Không có khả năng tự sự, dễ dàng gây ra tội ác
Nếu con người chỉ suy nghĩ về lợi ích của mình khi hành động, không có khả năng tự sự, tưởng tượng ra hậu quả cho những người xung quanh, họ dễ dàng gây ra tội ác. Nếu họ không bị ảm ảnh, day dứt vì tội lỗi của mình, thì tội ác sẽ được tiếp tục vì họ không bị trừng phạt...
Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng tội ác ngày càng thản nhiên là do con người không có khả năng tự sự, tưởng tượng về những hậu quả do hành động của mình gây ra. Một ví dụ điển hình là vụ án Nguyễn Kim An giết bạn cùng lớp là Lưu Vĩnh Đạt bằng cách cho Đạt uống thuốc an thần bất tỉnh, trùm bao tải lên người nạn nhân rồi vứt xuống sông. Sau đó An liên tục nhắn tin tống tiền gia đình Đạt. Khi cha mẹ vớt được xác Đạt tổ chức tang lễ, An vẫn thản nhiên đến viếng như mình vô can.
Hành động tội ác của An diễn ra một cách rời rạc, không cảm xúc và An không bị giày vò, ân hận khi giết bạn. Những người như An không có năng lực tưởng tượng ra cảnh Đạt nằm dưới sông lạnh lẽo, không có khả năng hình dung ra những nỗi đau của gia đình, bạn bè và những người thân xung quanh. An không bị dày vò vì tội ác của mình, An chỉ hành động vì lòng tham khi biết nhà Đạt có nhiều tiền.
Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng khả năng tưởng tượng, cảm nhận và thấu hiểu về thân phận con người có ảnh hưởng to lớn đến quyết định hoặc hành động của mỗi người. Nếu có khả năng này, con người sẽ cẩn trọng trong các quyết định của mình. Nếu không, con người sẽ thực hiện tội ác không nương tay. Việc có năng lực này hay không phụ thuộc rất lớn vào khả năng cảm thụ văn học, vì văn học giúp con người nuôi dưỡng trí tưởng tượng, tính nhân văn và cảm thông với thân phận con người. Tiếc rằng, môn văn ở Việt Nam đang được dậy theo khuôn mẫu, giáo điều khô cứng làm giảm cảm xúc và khả năng cảm thụ cuộc sống của học sinh. Đây chính là một nguyên nhân sâu xa của nhiều vấn đề đạo đức trong xã hội.
Và điều này ảnh hưởng đến tất cả mọi người chứ không chỉ những kẻ phạm tội ác man rợ.
Trong trường học, nếu thầy cô giáo có khả năng tưởng tượng ra tương lai của một em học sinh cá biệt thì quyết định của họ sẽ nhân văn hơn rất nhiều. Nếu họ chỉ nghĩ “lớp học trở nên yên bình dễ bảo” khi không còn học sinh cá biệt, họ sẽ kỷ luật và đuổi học em. Nhưng nếu họ tưởng tượng ra cuộc sống của học trò mình sau khi bị đuổi học, có thể vướng vào tệ nạn, nghiện ngập, cướp giật, đi tù thì lòng khoan dung của họ sẽ tăng lên. Phần thưởng cho sự cố gắng của họ trong việc giúp học sinh cá biệt là một tương lai tốt đẹp hơn, vì em được học tiếp và ra trường làm việc có ích.
Tương tự như vậy, khi một cán bộ quản lý thị trường thuốc trừ sâu phát hiện ra hàng giả, anh ta có thể nhận hối lộ và bỏ qua hoặc tịch thu và phạt thật nặng. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tự sự của người cán bộ đó. Nếu hình dung được cảnh hàng nghìn người nông dân lo lắng đi mua thuốc trừ sâu cho vườn tiêu đang nhiễm bệnh, rồi họ mất dần hy vọng, bất lực và đau đớn nhìn vườn tiêu chết khô vì thuốc trừ sâu giả, thì có lẽ anh ta sẽ không nỡ nhận phong bì. Khả năng hình dung ra cảnh hàng nghìn gia đình nông dân rơi vào cảnh đói kém, con cái phải bỏ học hoặc phải bán đất trả nợ ngân hàng sẽ giúp người cán bộ vượt qua lòng tham. Ngoài sự nghiêm minh của pháp luật, chính trí tưởng tượng và nỗi ám ảnh về hậu quả do mình gây ra mới giúp người cán bộ vượt qua quỷ dữ để sống tử tế.
Điều này cũng đúng cho những người cầm cân nảy mực, xây dựng luật pháp và chính sách quốc gia. Nếu họ có thể tưởng tượng ra ảnh hưởng của chính sách lên từng người dân cụ thể, họ sẽ cẩn trọng hơn trong các quyết sách của mình. Nếu hình dung được cảnh những dòng suối trên núi bị ô nhiễm do hoạt động khai mỏ làm chết cá, chết lúa, và gây bệnh tật cho hàng trăm hộ gia đình nông dân sống hai bên bờ suối, có thể chính quyền địa phương đã không cấp phép cho các công ty tư nhân đào mỏ. Nếu hình dung được cảnh người dân xếp hàng chờ việc, bán sức lao động trên đường phố nhưng các nhà thầu Trung Quốc lại mang hàng nghìn công nhân của họ qua biên giới vào Việt Nam, chính quyền có thể đã không để cho Trung Quốc thắng thầu.
Nếu con người chỉ suy nghĩ về lợi ích của mình khi hành động, không có khả năng tự sự, tưởng tượng ra hậu quả cho những người xung quanh, họ dễ dàng gây ra tội ác. Nếu họ không bị ảm ảnh, day dứt vì tội lỗi của mình, thì tội ác sẽ được tiếp tục vì họ không bị trừng phạt. Khả năng này có được phần lớn là nhờ văn học.
Chính vì vậy, Việt Nam cần cải cách giáo dục, tăng cường vai trò của văn học nói riêng và khoa học xã hội nói chung. Khi đó, con người mới không vô cảm vì chính sự dằn vặt, tự vấn lương tâm sẽ ngăn cản họ phạm tội ác.