Không lập quỹ mới, kiên quyết loại bỏ quỹ không cần thiết

Chính phủ sẽ rà soát, đánh giá tác động và sắp xếp lại các quỹ; kiên quyết loại bỏ quỹ không quan trọng, hoạt động kém hiệu quả, không cần thiết và cương quyết không thành lập quỹ mới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh Như Ý

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh Như Ý

Chiều 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 – 2018.

Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, thống kê cho thấy hiện đang có tổng cộng 48 quỹ ở cả trung ương và địa phương, phần lớn được thành lập trước khi Luật Ngân sách Nhà nước 2015 có hiệu lực. Đối với Quỹ bảo trì đường bộ, đã hai lần Bộ Tài chính đề xuất bỏ và Thủ tướng cũng đồng tình. Do Quỹ này nằm trong luật chuyên ngành, nên phải áp dụng theo Luật Ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, với Quỹ bình ổn xăng dầu, ông Dũng cho rằng, phải nghiên cứu đánh giá tác động. Nếu giá xăng dầu được điều chỉnh từng ngày thì có thể không cần Quỹ, nhưng với thời hạn điều chỉnh giá 15 ngày hiện nay, phải hết sức cân nhắc. Đồng tình với nguyên tắc Đoàn giám sát đưa ra trong việc bỏ Quỹ này, Quỹ kia, nhưng để đảm bảo ổn định, có bước đi phù hợp, ông Dũng thống nhất có Nghị quyết chung để giao Chính phủ rà roát.

Đồng tình với đánh giá của đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, do không có văn bản nào hướng dẫn nên việc “đẻ” ra quỹ vẫn khó kiểm soát. Đáng chú ý, có những khoản thu từ quỹ giống như một khoản thuế, còn khi chi cũng có những khoản còn trùng lặp với các khoản chi từ ngân sách nhà nước. Đặc biệt, tham nhũng trong lĩnh vực này rất dễ xảy ra, nên cần phải có đánh giá về nguyên nhân, cũng như bài học rút ra và phải chỉ ra được trách nhiệm cụ thể.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nếu tính theo báo cáo giám sát thì có hơn 100 văn bản quy phạm pháp luật cho phép thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của các quỹ. Mô hình hoạt động, nguồn hình thành, cơ chế tài chính, hay chế độ kế toán của từng Quỹ cũng khác nhau. Việc sử dụng các quỹ phức tạp, chưa thống nhất, thiếu minh bạch. Có quá nhiều quỹ làm phân tán nguồn lực nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị không “bê nguyên” kiến nghị của Đoàn giám sát vào Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mà phải rà soát, đánh giá lại. Trên cơ sở đó xem quỹ nào hoạt động tốt, đúng tôn chỉ mục đích, mang lại hiệu quả, còn quỹ nào không cần thiết thì có thể dẹp bỏ.

“Quỹ phòng chống thiên tai, theo báo cáo chi rất ít, cứ thiên tai xảy ra, chúng ta lại đóng góp; cơ quan nào cũng đóng góp, rồi ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức mặt trận đoàn thể đều đóng góp. Đã thế còn tồn tại quỹ này thì phải xem lại”, bà Ngân nêu ví dụ.

Đồng tình với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết, song bà Ngân nhấn mạnh, nghị quyết này phải đánh giá thực trạng và hiệu quả mang lại của các quỹ. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ tiến hành rà soát, đánh giá và đưa ra lộ trình sắp xếp, sáp nhập, hay giải thể từng loại quỹ.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/khong-lap-quy-moi-kien-quyet-loai-bo-quy-khong-can-thiet-1452225.tpo