Không nên cho trẻ viết chữ, ghép vần trước lớp 1

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng, học sinh mầm non được nghỉ Hè sớm. Để chuẩn bị hành trang cho con trước khi vào lớp 1, nhiều phụ huynh đã tự dạy hoặc thuê gia sư rèn cho con viết chữ, ghép vần, đọc trơn. Tuy nhiên, giáo viên và chuyên gia giáo dục đều khuyên phụ huynh không nên dạy con viết chữ trước.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Sốt ruột nên dạy con viết chữ

2021 – 2022 là năm học thứ hai ngành giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Sau một năm theo dõi thấy học sinh lớp 1 phải học nhiều từ hơn chương trình cũ, với tiến độ nhanh nên nhiều phụ huynh đã hết sức sốt ruột. Bởi vậy, trước khi nghỉ Hè sớm để phòng chống Covid-19, mỗi tuần, cháu Nguyễn Anh Quang, 6 tuổi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) được mẹ cho đi học 2 buổi chiều lớp tiền tiểu học để cô giáo luyện viết chữ đúng kỹ thuật. Tuy nhiên, từ khi có dịch Covid-19 lần thứ 4, cô giáo nghỉ dạy; cháu Anh Quang được mẹ giao ở nhà mỗi ngày luyện viết 2 chữ, mỗi chữ 2 trang và học đánh vần các từ trong sách Tiếng Việt 1, mỗi ngày 1 bài.
Tự cho con rèn chữ ở nhà cũng là cách làm của nhiều phụ huynh khác. “Trong thời gian này, tạm thời tự cho cháu ôn luyện viết chữ, khi dịch Covid-19 được khống chế, tôi sẽ cho con đi học lớp tiền tiểu học, để cháu bắt nhịp được nhanh với chương trình lớp 1” – chị Phùng Thị Thanh (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) cho hay.
Nhiều phụ huynh khác lại băn khoăn có nên dạy con đánh vần, viết chữ không. Bởi hiện nay cách đánh vần và ghép chữ có các điểm khác so với trước. Nắm bắt được tâm lý lo lắng của phụ huynh, hiện nay, trên một số trang mạng xã hội quảng cáo rất nhiều về việc giới thiệu các bộ sách chuẩn bị cho bé vào lớp 1 như: Luyện viết chữ đẹp, Luyện viết, Tập đánh vần Tiếng Việt, Bé chinh phục Toán học... Lại có những quảng cáo bán bộ 3 file Luyện các nét cơ bản, Toán tư duy, Học vần hay quảng cáo nhận dạy tiền tiểu học và luyện viết chữ đẹp với giá từ 150.000 – 200.000 đồng/1,5 tiếng (viết 29 chữ cái, viết và nối từ đơn, ghép vần, làm Toán cộng trừ trong phạm vi 10). Hiện nay, nhiều phụ huynh chấp nhận mời gia sư đến nhà để dạy cho con chương trình tiền tiểu học.
Chỉ nên hướng dẫn tập tô, trang bị kỹ năng sống
Trước những băn khoăn của phụ huynh về việc có nên cho con học tiền tiểu học, hiệu trưởng các trường tiểu học cho rằng: Bố mẹ không nên dạy trước cho con như vậy sẽ không tốt. “Cha mẹ cho con vừa học vừa chơi bằng cách hướng dẫn tập tô các chữ cái để các con nhận biết. Việc hướng dẫn con viết cần phải đúng ngay từ đầu, tránh thành thói quen sai sẽ khó sửa” – cô Nguyễn Thị Bình - Hiệu trưởng trường Tiểu học Vật Lại (huyện Ba Vì) cho hay.
Thầy Nguyễn Xuân Trường – Hiệu trưởng trường Tiểu học Đội Bình (huyện Ứng Hòa) cũng cho rằng, trong thời gian các bé được nghỉ Hè ở nhà, cha mẹ hướng dẫn con thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, giao tiếp nhiều hơn với con và trang bị kỹ năng sống thông qua các vấn đề về vệ sinh cá nhân, vệ sinh chung.
TS Vũ Thu Hương – chuyên gia giáo dục Tiểu học khuyên phụ huynh không nên tham gia vào việc dạy con đánh vần, viết chữ sẽ không có lợi, thậm chí còn gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Theo bà Vũ Thu Hương, thay vì dạy con viết chữ, các phụ huynh hãy quan tâm giáo dục các con về ý thức và trách nhiệm của mình. Ví dụ như hàng ngày các con thức dậy sớm, tự chăm sóc bản thân, vệ sinh cá nhân, tắm, giặt, đi đổ rác. Phụ huynh mua trước các dụng cụ học tập để cho con được khám phá, tìm hiểu, sau đó hướng dẫn cách bọc vở, gọt bút chì, để hộp bút, vở ở đâu trong cặp/balo. Phụ huynh và con cùng xây dựng thời gian biểu từng ngày, thực hiện theo, có như vậy khi trẻ vào lớp 1 sẽ thích nghi môi trường học tập nhanh hơn.
Theo các chuyên gia, trẻ 6 tuổi nghỉ Hè ở nhà không nên cho vào mạng internet bởi các bé chưa có kỹ năng chọn lọc thông tin. Trẻ có thể chơi các chò chơi xếp hình, trò chơi dân gian để được trang bị những kỹ năng khác nhau phục vụ cho việc học và cuộc sống. Trong trường hợp nhà có sân vườn rộng, bé có thể hoạt động trong khu vực đó.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/khong-nen-cho-tre-viet-chu-ghep-van-truoc-lop-1-420778.html