Không khí đón Xuân ở ngôi trường đặc biệt

Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán. Tạm gác những buổi học văn hóa, các học sinh của Trường Giáo dưỡng số 2 háo hức cùng với cán bộ, giáo viên chỉnh trang lại khuôn viên, cắt tỉa cây cảnh, trồng thêm những khóm hoa rực rỡ…tạo nên bầu không khí nhộn nhịp, vui tươi đón xuân mới.

Các học viên trồng hoa chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2022.

Các học viên trồng hoa chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2022.

T. là người dân tộc Thái. T vừa bước sang tuổi 16 vào tháng trước, nhưng đã có 2 năm đón Tết trong Trường Giáo dưỡng số 2. Tỉ mẩn quét sơn lên những gốc cây già để chuẩn bị đón một mùa xuân mới, T. bảo năm nay là lần thứ 3 em đón xuân ở trường. Không còn những lạ lẫm như lần đầu, giờ đây với T. đó là không khí của một gia đình. Một sự sum vầy, ấm cúng và đủ đầy mà trước đây, T. thường ao ước.

Ánh mắt T. thẳm buồn khi kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống của mình trước đây. T. kể, nhà T. nghèo lắm. Nhưng không như những đứa trẻ nhà nghèo khác, mặc dù còn nhỏ tuổi song T. đã sớm theo "bạn xấu" ăn chơi, đua đòi. Để có tiền ăn chơi, T. sẵn sàng đi ăn trộm. T. không nhớ nổi mình đã tham gia vào bao nhiêu vụ trộm cắp. Nhiều lần bị bắt, được địa phương giáo dục nhưng không thành. T được đưa vào Trường giáo dưỡng số 2.

"Những ngày đầu mới vào trường, cháu luôn nghĩ cách để có thể trốn ra ngoài. Nhưng dần dần, những nề nếp, kỷ luật, những bài học văn hóa, những giờ lao động, những lời tâm tình… của thầy, cô trong trường đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của cháu.

Từ một người chỉ biết giao tiếp bằng tiếng Thái, không thể viết nổi một chữ có nghĩa, giờ thì cháu nói thạo tiếng Kinh, cháu biết đọc, biết viết, biết phân biệt cái tốt, sự xấu để tự điều chỉnh hành vi của mình. Đây mới thực sự là ngôi nhà của cháu. Nhưng cháu sẽ phải rèn luyện nhiều hơn, học lấy một nghề để khi xa "mái nhà chung" này cháu có thể hòa nhập cộng đồng và sống thiện lương"- T. bày tỏ.

N. quê ở Nghệ An và là một trong 6 nữ học sinh đang được quản lý, giáo dục ở Trường Giáo dưỡng số 2. Sau gần 20 tháng học tập, rèn luyện, N. bảo đến cháu còn không thể nhận ra bàn thân mình bây giờ nữa, cháu đã khác xưa quá nhiều. "Ngày xưa" của N. là một cô gái ngỗ ngược, nổi loạn. N. được đưa vào trường với tội danh xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhiều người trong gia đình. Khi vào trường, bản tính chưa thay đổi, N. luôn gây gổ, thậm chí sẵn sàng xô xát với bạn bè nếu không vừa ý.

Trung tá Nguyễn Thị Thúy, giáo viên quản lý học sinh nữ của nhà trường cho biết: Bề ngoài gan góc đến lì lợm nhưng nội tâm của N. vẫn là một cô bé cô đơn. Có gần gũi trò chuyện mới khám phá hết được những góc khuất trong tâm hồn cô gái trẻ. Tuy ngỗ ngược, nhưng N. lại có nhiều tài lẻ và khá thông minh khi tiếp nhận kiến thức. Vì vậy, tôi luôn tìm cách khơi dậy sự sáng tạo, khuyến khích và động viên N. cố gắng. Dần dần, N. tiến bộ rất nhanh và được bầu làm đội trưởng. Nỗ lực rèn luyện, tu dưỡng của N. đã được nhà trường ghi nhận và giảm thời hạn chấp hành biện pháp đưa vào trường trước thời hạn 1 tháng 2 ngày. Sau khi đón tết Nguyên đán Nhâm Dần tại trường, N. sẽ được trở về với gia đình vào tháng 3/2022.

Hiện nay, Trường Giáo dưỡng số 2 đang quản lý, giáo dục 179 học sinh. Ở độ tuổi đẹp nhất, nhưng những học sinh này đã phạm nhiều sai lầm, thậm chí có nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Mỗi em một hoàn cảnh, một sự đưa đẩy để sai lầm, song điểm chung của các em, đó là đa số đều xuất thân trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi hoặc gia đình không hạnh phúc. Tỷ lệ học sinh có học vấn thấp, thậm chí nhiều em mù chữ, các em là người dân tộc thiểu số chiếm hơn 60% tổng số học sinh.

Để giúp các em nhận ra sai lầm để hướng thiện, những năm qua, bên cạnh việc chú trọng đầu tư, cải thiện các điều kiện ăn ở, học tập, sinh hoạt cho học sinh, nhà trường còn tích cực tổ chức nhiều hoạt động bổ trợ cho công tác giáo dục học sinh như văn nghệ, thể dục thể thao; tổ chức các buổi tư vấn, lắng nghe học sinh nói; tổ chức cho học sinh tham gia các chương trình "Hát cho nhau nghe", "đuổi hình bắt chữ", chiếc nón kỳ diệu, thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Những năm gần đây, nhà trường phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức nhiều chương trình hoạt động giáo dục cho các em như "Điều ước thứ 7", Đón Tết xum vầy cùng VTV3 và đặc biệt là thi "viết thư xin lỗi"... Từ đó, truyền cảm hứng, niềm tin cho học sinh trong quá trình học tập, rèn luyện.

Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã tiếp nhận quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng hàng chục nghìn học sinh, giúp các em làm lại cuộc đời trở về tái hòa nhập cộng đồng, sống có ích. Nhiều học sinh trở về sống lương thiện với những mảnh vườn thửa ruộng của gia đình hoặc công tác trong những cơ quan, xí nghiệp; nhiều em trở thành kỹ sư, bác sĩ, là đảng viên, doanh nhân giỏi…

"Đưa các em trở về con đường lương thiện là một hành trình nhiều gian nan. Những năm qua, nhà trường luôn chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, duy trì kỷ luật, kỷ cương, từng bước uốn nắn, điều chỉnh hành vi, giúp học sinh hình thành ý thức tự giác trong rèn luyện, tu dưỡng. Tăng cường giáo dục chung, giáo dục riêng, dạy nội quy, kỹ năng sống, tư vấn tập thể, tư vấn cá nhân, phát thanh tuyên truyền và các hoạt động ngoại khóa bổ trợ giáo dục… Nhờ đó mà chất lượng giáo dục được cải thiện theo thời gian.

Trong năm 2021, nhà trường đã bình xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành biện pháp đưa vào trường 03 đợt, cho 56 lượt học sinh"- Thượng tá Trần Hữu Trung cho biết.

Cùng với đó, nhà trường liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng dạy nghề theo định hướng chuẩn về kiến thức và sát với trình độ, sở trường, sở thích của học sinh trường giáo dưỡng. Trong năm 2021, nhà trường đã tổ chức mở 03 lớp nghề Cơ khí - hàn, thu hút 32 học sinh tham gia. Phối hợp tổ chức tập huấn về vệ sinh an toàn lao động và an toàn thực phẩm, tập huấn công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn cho cán bộ, chiến sỹ và học sinh.

Đặc biệt, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhà trường đã tiếp nhận sự quan tâm, động viên về vật chất, tinh thần của các địa phương, cơ quan, ban ngành; đảm bảo các điều kiện để cán bộ, chiến sỹ và các em học sinh vui Xuân, đón Tết an lành, phấn khởi, tuyệt đối an toàn trong tình hình dịch COVID-19.

Nhà trường cũng lãnh đạo, chỉ đạo các đội chuyên môn, các đoàn thể triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động vui chơi cho các em học sinh; đảm bảo tiêu chuẩn, định lượng bữa ăn của các em trong dịp Tết.

Thượng tá Trần Hữu Trung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: Do các em còn nhỏ, lại sống tách biệt với gia đình nên nhà trường luôn cố gắng chuẩn bị đón tết thật đầm ấm, đầy đủ, mang hương vị của nhiều vùng, miền và đậm tình thân gia đình. Vì chăm lo tết cho học sinh, mà nhiều cán bộ, thầy, cô giáo cũng đón tết tại trường.

Trong những ngày cuối cùng của năm cũ, thầy, cô tổ chức thi gói bánh chưng đẹp, bày mâm ngũ quả, trang trí phòng ở... để các em vơi nỗi nhớ nhà . Một mùa xuân mới lại sắp về mang theo nhiều ước vọng. Chúng tôi cũng có một ước vọng lớn lao, đó là đánh thức bản tính thiện lương của những thanh, thiếu niên một thời lầm lỡ.

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/khong-khi-don-xuan-o-ngoi-truong-dac-biet/d2022011810011103.htm