Không gì quan trọng hơn mạng người!
Hình ảnh hai chiến sỹ Cảnh sát cơ động tại sân Thiên Trường cấp cứu một CĐV nhí bất tỉnh trong trận đấu giữa Nam Định và Hoàng Anh Gia Lai đã được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Hầu hết các ý kiến đều ủng hộ khả năng ứng biến của Đại úy Trần Đức Giảng và đồng đội, song cũng nhiều người cho rằng việc cấp cứu sai phương pháp có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Phản ứng trong chảo lửa
Sự việc xảy ra khi CĐV nhí tầm 4-5 tuổi có dấu hiệu mất ý thức và lên cơn co giật trên khán đài sân Thiên Trường. Các chiến sỹ Cảnh sát cơ động đã có mặt kịp thời để đưa nạn nhân đến xe cứu thương trong sân, Đại úy Trần Đức Giảng lấy tay cho vào miệng cháu bé đề phòng chứng nuốt lưỡi ở những người bất tỉnh đột ngột.
Về mặt phương pháp y tế khi đối mặt với những tình trạng tương tự, hành động của Đại úy Giảng không chuẩn xác. Các nạn nhân bất tỉnh đột ngột lên cơn co giật cần được đặt nằm nghiêng để khai thông đường thở, đồng thời tư thế này cũng tránh được khả năng nạn nhân có phản ứng “tự nuốt lưỡi”. Khi bị va chạm mạnh dẫn đến mất ý thức, hệ thống cơ lưỡi không hoạt động theo cơ chế bình thường. Lưỡi sẽ bị tụt vào chặn đường thở hay nghiêm trọng hơn khiến tràn dịch dạ dày vào phổi làm tắc nghẽn hô hấp. Nạn nhân rơi vào tình trạng thiếu oxy, dẫn đến đột quỵ và không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Bên cạnh đó, để giữ miệng nạn nhân mở (tăng khả năng hô hấp) phải sử dụng những vật liệu mềm như bông, vải gạc do lực cắn của nạn nhân trong lúc vô thức và đang co giật rất mạnh. Nếu chèn một vật cứng vào có thể làm tổn thương cơ hàm và răng. Trong trường hợp người cứu chữa đưa tay vào miệng nạn nhân như Đại úy Giảng, lực cắn có thể khiến tay người cứu chữa đứt gân hoặc thậm chí đứt lìa ngón tay, gây nguy hiểm cho cả hai.
Nếu chúng ta ngồi thảnh thơi trước màn hình máy tính trong một căn phòng điều hòa mát lạnh và đọc về những kiến thức y khoa này, ai cũng dễ dàng buông lời chỉ trích các chiến sĩ cảnh sát cơ động trong sự việc trên sân Thiên Trường.
Nhưng nên nhớ rằng trong bối cảnh mọi việc diễn ra quá nhanh dưới sự ồn ào, náo nhiệt của 30.000 CĐV tại sân Thiên Trường, nguyên việc giữ được bình tĩnh xử lý tình huống đã là một điều không hề dễ dàng. Các chiến sĩ Cảnh sát cơ động đã chọn cách ứng phó bất đắc dĩ trong tình cảnh ngặt nghèo với mục đích cao nhất là giữ lại tính mạng cho CĐV nhí.
Dù phương pháp sai nhưng trong giây phút đó, các chiến sĩ giữ được sự bình tĩnh và góp phần cứu sống nạn nhân là một việc đáng để tuyên dương không cần tranh cãi.
Chuyện không hiếm trong làng thể thao
Những sự việc tương tự như tình huống xảy ra ở Thiên Trường không hiếm trong bóng đá. Hồi đầu tháng 5 năm nay, tại vòng 8 V-League trong trận đấu giữa Bình Dương và CLB Hà Nội, hậu vệ Thiện Đức của Bình Dương đã bất tỉnh nhân sự sau khi va chạm với tiền đạo Pape Omar của CLB Hà Nội. Trọng tài điều khiển trận đấu Ngô Duy Lân đã thực hiện sơ cứu khẩn cấp, tránh cho cầu thủ sinh năm 1999 tự nuốt lưỡi trong vô thức.
Hơn 1 tháng sau đó, CLB TP Hồ Chí Minh I tiếp Phong Phú Hà Nam tại vòng 5 giải VĐQG nữ 2019, cầu thủ Kim Loan của đội chủ nhà trong một pha tấn công đã va chạm mạnh với thủ môn Lại Thị Tuyết của đội khách và bất tỉnh. Trọng tài Nguyễn Kim Việt Bảo đã sơ cứu kịp thời để ngăn Kim Loan tự cắn vào lưỡi mình trước khi đội ngũ y tế can thiệp.
Năm 2017, trong trận đấu giữa Atletico và Deportivo, tiền đạo ngôi sao Fernando Torres cũng mất ý thức sau khi tiếp đất với tư thế cắm mặt xuống sân cỏ. Ngay lập tức hai đồng đội của El Nino là Gabi và Sime Vrsaljko chạy đến để sơ cứu. Thủ quân Gabi thậm chí chấp nhận bị Torres cắn để giữ lưỡi trung phong này không tụt vào và chặn đường thở. Bác sĩ của Atletico sau đó ca ngợi Gabi và Vrsaljko đã có “những động tác sơ cứu hoàn hảo”.
Hầu như tất cả các cầu thủ chuyên nghiệp và cả các trọng tài đều có kiến thức đủ để hiểu rõ mình cần làm gì khi trong tình huống có người bất tỉnh trên sân. Họ luôn phản ứng rất nhanh vì trong tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc đó, một giây cũng là quý giá để giữ lại mạng sống cho một con người.
Năm 2007, khán giả bóng đá trên khắp hành tinh từng rơi nước mắt khi Andres Palop và Ivica Dragutinovic lao đến đồng đội Antonio Puerta khi cầu thủ này bất tỉnh đột ngột trên sân trong trận đấu giữa Sevilla và Getafe. Nhờ hai đồng đội phản ứng nhanh, Puerta hồi tỉnh lại và được thay ra trước khi đột quỵ lần thứ 2 khi ở một mình trong phòng thay đồ. Puerta qua đời sau đó vì suy đa tạng và tổn thương não không thể phục hồi do thời gian tim ngừng đập quá lâu.
Trở lại với trường hợp ở sân Thiên Trường, mọi thứ có thể đã không gây ra tranh cãi nhiều như vậy nếu các chiến sĩ Cảnh sát cơ động trên sân được tập luyện kỹ càng và có đủ kinh nghiệm để đối phó với các tình huống tương tự. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần hiểu rõ nguy cơ khi đưa các cháu bé nhỏ tuổi đến cổ vũ bóng đá. Với một số lượng người khổng lồ cùng không khí rực lửa trong sân vận động, mọi vấn đề đều có thể trở nên nghiêm trọng.
Hiện tại, chỉ một số ít sân bóng tại Việt Nam có xe cấp cứu trang bị máy sốc tim. Tuy nhiên hầu hết các sân vẫn thiếu đội ngũ bác sỹ cấp cứu được đào tạo chuyên sâu và trang thiết bị y tế hiện đại. Cả Việt Nam mới chỉ có 2 bộ trang thiết bị y tế do Liên đoàn Bóng đá châu Á cấp, nhằm cấp cứu các tình huống nguy hiểm.
Trong trường hợp trọng tài Ngô Duy Lân sơ cứu kịp thời hậu vệ Thiện Đức của Bình Dương, Đội trưởng Thành Lương của CLB Hà Nội đã phải sử dụng cả tấm băng thủ quân của mình để nhét vào miệng nạn nhân. Trọng tài Ngô Duy Lân cho biết ông đã học được kiến thức sơ cứu do trọng tài người Nhật hướng dẫn trong những buổi giảng dạy dành cho các trọng tài FIFA cách đây 5 năm tại Việt Nam.
Từ sự việc ở Thiên Trường, việc tổ chức những lớp học sơ cấp cứu cơ bản cho các đội bóng, trọng tài hay đội ngũ an ninh trên sân là một điều thiết thực và cũng không quá khó để triển khai.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/so-tay-the-thao/khong-gi-quan-trong-hon-mang-nguoi-556356/