Không công bố đề thi minh họa THPT quốc gia 2020: Nhiều ý kiến trái chiều
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT thông tin, kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ giữ ổn định như năm trước. Tuy nhiên, việc Bộ GD&ĐT không xây dựng và công bố đề thi minh họa đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều.
Học sinh lo lắng
Thời điểm này năm ngoái, Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa THPT để giáo viên (GV), học sinh (HS) có thể tham khảo. Tuy nhiên, năm nay, Bộ không xây dựng và công bố đề minh họa kỳ thi THPT quốc gia. TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, lý do là bởi việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 cơ bản được giữ ổn định như năm 2019. Vì vậy, thí sinh và các trường có thể tham khảo đề thi chính thức, đề thi minh họa của năm trước để biết cách thức ra đề cũng như có hướng ôn thi phù hợp.
Tuy nhiên, khi Bộ GD&ĐT công bố thông tin này, nhiều GV, HS tỏ ra lo lắng. Em Nguyễn Thùy Linh - HS trường THPT Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Đề thi minh họa vẫn được xem là một trong những tài liệu định hướng phạm vi, cấu trúc đề thi. Năm nay, Bộ GD&ĐT không công bố đề thi minh họa, em rất lo lắng, bởi có đề thi minh họa là điều giúp HS biết được độ khó dễ của đề”. Còn cô Nguyễn Thị Thu Hằng - GV trường THPT Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội) cho rằng, việc ôn thi sẽ không có cơ sở, định hướng cụ thể, đặc biệt cấu trúc của các khối lớp không rõ ràng sẽ gây áp lực khi chương trình khối 11 và 12 có sự khác biệt nhất định.
Kết hợp vừa học vừa ôn thi
Ở quan điểm ngược lại, nhiều GV, HS lại cho biết, việc không công bố đề thi minh họa sẽ không ảnh hưởng lớn đến quá trình ôn luyện, đồng thời thể hiện kỳ thi đã đi vào ổn định. Đồng tình với việc không công bố đề thi minh họa 2020, thầy Trần Mạnh Tùng - GV trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nêu lý do: “Thời điểm này, nếu công bố sẽ làm xáo trộn tâm lý HS. Đặc biệt ở Hà Nội, vào khoảng tháng 3, TP có tổ chức kỳ thi toàn TP, đây là kênh để các trường đánh giá, có kế hoạch phù hợp nên GV, HS yên tâm nếu bám theo đề thi minh họa và đề chính thức như năm 2019”. Thầy Trần Mạnh Tùng cho biết thêm, trường THCS - THPT Lương Thế Vinh luôn chủ động để HS vừa học vừa ôn thi. Ngoài ra, trường cũng thường tổ chức thi thử 3 lần/năm và qua những lần đó, GV có đánh giá tương đối toàn diện để có kế hoạch khắc phục cho HS ở từng mức độ.
Cô Trần Hồng Bắc – GV bộ môn Văn, trường THPT Tân Lập (Đan Phượng, Hà Nội) cho rằng, không có đề thi minh họa sẽ giúp GV và HS không bị áp lực thi cử, không bị định hướng về nội dung, không chạy theo một kiểu đề, dạng đề. Năm 2018, đề thi minh họa đã có sự khác biệt với đề chính thức là do GV và HS không hiểu được tính chất của đề tham khảo. Đó chỉ là một căn cứ để GV dạy và HS ôn tập, không phải quy định hay khuôn mẫu bắt buộc. Cách tốt nhất là GV tự ra đề và có định hướng cách ôn tập phù hợp với HS theo yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia. “Tôi nghĩ, thay vì ra đề minh họa, Bộ GD&ĐT nên có những mục tiêu về năng lực cụ thể ở từng phần của đề thi hay còn gọi là ma trận đề thi để HS hiểu được mức độ và rèn kỹ năng làm bài hiệu quả” – cô Bắc chia sẻ thêm.
TS Nguyễn Thành Nam - GV luyện thi Hệ thống giáo dục HOCMAI khẳng định, đề thi ra như thế nào sẽ tác động đến phổ điểm nâng lên hay hạ xuống. Điều đáng chú ý, nếu đề thi dễ như năm 2017, điểm của thí sinh quá cao, lúc này các trường top trên dựa vào điểm ưu tiên quyết định trúng tuyển nhiều hơn năng lực thật của HS.
Hiện tại, HS khối 12 đã kết thúc kỳ thi học kỳ I và đang chuẩn bị cho học kỳ II. Theo chia sẻ của các GV, HS nên chủ động ôn luyện tổng thể, ôn tập sâu phù hợp với mục tiêu từng cá nhân, sẵn sàng cho kỳ thi THPT tới.