Không để biển số xe trở thành hàng hóa để mua bán, trao đổi kiếm lời

Việc đấu giá biển số xe đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của dư luận bởi những lợi ích lớn cho cả cơ quan quản lý và người dân. Tuy nhiên vẫn cần có chế tài để ngăn chặn nguy cơ 'bỏ cọc' khi trúng đấu giá, coi biển số xe là hàng hóa để mua bán, trao đổi kiếm lời.

Tạo minh bạch, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách

Số liệu thống kê của Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cho thấy, Phiên đấu giá thứ nhất với 11 biển số xe ô tô của 10 tỉnh, thành phố đã thu về số tiền 82,325 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Giá trúng cao nhất là 32,34 tỷ đồng với biển số 51K-888.88 của TP. Hồ Chí Minh.

Những lợi ích khi thực hiện đấu giá biển số xe là điều không phải bàn cãi. Về phía người dân, những người có nhu cầu tìm kiếm biển số xe theo sở thích cá nhân hay còn gọi là “biển số đẹp” sẽ có một kênh lựa chọn đảm bảo về mặt pháp lý, công khai, minh bạch.

Về mặt cơ quan quản lý, cái được lớn nhất chính là có thêm nguồn thu cho ngân sách. Với nhu cầu về biển số đẹp như hiện nay, dự kiến nguồn thu từ đấu giá biển số là không hề nhỏ. Số tiền này nếu được sử dụng hợp lý, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông thì sẽ rất ý nghĩa và hiệu quả.

 Đấu giá biển số xe đem lại nhiều lợi ích cho cả người dân và cơ quan quản lý, tạo sự công khai minh bạch. Ảnh: TL

Đấu giá biển số xe đem lại nhiều lợi ích cho cả người dân và cơ quan quản lý, tạo sự công khai minh bạch. Ảnh: TL

Bác Nhâm (trú tại quận Ba Đình, TP.Hà Nội) cho biết, tôi còn nhớ chủ trương đấu giá biển số xe chúng ta từng cho thí điểm từ năm 1993. Tuy nhiên sau đó đã dừng triển khai thực hiện. Từ những kết quả khả quan trong đợt đấu giá biển số đẹp vừa qua, tôi thấy đây là chủ trương có tính thực tiễn cao.

Việc mỗi cá nhân, tổ chức sở hữu “biển số đẹp” đều rất minh bạch, rõ ràng; người dân thì vui khi có biển số xe như ý, Nhà nước thì thu về được số tiền lớn xung vào công quỹ nên thực sự đây là việc làm “lợi cả đôi đường”.

Chia sẻ với PV, chủ một đại lý kinh doanh ô tô tại địa bàn quận Nam Từ Liêm (TP. Hà Nội) cho rằng, thực tế xã hội hiện nay không ít người có nhu cầu sở hữu những biển số theo sở thích, thường gọi là “biển số đẹp” và họ sẵn sàng trả giá cao để sở hữu các biển số đó.

Do vậy, việc cấp quyền lựa chọn sử dụng “biển số đẹp” bằng hình thức đấu giá không chỉ đáp ứng được nhu cầu của cá nhân, tổ chức, mà còn tạo ra sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu và làm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Nhiều ý kiến khẳng định, cái được lớn nhất của việc thực hiện đấu giá biển số xe đó là triệt tiêu những tiêu cực (nếu có) trong công tác đăng ký, cấp biển số xe. Việc cấp biển số xe thực hiện bằng hình thức ngẫu nhiên nhưng nếu vì động cơ vụ lợi, cán bộ có thẩm quyền vẫn có thể can thiệp.

Điển hình là vụ việc 3 cựu cán bộ Cảnh sát giao thông ở tỉnh An Giang bị bắt vì can thiệp vào phần mềm để cấp biển số xe đẹp hay như lùm xùm về việc 4 biển số xe đẹp được cấp cùng ngày tại Đồng Tháp đã bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ...

Thực tế trên cho thấy, để được cấp biển số đẹp, ngoại trừ một số trường hợp do bốc ngẫu nhiên, chủ phương tiện rất có thể phải bỏ ra một khoản chi phí, và chi phí này sẽ rơi vào túi của một vài cá nhân chứ không phải ngân sách.

Còn với đấu giá, người có nhu cầu về biển số đẹp sẽ phải tham gia đấu giá, cạnh tranh công khai với những người khác, tiền thu được sẽ trực tiếp chuyển vào ngân sách. Sẽ không còn đất sống cho tiêu cực trong lĩnh vực đăng ký, cấp biển số xe.

Ngăn chặn tình trạng “bỏ cọc”, trục lợi thế nào?

Bên cạnh những lợi ích lớn từ việc đấu giá biển số xe ô tô thì cũng có không ít người dân lo lắng trước tình trạng “biển số đẹp” vẫn bị lợi dụng để mua bán hay có thể xảy ra tình trạng “thắng thầu, bỏ cọc” đã xảy ra ở nhiều nơi trong lĩnh vực đấu giá đất.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Luật sư Lê Hồng Hiển (Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự) cho biết, việc xử lý tiền đặt trước trong các trường hợp cụ thể được thực hiện theo quy định tại điều 39 Luật Đấu giá tài sản 2016. Người tham gia đấu giá sẽ không được nhận lại tiền đặt cọc nếu từ chối kết quả trúng đấu giá.

Theo điều 16 Nghị định 39 thì trong vòng 15 ngày kể từ ngày thông báo kết quả trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp đầy đủ số tiền nộp trúng đấu giá sau khi đã trừ đi số tiền đã đặt trước.

 Ngăn chặn nguy cơ “bỏ cọc” khi trúng đấu giá, coi biển số xe là hàng hóa để mua bán, trao đổi kiếm lời. Ảnh minh họa.

Ngăn chặn nguy cơ “bỏ cọc” khi trúng đấu giá, coi biển số xe là hàng hóa để mua bán, trao đổi kiếm lời. Ảnh minh họa.

Trường hợp người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì kết quả trúng đấu giá bị hủy theo quy định tại điểm a, khoản 3, điều 19 Nghị định 39 do “người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trúng đấu giá trong thời hạn quy định tại điều 16 nghị định này”.

Đây cũng có thể được xem là trường hợp từ chối kết quả đấu giá theo quy định điểm đ, khoản 6 điều 39 Luật Đấu giá năm 2016, khi đó người trúng đấu giá sẽ không được nhận lại số tiền đặt cọc trước đó đã nộp.

Số tiền đặt cọc sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định tại khoản 4 điều 19 Nghị định 39, biển số xe ô tô trúng đấu giá được đưa ra đấu giá lại; số tiền đặt trước, số tiền trúng đấu giá mà người trúng đấu giá đã nộp không được hoàn trả lại và được nộp vào ngân sách nhà nước trong các trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3 điều này.

Trao đổi với PV, một chuyên gia giao thông khẳng định, hiện tại không có chế tài xử lý đối với những trường hợp bỏ cọc đấu giá biển số xe. Việc đẩy giá trúng đấu giá biển số lên cao rồi bỏ cọc sẽ gây thiệt hại về thời gian, tiền bạc cho nhiều người có nhu cầu thực và cơ quan chức năng.

Vì vậy, không nên coi biển số xe là tài sản để mua đi bán lại, điều này sẽ có thể tạo ra bất cập chẳng hạn như phát triển thị trường mua bán trao đổi biển số. Để có thể mang lại nguồn thu ngân sách cho nhà nước thì chúng ta có thể nghiên cứu đến việc cùng một biển số xe có thể có các đầu chữ cái khác nhau.

Chẳng hạn biển xe tứ quý 8888 thì có thể có 26 biển số ứng với A,B,C,D,E,F... Mục đích của việc cấp biển số xe là để cơ quan chức năng quản lý xe chứ không phải để mua bán trao đổi.

Về khả năng bỏ cọc, thực tế đã xảy ra trong không ít cuộc đấu giá điển hình là đấu giá đất ở Thủ Thiêm; do đó cần có chế tài mạnh xử lý. Chẳng hạn ngoài việc phạt tiền cọc, có thể thêm cơ chế xử phạt số tiền 3 - 5% của tổng số tiền trúng đấu giá, cấm tham gia các cuộc đấu giá khác,...

Riêng về việc quy định cá nhân hay doanh nghiệp cần chứng minh tài chính để tham gia đấu giá chỉ phù hợp với đấu giá đất đai. Còn với biển số xe là không phù hợp, bởi sẽ không thể biết được cụ thể giá của biển số đó bao nhiêu để có yêu cầu.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khong-de-bien-so-xe-tro-thanh-hang-hoa-de-mua-ban-trao-doi-kiem-loi-post266454.html