón đồng chí Dương Văn Trang (đi đầu) và đoàn công tác đến làm việc với làng.

Đồng thời, tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19; triển khai các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, qua đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến. Trong đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng các ngành nông, lâm, thủy sản. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) hằng năm tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2021-2022 đạt 8%/năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng đều qua các năm (năm 2021 đạt 3.659 tỷ đồng, năm 2022 đạt 4.050 tỷ đồng). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 43,2 triệu đồng cuối năm 2020 lên 52,44 triệu đồng vào cuối năm 2022 (đạt 75% mục tiêu cuối nhiệm kỳ).

Đồng chí Dương Văn Trang (ngoài cùng bên trái) tặng quà cho bà con Rơ Măm tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy

Đồng chí Dương Văn Trang (ngoài cùng bên trái) tặng quà cho bà con Rơ Măm tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy

Nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, tổng giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp đến cuối năm 2022 đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, tăng 24,5% so với đầu nhiệm kỳ. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến bước đầu đạt được những kết quả nhất định; đã có sự chuyển biến từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang dồn đổi, tích tụ đất, tổ chức lại sản xuất theo hình thức liên kết, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.

Công nghiệp tiếp tục phát triển, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp-xây dựng năm 2022 đạt 9.361 tỷ đồng, tăng 45,3% so với đầu nhiệm kỳ. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng mạnh như: Điện sản xuất ước đạt 3.300 triệu Kwh, tăng 68,94% so với cùng kỳ năm 2021; gỗ cưa hoặc gỗ xẻ đạt 42.500m3, tăng 21,45% so với cùng kỳ năm trước...

Đồng chí Dương Văn Trang (ngoài cùng bên trái) tặng quà cho cán bộ, nhân dân xã Đăk Long, huyện Đăk Glei.

Đồng chí Dương Văn Trang (ngoài cùng bên trái) tặng quà cho cán bộ, nhân dân xã Đăk Long, huyện Đăk Glei.

Tỉnh ủy đã ban hành và lãnh đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 16/5/2022 về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; qua đó, công tác xúc tiến và thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực. Lãnh đạo tỉnh đã chủ động tiếp xúc, kêu gọi, theo dõi, làm việc với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo Báo cáo xếp hạng chỉ số PCI năm 2022 do VCCI công bố ngày 11/4/2023, tỉnh Kon Tum đạt 64,89 điểm, tăng 24 bậc so với năm 2021, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, đứng thứ hai khu vực Tây Nguyên.

Phóng viên: Xin đồng chí chia sẻ những kinh nghiệm và bài học thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị cũng như phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Kon Tum trong hơn nửa nhiệm kỳ vừa qua?

Đồng chí Dương Văn Trang: Để đạt được những kết quả quan trọng nêu trên, tạo động lực vững chắc để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 đề ra, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã rút ra những bài học kinh nghiệm. Đó là:

Đồng chí Dương Văn Trang (thứ hai từ phải sang) thăm hỏi và tặng quà cho bà Y Bắp, 105 tuổi, tại làng Vai Trang, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei.

Đồng chí Dương Văn Trang (thứ hai từ phải sang) thăm hỏi và tặng quà cho bà Y Bắp, 105 tuổi, tại làng Vai Trang, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei.

Phải nghiên cứu, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ trương, nghị quyết của Đảng vào điều kiện thực tế của địa phương; trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm, sâu sát, quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực, có bước đi phù hợp, phát huy mọi nguồn lực; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và những vấn đề phát sinh.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường, bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị; độc lập, tự chủ với tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế. Thực hiện công bằng xã hội; phát huy tối đa nội lực gắn với huy động các nguồn lực từ bên ngoài.

Đồng chí Dương Văn Trang (thứ hai từ trái sang) giới thiệu về sâm Ngọc Linh Kon Tum với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Đồng chí Dương Văn Trang (thứ hai từ trái sang) giới thiệu về sâm Ngọc Linh Kon Tum với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Thường xuyên sâu sát cơ sở, gần dân, sát dân, tăng cường đối thoại, lắng nghe và kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Quan tâm chăm lo và nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân.

Chú trọng công tác củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là công tác cán bộ. Xử lý nghiêm, kịp thời cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, thiếu tinh thần trách nhiệm. Đồng hành với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển.

Phóng viên: Tỉnh Kon Tum đã có những giải pháp nào để hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh, bền vững của tỉnh, thưa đồng chí?

Đồng chí Dương Văn Trang: Để hiện thực hóa khát vọng đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, bên cạnh thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, ngày 9/1/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 50-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với tầm nhìn và mục tiêu dài hạn, giải pháp đột phá cùng quyết tâm cao nhằm đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và của Trung ương đối với vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng.

Sâm Ngọc Linh Kon Tum được trồng dưới tán rừng già.

Sâm Ngọc Linh Kon Tum được trồng dưới tán rừng già.

Trong đó, xác định mục tiêu xây dựng tỉnh Kon Tum ổn định, phát triển toàn diện, bền vững; trở thành cực phát triển quan trọng của vùng Tây Nguyên với đa ngành nghề, đa lĩnh vực; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; quản lý, bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng gắn với sinh kế của người dân; tăng cường thu hút công nghiệp chế biến; phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch; đẩy mạnh phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới; lấy đầu tư nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng giao thông làm động lực để đẩy nhanh kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, tăng cường liên kết vùng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tăng cường hội nhập và phát triển; bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt hơn 10%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt hơn 9,5%/năm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp và dịch vụ. GRDP bình quân đầu người đạt hơn 110 triệu đồng/người; thu ngân sách nhà nước đạt hơn 7.800 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 50-52%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 90%... Đến năm 2030, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng hơn 60%; hơn 65% cơ sở giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; đạt 40 giường bệnh và 12 bác sĩ trên một vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 100%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 64%; tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt 96%, ở nông thôn đạt 99%.

Công nhân chăm sóc sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Công nhân chăm sóc sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Kon Tum trở thành cực phát triển quan trọng của vùng Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông-Tây với các nước Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS), là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc-Nam, Đông-Tây với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại; là tỉnh có nền kinh tế phát triển, đáp ứng yêu cầu cao về an sinh xã hội; sử dụng hiệu quả tài nguyên và các nguồn lực tăng trưởng; có không gian sản xuất và sinh hoạt xã hội với định hướng xanh, thích nghi với biến đổi khí hậu; môi trường đầu tư năng động, chỉ số cạnh tranh đạt chuẩn quốc gia và khu vực.

Phóng viên: Kon Tum đang phấn đấu trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia, đưa dược liệu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Vậy tỉnh đã xây dựng phương án, giải pháp, hành động nào để thực hiện mục tiêu này?

Đồng chí Dương Văn Trang: Để thực hiện mục tiêu đưa tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước, nâng tầm vị thế thương hiệu sản phẩm Sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19/5/2022 “về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

\Sâm Ngọc Linh Kon Tum vào mùa thu hoạch hạt.

\Sâm Ngọc Linh Kon Tum vào mùa thu hoạch hạt.

Trong đó, xác định đến năm 2025 sẽ hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung với diện tích sâm Ngọc Linh đạt khoảng 4.500 ha (khoảng 45 triệu cây); các cây dược liệu khác đạt khoảng 10.000 ha, gồm khoảng 2.000 ha cây dược liệu lâu năm và khoảng 8.000 ha cây dược liệu hằng năm (1.600 ha đất qua các lượt trồng), các loại cây dược liệu ngắn ngày. Đến nay, tỉnh đã phát triển vùng diện tích sâm Ngọc Linh khoảng 2.284 ha, đạt 50,76% mục tiêu; cây dược liệu khác khoảng 7.606 ha, đạt 76,06% mục tiêu.

Để tiếp tục mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng vùng trồng dược liệu, góp phần phát triển sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia, tỉnh Kon Tum đã kiến nghị Trung ương xem xét có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho địa phương triển khai thực hiện việc cho thuê môi trường rừng để phát triển dược liệu được thuận lợi hơn.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khoi-thong-moi-nguon-luc-dua-tinh-kon-tum-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-post777158.html