Không lơ là, chủ quan với dịch Covid-19

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới, đặc biệt các biến thể phụ BA.4, BA.5 có tốc độ lây lan nhanh, làn sóng dịch Covid-19 mới có nguy cơ bùng phát trở lại. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 mới, số ca nặng phải nhập viện cũng đã gia tăng. Điều này đã được cảnh báo trước, khi biến thể phụ BA.4, BA.5 xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người dân đang chủ quan, lơ là khiến tình hình dịch có nguy cơ phức tạp hơn.

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi

Những thành quả trong công tác phòng, chống dịch vừa qua đang làm cho cuộc sống của người dân dần trở lại bình thường. Thêm vào đó, những yếu tố khiến một bộ phận người dân có tâm lý coi thường dịch, như: Đã mắc bệnh rồi, triệu chứng nhẹ, nhanh khỏi, đã tiêm các mũi vắc xin cơ bản hoặc tiêm rồi nhưng vẫn mắc… Chị Nguyễn Thị U. (Tiên Lữ) cho biết: Tôi đã từng mắc Covid-19 từ tháng 3 nhưng triệu chứng nhẹ. Tôi đã tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19, nên bản thân nghĩ không cần thiết phải tiêm các mũi nhắc lại, cũng không nhất thiết phải đeo khẩu trang. Đây là tâm lý của nhiều người dân khi được hỏi về việc thực hiện các biện pháp phòng dịch, trong đó có tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, một ngày trên địa bàn tỉnh trung bình có từ 14 đến 15 ca mắc Covid-19 mới, ngày nhiều lên tới 20 ca. Tuy nhiên, thực tế số ca mắc có thể nhiều hơn do có người mắc không khai báo, tự mua thuốc điều trị tại nhà, vẫn đi làm việc và tiếp xúc với cộng đồng hoặc có người có triệu chứng nhưng không xét nghiệm. Điều này dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cho nhiều người do chủ quan không thực hiện các biện pháp phòng dịch cần thiết.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch và phục hồi sản xuất, kinh tế, ổn định đời sống của người dân. Sau khi tiêm mũi 1, mũi 2 đạt tỷ lệ cao, tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại, tỷ lệ tiêm cho trẻ em trên địa bàn tỉnh đang ở mức thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có thông tin thất thiệt vắc xin phòng Covid-19 được gia hạn khiến nhiều người dân lo lắng, không đi tiêm. Anh Trần Đức T. (thành phố Hưng Yên) cho biết: Tôi có nghe thông tin vắc xin phòng Covid-19 đã hết hạn nhưng được gia hạn, vì vậy bản thân không dám tiêm và không cho con đi tiêm.

Bác sĩ Nguyễn Anh Đức, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Nguy cơ một đợt dịch mới bùng phát hoàn toàn có thể xảy ra nếu tâm lý người dân còn chủ quan, lơ là trong phòng dịch. Số ca mắc Covid-19 mới trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng nhẹ, nhiều ca tái mắc. Về vấn đề vắc xin phòng Covid-19, bác sĩ Nguyễn Anh Đức khẳng định: Vắc xin phòng Covid-19 được Bộ Y tế phân bổ. Sau khi tiếp nhận, vắc xin được bảo quản đúng quy trình an toàn; tiếp nhận vắc xin đến đâu tiến hành tiêm đến đó, tuyệt đối không tiêm vắc xin quá hạn cho người dân. Bác sĩ Đức cho biết thêm, tình hình tiêm vắc xin phòng Covid-19 đã khả quan hơn, nhiều đơn vị đề nghị bổ sung vắc xin. Sở Y tế báo cáo Bộ Y tế để liên tục có vắc xin phục vụ tiêm cho người dân.

Đến thời điểm này, đối tượng từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1) đạt 55%; đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi 3 đạt 30,7%; trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1 đạt 60,9%, tiêm mũi 2 đạt 25,5%. Đối với các khu công nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thành lập 2 tổ tiêm lưu động tổ chức tiêm tại chỗ cho công nhân lao động; phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tổ chức điểm tiêm tập trung cho các doanh nghiệp có ít công nhân.

Ngoài việc từ chối tiêm vắc xin phòng Covid-19, nhiều người dân không thực hiện đeo khẩu trang khi ra ngoài, nhất là tại những nơi công cộng đông người, không gian kín.

Theo bác sĩ Nguyễn Anh Đức, kháng thể tạo ra từ vắc xin và mắc bệnh không bền vững, sau một thời gian sẽ bị hao hụt. Vì vậy, việc tiêm vắc xin theo hướng dẫn của Bộ Y tế là cần thiết để phòng bệnh chủ động, giảm áp lực cho ngành Y tế. Ngoài ra, người dân cần thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, khử khuẩn để phòng bệnh tốt nhất.

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch chưa kết thúc và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp tiếp tục cần phải duy trì trong tình hình mới. Nếu người dân chủ quan, khi dịch bùng phát trở lại rất nguy hiểm vì có thể thuốc men, nhân lực, trang, thiết bị y tế không đáp ứng đủ cùng lúc.

Bộ Y tế vừa có hướng dẫn về thời gian tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 và mũi 4. Theo đó, tiêm ngay cho các đối tượng ngay sau khi đủ thời gian, cụ thể: Tiêm mũi 3 đối với người trên 18 tuổi, tiêm mũi 3 ngay sau mũi 2 ba tháng; người đã mắc Covid-19 thì tiêm ngay sau khi khỏi bệnh; đối với người từ 12 đến dưới 18 tuổi: Tiêm mũi 3 ngay sau mũi 2 năm tháng; người đã mắc Covid-19 thì tiêm ngay sau khi khỏi bệnh ba tháng. Tiêm mũi 4 ngay sau mũi 3 bốn tháng; người đã mắc Covid-19 thì tiêm ngay sau khi khỏi bệnh ba tháng. Tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: Trẻ đã mắc Covid-19 thì tiêm ngay sau khi khỏi bệnh ba tháng.

Đào Doan

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tin-moi/202208/khong-lo-la-chu-quan-voi-dich-covid-19-8a12c58/