Không cho đất nghỉ

Gần 2 tháng sau trận mưa lũ lịch sử, cuộc sống đã trở lại bình thường. Với những người nông dân ở huyện Phú Bình, tập trung cho gieo trồng vụ mới là ưu tiên hàng đầu. 'Không cho đất nghỉ', những thửa ruộng, mảnh vườn từng bị chìm trong nước giờ xanh trở lại. Nhân dân các vùng bị ảnh hưởng đang hối hả vào vụ sản xuất mới.

Ruộng cải ngọt của gia đình bà Hoàng Thị Tiến, ở xóm Náng, xã Nhã Lộng (Phú Bình) được trồng ngay sau mưa lũ, đã bắt đầu cho thu hoạch.

Ruộng cải ngọt của gia đình bà Hoàng Thị Tiến, ở xóm Náng, xã Nhã Lộng (Phú Bình) được trồng ngay sau mưa lũ, đã bắt đầu cho thu hoạch.

Giữa cái nắng hanh hao, chúng tôi đến xóm Náng, xã Nhã Lộng - địa phương có truyền thống trồng rau màu ở huyện Phú Bình. Trên cánh đồng, bà con đang hối hả sản xuất, người làm đất, người gieo hạt, người xới cỏ...

Bà Hoàng Thị Tiến, một người dân trong xóm: Trong đợt mưa lũ vừa qua, gia đình tôi có 4 sào rau vụ đông đã xuống giống nhưng bị hỏng toàn bộ. Ngay sau khi nước rút khỏi mặt luống rau, tôi đã xới đất và gieo ngay rau cải. Đến nay, cả 4 sào đã được gieo trồng rau giống và rau thương phẩm. Trong đó, những luống rau cải ngọt, ngải cứu đã cho thu hoạch.

Bà Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc HTX Bình Minh, xã Nhã Lộng, cho biết: HTX có gần 4ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP bị ngập, phần diện tích còn lại cũng bị dập nát. Sau mưa lũ, điều kiện thời tiết thuận lợi, trời nắng hanh, đất nhanh khô nên các thành viên HTX khẩn trương gieo trồng rau gối mùa vụ luôn. Chúng tôi ưu tiên trồng các loại rau ngắn ngày, tập trung vào nhóm rau ăn lá (cải các loại, mùng tơi, rau rền), với diện tích khoảng 3ha, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Hiện nay, những lứa rau đầu tiên sau mưa lũ đã được xuất bán và rất được giá (ví dụ như rau cải có giá từ 15-28 nghìn đồng/kg). Để cây rau phát triển tốt, các hộ đã vãi vôi, khử trùng đất trước khi gieo trồng vụ mới. Sâu bệnh ít nên rau rất đẹp. Cùng với các loại rau ngắn ngày, diện tích rau giống trong vụ đông (gồm bắp cải, su hào, súp lơ...) cũng được gieo trồng và phát triển tốt.

Các diện tích trồng rau của Phú Bình hầu như đã được xuống giống.

Các diện tích trồng rau của Phú Bình hầu như đã được xuống giống.

Còn tại xã Nga My, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi mưa lũ ở huyện Phú Bình, những thửa ruộng trồng rau màu bị ngập sâu giờ cũng đã xanh trở lại. Ngừng tay xới cỏ cho ruộng ngô, bà Nguyễn Thị Thum, ở xóm Điếm, xã Nga My, cho biết: Từ khi nước lũ chưa rút hết, tôi đã ngâm hạt ngô giống và làm bầu ngô, để vừa đẩy nhanh được tiến độ sản xuất và tận dụng lúc đất còn ẩm để cây phát triển. Với cách làm trên, đến nay cả 2 sào bị hỏng do mưa lũ đã được trồng thay thế bằng ngô ngọt, ngô nếp và ngô tẻ. Cây ngô đã lên được 6-7 lá và phát triển tốt.

Không riêng gia đình bà Thu, bà con nông dân xã Nga My đã bắt tay vào sản xuất ngay sau khi nước rút.

Chị Nguyễn Thị Chiến, Trưởng xóm Dinh, xã Nga My: Là địa phương nằm sát sông Cầu, có diện tích đất soi nhiều, sau khi nước rút khoảng 5 ngày, ở khu vực đồng soi, đất cứ ráo đến đâu là bà con trồng cây màu ngay đến đó và tận dụng mọi quỹ đất để trồng cây phù hợp. Ví như, những diện tích đất thấp và bị ẩm hơn không thể trồng ngô được thì chuyển sang trồng bí.

Có thể thấy, mặc dù mưa lũ gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, nhưng với tinh thần lạc quan, lao động hăng say, nhân dân các địa phương của huyện Phú Bình đang hối hả với vụ sản xuất mới; lựa chọn các loại cây trồng, bố trí cơ cấu giống phù hợp và phát huy hết tiềm năng về quỹ đất. Những cánh đồng từng ngập sâu giờ đây đã được phủ một màu xanh của ngô và rau màu, mang theo hy vọng về một vụ sản xuất giành thắng lợi.

Nguyễn Chi

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/nong-nghiep/202411/khong-cho-dat-nghi-959197d/