Không chia sẻ thức ăn, người Trung Quốc mong tránh thảm họa dịch bệnh

Lo lắng thảm dịch bệnh truyền nhiễm tương tự Covid-19, người Trung Quốc muốn từ bỏ thói quen san sẻ trên bàn ăn, dùng đũa cá nhân gắp thức ăn cho người khác.

40 năm qua, Linda He và các thành viên trong gia đình dùng đũa cá nhân để gắp mọi thứ dùng chung trên mâm cơm như một thói quen ăn uống lâu đời. Thế nhưng, điều đó đã thay đổi vào tháng trước khi He bắt đầu "cuộc cách mạng bàn ăn": Thêm đôi đũa thứ 2 chuyên dùng để gắp thức ăn từ đĩa vào bát của mỗi người.

"Chia sẻ thức ăn là một truyền thống nhưng tôi nghĩ chúng ta phải từ bỏ điều đó vì những nguy cơ lây nhiễm bệnh tật", He, người đang sống cùng bố mẹ và con cái ở thành phố Thượng Hải, nói.

 Gắp thức ăn cho nhau là truyền thống thể hiện sự quan tâm, yêu thương của người Trung Quốc trong bữa cơm gia đình. Ảnh: Shutterstock.

Gắp thức ăn cho nhau là truyền thống thể hiện sự quan tâm, yêu thương của người Trung Quốc trong bữa cơm gia đình. Ảnh: Shutterstock.

Gắp thức ăn cho nhau, chia sẻ đồ ăn từng được xem là cách kết nối, bày tỏ yêu thương giữa các thành viên. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cướp đi sinh mạng của hơn 4.600 người Trung Quốc, buộc người dân phải thay đổi suy nghĩ về những thói quen trên bàn ăn.

"Một số người bạn đã học theo cách của tôi, dùng thêm đũa trong bữa cơm gia đình", He nói thêm.

Cuộc thăm dò ý kiến với khoảng 30.000 người ở phía đông nam thành phố Hạ Môn vào tháng 3 vừa qua cho thấy gần 85% số người được hỏi cho rằng các gia đình cần sử dụng thêm thìa hoặc đũa riêng để ngăn chặn sự lây lan của bệnh truyền nhiễm.

Nhà chức trách Trung Quốc cũng tin rằng chia sẻ thức ăn là một trong những cách lây lan virus giữa các thành viên trong hộ gia đình. Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết 83% trường hợp nhiễm Covid đã bị lây bệnh theo cách thức này.

 Dịch Covid-19 buộc các nhà hàng thay đổi cách thức kinh doanh. Ảnh: Reuters.

Dịch Covid-19 buộc các nhà hàng thay đổi cách thức kinh doanh. Ảnh: Reuters.

Nỗi sợ lây lan bệnh truyền nhiễm không chỉ thay đổi cách ăn uống trong các hộ gia đình mà còn tác động đến việc kinh doanh ở các nhà hàng.

Deng Yanping, chủ nhà hàng ở thành phố Gia Hưng, phía đông tỉnh Chiết Giang, cho biết cô đã cung cấp thêm các dụng cụ gắp thức ăn riêng và đặt các bàn cách xa nhau, để thu hút khách hàng.

"Trước đây, chỉ những nhà hàng cao cấp mới làm điều này. Những nhà hàng nhỏ như của tôi cần hạn chế mọi chi phí phát sinh. Thêm dụng cụ đũa, thìa tức là phải thuê thêm người dọn dẹp, rửa bát", Deng nói.

Vào đầu những năm 2000, khi dịch SARS bùng phát, chính phủ Trung Quốc cũng đã thúc đẩy việc sử dụng thêm các dụng cụ phục vụ trong các nhà hàng. Tuy nhiên, kết quả mang lại chưa thực sự tốt.

 Không dễ để thay đổi những thói quen ăn uống lâu đời của người dân Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Không dễ để thay đổi những thói quen ăn uống lâu đời của người dân Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Trong đại dịch Covid-19, chính quyền nhiều nơi quyết mạnh tay hơn. Tháng 5 vừa qua, một nhà hàng ở Giang Sơn, Chiết Giang đã bị phạt 50 NDT (7 USD) vì không tuân thủ các quy định an toàn.

Ở Thiểm Tây, một chiến dịch truyền thông kêu gọi các nhà hàng cung cấp thêm đũa gắp thức ăn cho thực khách đã được phát động. Tuy nhiên, theo chủ nhà hàng Deng Yanping thay đổi thói quen của khách hàng là không hề dễ.

Li Liang, cư dân Bắc Kinh 34 tuổi, cho biết cha anh phản đối ý tưởng chia thức ăn thành các phần riêng cho từng thành viên để giảm nguy cơ lây chéo. Theo truyền thống, cha mẹ, ông bà gắp thức ăn vào bát con cháu để thể hiện tình thương yêu, ngược lại con cháu làm vậy với người lớn tuổi để thể hiện sự tôn kính.

Hiện tại, các nhà chức trách Trung Quốc vẫn đang nỗ lực để thay đổi quan niệm truyền thống này thông qua các quảng cáo, chiến dịch truyền thông. "Chia sẻ thức ăn, không còn là tình yêu", một quảng cáo của chính phủ viết thông điệp.

Lê Vy (Theo SCMP)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/them-dua-tren-mam-com-nguoi-trung-quoc-mong-tranh-tham-hoa-dich-benh-post1095654.html