'Không để ai bị bỏ lại phía sau' trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Phong trào 'Cả nước chung tay vì người nghèo' không chỉ nhằm khơi dậy tình yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau từ cộng đồng dân cư mà đã trở thành mục tiêu, quyết tâm hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong hành trình thay đổi cuộc sống cho những người nghèo, góp phần thực hiện chủ trương lớn của Đảng là 'không để ai bị bỏ lại phía sau' trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Mô hình giảm nghèo gối ngủ thảo dược do phụ nữ DTTS huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phương Liên

Mô hình giảm nghèo gối ngủ thảo dược do phụ nữ DTTS huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phương Liên

“Lõi” nghèo tập trung ở đồng bào dân tộc thiểu số

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 14,7% dân số cả nước nhưng cư trú trên diện tích rộng tới 3/4 diện tích cả nước. Đa số đồng bào DTTS sinh sống ở vùng cao, miền núi, biên giới.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng khá cao, đạt bình quân 7%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước. Đời sống vật chất của đồng bào các DTTS ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hằng năm. Bình quân toàn vùng giảm 4%/năm; riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm trên 4%/năm; các huyện nghèo giảm 5-6%/năm trở lên.

Mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ, đầu tư phát triển, nhưng do xuất phát điểm thấp nên vùng đồng bào DTTS và miền núi đến nay vẫn là vùng có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất, giảm nghèo thiếu bền vững. Ủy ban Dân tộc nhận định, thực trạng nghèo ở vùng DTTS, nhất là đối tượng người DTTS đang là một thách thức lớn. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm trên 60% tổng số hộ nghèo cả nước. Thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 0,3 lần mức bình quân chung cả nước. Chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư ngày càng lớn. Đối tượng nghèo của Việt Nam đang diễn biến theo hướng tập trung vào DTTS. Một số nhóm DTTS có tỷ lệ hộ nghèo rất cao như: Ơ Đu, Co, Khơ Mú, Xinh Mun, La Ha, Kháng, Mông, Xơ Đăng... Vùng DTTS và miền núi đang ngày càng bị tụt hậu so với sự phát triển chung của cả nước. Hộ nghèo dần dần chỉ còn là hộ người DTTS và có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.

Hành trình thay đổi cuộc sống cho người nghèo

Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước. Việt Nam tiếp tục cam kết với cộng đồng quốc tế về thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó có mục tiêu “Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người”.

Từ năm 2022, Việt Nam áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới được thiết kế cho giai đoạn 2021-2025. Theo đó, chuẩn nghèo đã được tính sát với mức sống tối thiểu, điều mà trước đây chưa làm được do hạn chế về nguồn lực. Cụ thể, tiêu chí về thu nhập sẽ tương ứng với chuẩn mức sống tối thiểu là 1,5 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn (mức cũ là 700.000 đồng/người/tháng) và 2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị (mức cũ là 900.000 đồng/người/tháng). Do chuẩn nghèo được nâng lên nên số hộ và số người thuộc diện nghèo và cận nghèo theo các tiêu chí mới cũng tăng lên đáng kể, vào khoảng gần 10%, tương đương 2,4 triệu hộ. Vì vậy, giảm nghèo vẫn là một yêu cầu cấp bách, một nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chi đoàn Đồn Biên phòng Hạnh Dịch, BĐBP Nghệ An phối hợp với đoàn viên, thanh niên tại địa phương giúp bà con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thu hoạch lúa. Ảnh: Lê Thạch

Chi đoàn Đồn Biên phòng Hạnh Dịch, BĐBP Nghệ An phối hợp với đoàn viên, thanh niên tại địa phương giúp bà con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thu hoạch lúa. Ảnh: Lê Thạch

Với quyết tâm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Cả 3 Chương trình MTQG đều có các hợp phần, mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Cần nhấn mạnh là nguồn lực từ ngân sách Trung ương chi cho công tác giảm nghèo trong 3 Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 rất lớn, lên tới trên 408.000 tỷ đồng. Trong đó, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tối thiểu là 137.664,959 tỷ đồng, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tối thiểu là 196.332 tỷ đồng.

Có thể nói, chưa bao giờ đất nước có điều kiện tập trung nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi lớn như thế. Nguồn lực đó thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện các mục tiêu: “Giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn” và “phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn”...

Mới đây, trong bài viết “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ: “Lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân là mục tiêu phấn đấu, Việt Nam được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế xem như một câu chuyện thành công, một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân”. Trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm, thành tựu trong công tác giảm nghèo đã đạt được thời gian qua, việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trong những tháng cuối năm 2024 và cả năm 2025 là rất cần thiết, phù hợp với lòng dân, mang ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc vì năm 2025, đất nước và dân tộc ta sẽ kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng, 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm Ngày Quốc khánh và tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Phương Liên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quotkhong-de-ai-bi-bo-lai-phia-sauquot-trong-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-post482234.html