Không để sản xuất kinh doanh đứt gãy

Những bài học, kinh nghiệm từ đợt phòng chống dịch bệnh Covid-19 lần thứ nhất đang được Tuyên Quang áp dụng triệt để, mục tiêu là không bị động trước dịch, không để nền kinh tế bị 'đứt gãy' do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Công nhân Công ty CP Tổng Công ty May Tuyên Quang LGG tập trung sản xuất sản phẩm may mặcvà thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch Covid-19. Ảnh: Quốc Việt

Ngay sau khi UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai theo hình thức hợp đồng BOT, những phần việc như họp dân, thống nhất phương án thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng đã được triển khai ngay. Từ trước đó, vừa sẵn sàng chiến đấu với dịch bệnh vừa đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh đã thực hiện làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải và các sở, ngành của tỉnh Phú Thọ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi… Trên tinh thần thực hiện nghiêm, chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ thủ tục để khi dự án được phê duyệt, xây dựng kế hoạch chi tiết phần việc nào làm trước, phần việc nào làm sau để sẵn sàng triển khai ngay khi được phê duyệt. Ngay những ngày đầu tháng 8, những xã, phường có liên quan của Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang đã “ra quân” đẩy nhanh tiến độ họp thông báo với người dân những chế độ chính sách liên quan, phấn đấu cuối năm 2020, đầu năm 2021 khởi công.

Thời điểm dịch bệnh Covid-19 mới xuất hiện, số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng tương đối nặng nề, thì ở lần “đối mặt” này, họ chủ động hơn, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh, vừa ổn định đời sống cho người lao động.

Những ngày thời tiết thuận lợi, liên danh Công ty Hiệp Phú - Công ty 68 tập trung toàn bộ nhân lực, làm việc 3 ca liên tục thi công cầu Bến Nước và cầu Suối Cóc, thuộc xã Hùng Lợi (Yên Sơn) nằm trong dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Mới - ngã ba Trung Sơn. Bắt đầu thi công từ đầu tháng 4 và dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình trong năm 2020. Ông Phạm Quang Hiệp, Giám đốc Công ty Hiệp Phú cho biết, bắt đầu thi công trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 lần thứ nhất cơ bản được kiểm soát, đơn vị thi công huy động công nhân làm việc hết công suất, đảm bảo đúng yêu cầu của chủ đầu tư là xây dựng kế hoạch giải ngân theo tháng. Trong vòng 4 tháng làm việc liên tục, đến hết tháng 7, liên danh Công ty Hiệp Phú - Công ty 68 đã thi công đạt 52% giá trị hợp đồng. Trong thời điểm làn sóng dịch bệnh lần thứ 2 diễn biến phức tạp tại một số địa phương, tại công trường thi công, không khí lao động sôi động theo cách riêng: Toàn bộ công nhân đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn với nhau, ngay cả việc trang bị nước rửa tay cũng được đơn vị thi công chuẩn bị đầy đủ, hướng dẫn công nhân làm việc theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế.

Công nhân vận hành dây chuyền chế biến gỗ thuộc Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: Thành Công

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh hiện là đơn vị chủ đầu tư và tư vấn quản lý nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm của tỉnh. Ông Hà Văn Sáng, Phó Giám đốc Ban Quản lý cho biết, quan điểm của đơn vị là không để bị động trước dịch, không lấy lý do dịch bệnh để giải thích cho việc chậm tiến độ, không đủ máy móc, thiết bị để thi công. Ông Sáng minh chứng, như dự án thi công cầu Tình Húc do đơn vị làm chủ đầu tư, việc giám sát tiến độ, chất lượng, khối lượng công việc được đơn vị sát sao theo từng tuần. Hầu hết vật tư vật liệu nhập ngoại đã được chủ động nhập về từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý, nên mặc dù thời điểm nhiều nước áp dụng giãn cách xã hội, hạn chế xuất nhập khẩu thì tại công trường thi công, việc xây dựng vẫn đảm bảo tiến độ.

Cách làm của Ban Quản lý là chủ động xây dựng kế hoạch hoàn thành từng phần việc, cho từng tổ, đội, bố trí cán bộ bám sát công trường để ấn định thời gian hoàn thành, đảm bảo kế hoạch đề ra. Hay như dự án xây dựng đường ĐT 186 từ Sơn Nam đi Thượng Ấm (Sơn Dương), thời gian thi công 2 năm khiến đơn vị thi công có tâm lý trông chờ, kéo dài thời gian. Tuy nhiên, theo ông Sáng, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời tiết bất thường, Ban Quản lý đã đôn đốc đơn vị thi công tập trung máy móc, nhân lực để hoàn thành nhanh nhất theo hình thức cuốn chiếu, đến thời điểm này những hạng mục như thi công nền, mặt đường… đã cơ bản hoàn thành.

Các doanh nghiệp sản xuất sau một thời gian lúng túng với câu chuyện đầu ra do thị trường bị gián đoạn, thì giờ cũng đã sẵn sàng thích ứng với tình hình mới. Như tại Công ty cổ phần Chè Sông Lô, hết tháng 7, giá trị xuất khẩu mặt hàng chè của doanh nghiệp tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường xuất khẩu chính của công ty vẫn tập trung tại các nước Indonesia, Afganistan, Nga và một số nước Đông Âu. Ngoài các đơn hàng mới, công ty đang tập trung sản xuất trả nợ các đơn hàng cũ để hoàn thành các hợp đồng. Ngay khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 2 xuất hiện tại nhiều địa phương trong nước, đơn vị đã tham mưu với UBND tỉnh triển khai các phương án sản xuất công nghiệp bảo đảm hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 18 nghìn tỷ đồng trong năm nay. Trong đó, trọng tâm là khuyến khích các doanh nghiệp, người tiêu dùng ưu tiên sử dụng các sản phẩm được sản xuất trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng, khai thác thị trường nội địa, bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Ngành cũng đã tiến hành đánh giá tình hình sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là ở một số doanh nghiệp lớn đều hoạt động tốt. Qua nắm tình hình, các doanh nghiệp xác định rõ mục tiêu sản xuất kinh doanh trong thời kỳ dịch bệnh nên không bị lúng túng hay mất phương hướng trong quá trình triển khai thực hiện mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp như các dự án thủy điện, da giày, may mặc; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp, hình thành một số cụm công nghiệp mới...

Công nhân môi trường của Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị cắt tỉa cây xanh,tạo cảnh quan sáng đẹp trên các trục đường chính. Ảnh: Quốc Việt

Thời điểm đầu năm 2020, có đến gần 90% số lượng các cơ sở sản xuất, hợp tác xã nông lâm nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, thì trong tháng 6, tháng 7, ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Từ việc đưa sản phẩm tham gia các hội nghị kết nối giao thương tại Phú Thọ, tham gia hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại Quảng Bình, tham gia quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc tại Hà Nội, đến việc kết nối các doanh nghiệp bao tiêu nông sản, thủy sản cho người nông dân. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thay vì bị động, chờ đợi sự hỗ trợ từ Nhà nước, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã cũng đã chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ việc cải tiến mẫu mã sản phẩm đến việc đầu tư dây chuyền, công nghệ, hình thành sản phẩm mới… Những chuỗi liên kết mới được hình thành, tiêu thụ rau, hoa quả, cá lồng kết nối từ Lâm Bình đến nhiều tỉnh thành đã góp phần “bình ổn” tâm lý cho người nông dân.

Tận dụng sức mạnh công nghệ, việc xử lý, giải quyết công việc qua dịch vụ công trực tuyến, hạn chế tối đa tụ tập đông người nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, thông suốt công việc cũng được các sở, ngành tập trung thực hiện. Từ việc giải quyết thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, giải quyết các thủ tục liên quan đến thuế, đất đai, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải… đến các dịch vụ tài chính, ngân hàng được khuyến khích thực hiện trên mạng Internet. Kho bạc Nhà nước cũng cam kết làm việc cả thứ 7, chủ nhật hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục liên quan đến giải ngân vốn đầu tư.

Không chủ quan với dịch bệnh, nhưng không để kinh tế bị “đứt gãy” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang thực hiện đồng bộ các giải pháp vừa ứng phó với dịch bệnh, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh.

Trần Liên

Bà Mai Thị Hoàn
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Để ổn định sản xuất đáp ứng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến thời kỳ Covid-19, theo tôi, các huyện, thành phố, doanh nghiệp, HTX cần tổ chức sản xuất theo đúng kế hoạch được giao, trong đó đặc biệt quan tâm đến nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp, HTX với các hộ dân. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân tổ chức sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời đáp ứng yêu cầu của thị trường, của người tiêu dùng. Chính quyền các địa phương cần quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước, ngoài nước.

Ông Hoàng Đức Tiến Phó Giám đốc Sở Công thương

Sở Công thương đã kiểm tra, đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Ngành Công thương phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm và kịp thời Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 84/NQ-CP, ngày 29-5-2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Sở đồng hành cùng các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, khai thác thị trường nội địa, ưu tiên sử dụng các sản phẩm của nhau, bảo đảm hoàn thành mục tiêu sản xuất công nghiệp đã đề ra.

Ông Nguyễn Vũ LinhGiám đốc Công ty TNHH Chính Hòa (TP Tuyên Quang)

Công ty kinh doanh trong lĩnh vực sắt thép, tôn xây dựng, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động. Công ty xác định rõ những khó khăn gặp phải khi dịch Covid-19 tái phát. Đó là thị trường tiêu thụ bị thu hẹp lại, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động. Để không bị động trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh và biến động của thị trường, công ty đã chủ động làm việc với các chủ dự án, công trình, liên kết với các doanh nghiệp xây dựng tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, thực hiện giảm giá, khuyến mại, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng, do đó hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường, việc làm và thu nhập và các chế độ khác của người lao động được đảm bảo.

Anh Nông Văn Thưởng
thôn Nà Khà, xã Lăng Can (Lâm Bình)

Gia đình tôi bán hàng tạp hóa cung cấp các nhu yếu phẩm phục vụ người dân. Từ khi nghe đài, báo thông tin về những ca bệnh Covid-19 đang lây lan trong cộng đồng ở một số tỉnh, thành phố, gia đình cũng ý thức được phải chủ động các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngoài ra, gia đình cũng chủ động nhập thêm các hàng hóa thiết yếu trong sinh hoạt, bảo đảm có đủ hàng cung ứng cho người dân.

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/xuc-tien-dau-tu/khong-de-san-xuat-kinh-doanh-dut-gay-135404.html