Không để cuộc đấu giá thành trò đùa
Tại những phiên đấu giá biển số xe đầu tiên, biển số ô tô 51K - 888.88 được đấu trúng với giá hơn 32 tỷ đồng. Lúc đầu ai cũng xuýt xoa, không hiểu người trúng đấu giá giàu có tới mức nào mà dám bỏ ra số tiền lớn như vậy chỉ để sở hữu một biển số xe.
Nhưng chỉ thời gian ngắn sau, người này hủy kèo. Thực sự nhiều người không bất ngờ, bởi họ cũng đã phần nào dự đoán được.
Mới đây, Cục CSGT đã hủy kết quả đấu giá đối với 6 biển số đẹp với số tiền trúng đấu giá hơn 71 tỷ đồng, đưa ra đấu giá lại vì các cá nhân trúng đấu giá đã bỏ cọc.
Rõ ràng, hành vi bỏ cọc trong đấu giá biển số không chỉ gây tốn kém cả về thời gian và tiền bạc mà còn lấy mất cơ hội của người thực sự có nhu cầu. Chẳng hạn, một người muốn đấu giá một biển số, song chỉ có 2 tỷ đồng, người khác mạnh tay chốt giá 2,5 tỷ đồng và trúng, nhưng sau đó bỏ cọc. Như vậy, người có 2 tỷ đồng kia đã mất cơ hội, mất thời gian cho phiên đấu giá đó.
Phiên đấu giá các biển số xe đó vô tình bị biến thành cuộc chơi, đánh bóng tên tuổi cho một số cá nhân.
Sau khi hủy kết quả bán đấu giá, các đơn vị liên quan lại phải xây dựng lại kế hoạch đấu giá mới, dẫn đến tốn kém về tiền bạc, thời gian. Không những vậy, sau vài phiên đầu tiên, giá trúng các biển số xe đẹp chỉ nhỉnh đôi chút so với giá khởi điểm, thậm chí bằng giá khởi điểm, có biển số không có khách.
Không riêng gì sự việc đấu giá biển số xe mà thời gian qua trên cả nước có rất nhiều phiên đấu giá đã bị "bể" bởi vì người trúng "cao chạy xa bay".
Tại Quảng Ngãi, chuyện "hô cho sướng miệng" trong các phiên bán đấu giá không phải dạng hiếm. Trong đó, nổi lên gần đây là những cá nhân tham gia đấu giá mỏ cát trong thời điểm nguồn cung cát khan hiếm, giá cát có lúc đội lên hơn 700.000 đồng/m3. Họ đấu bất chấp với giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, kể cả khi biết trữ lượng khai thác sẽ không đủ số tiền bỏ ra.
Số tiền cọc được quy định từ vài phần trăm đến khoảng 20% tùy vào giá trị tài sản được đưa ra bán đấu giá có thể với nhiều người là cao, nhưng với những người có chủ đích riêng thì đó là khoảng "kinh phí marketing" quá hời.
Để ngăn chặn những trường hợp lợi dụng các phiên đấu giá để "đánh bóng tên tuổi", trục lợi, cần phải bịt các kẽ hở. Chẳng hạn cần quy định nếu bỏ cọc thì sẽ bị cấm đấu giá trong 3 - 5 năm. Ai tham gia đều phải chứng minh năng lực tài chính.
Thêm nữa, cần nghiên cứu áp dụng chế tài bằng việc xử phạt hành vi bỏ cọc theo phần trăm số tiền trúng đấu giá. Chẳng hạn, biển số 51K - 888.88 trúng đấu giá hơn 32 tỷ đồng, nếu bỏ cọc sẽ bị phạt 30%, tương ứng hơn 9 tỷ đồng. Nếu làm được vậy, chắc chắn sẽ ngăn chặn triệt để việc bỏ giá vô tội vạ.