Không nên làm ETC theo kiểu 'dĩ hòa vi quý'!

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) cần phải được thực hiện đồng loạt chứ không nên chia ra làm nhiều giai đoạn như hiện nay.

Là một trong những người đầu tiên đưa ý tưởng thu phí tự động không dừng vào thực tế tại các trạm BOT ở Việt Nam, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy đã bày tỏ ý kiến về tiến độ thực hiện loại hình này.

“Bộ GTVT đáng ra phải thu phí tự động không dừng (ETC) từ cách đây 4 đến 5 năm. Đến nay, khi đã bắt tay làm thì Bộ GTVT lại đặt ra quá nhiều dự án ETC. Tại sao lại đặt nhiều dự án? Tôi nghĩ đó là cách để kéo dài thời gian. Thời đại công nghệ 4.0, rất nhiều doanh nghiệp, nhiều công ty sẵn sàng làm vậy tại sao không làm đồng nhất mà lại phải chia làm giai đoạn 1 giai đoạn 2? ” - chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy nói.

ETC đang chậm tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

ETC đang chậm tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi tiến độ mà Thủ tướng Chính phủ giao đến nay đã hết một nửa thời gian của giai đoạn 2 mà Tổng cục Đường bộ mới chỉ thực hiện lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng tại 40/44 trạm thuộc giai đoạn 1. Bộ GTVT thì dường như có sự “châm chước” cho các trạm BOT chưa thực hiện trong giai đoạn 1 như "chủ động" chuyển các trạm đó sang giai đoạn 2.

"Tôi đi qua nhiều trạm BOT có cửa thu không dừng, nhưng cửa đó không có xe nào đi qua còn cửa thu một dừng thì rất đông người đi. Tại sao lại có vấn đề này? Tôi xin nhờ Bộ trưởng Bộ GTVT trả lời"

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy

Ông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: “Bộ GTVT phải có chế tài phạt thật nặng hoặc chấm dứt ngay hoạt động của các trạm này. Cần phải quy định rõ, nếu chậm thì bị phạt bao nhiêu, trừ bao nhiêu vào doanh thu chứ không thể để việc giai đoạn 1 chưa làm được thì chủ động chuyển sang giai đoạn 2. Tại sao Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể hứa 3 năm rồi nhưng vẫn không thực hiện được? Không thể như thế được khi việc dễ dàng như vậy. Trên thế giới đã có những mô hình rất thành công” - ông Nguyễn Xuân Thủy thẳng thắn đánh giá.

Mách nước cho Bộ trưởng Bộ GTVT, chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy nói: Bộ GTVT có thể cho đấu thầu và chọn 1 đơn vị tốt nhất. Nếu trong trường hợp có nhiều đơn vị cùng làm thì nên chọn 1 đơn vị làm tốt nhất để thực hiện.

“Tại sao Bộ GTVT đã hứa là năm nào, tháng nào các trạm thu phí phải được lắp đặt ETC nhưng đến thời gian này mới được mấy chục trạm lắp mà các trạm đó cũng chưa trọn vẹn. Ở trạm ghi là thu phí không dừng nhưng bên này vẫn thu tiền 1 dừng? Theo tôi là triển khai 100% chứ không phải nửa chừng. Đơn vị nào không thực hiện chỉ đạo của Bộ, của Chính phủ thì phải chịu phạt hoặc người dân không dán thẻ trả phí thì giữ xe lại chứ không nên làm theo kiểu dĩ hòa vi quý" - ông Thủy nói.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy.

Về nội dung trong Quyết định 07/2017 của Thủ tướng có quy định, “nhà đầu tư phải bàn giao trạm BOT cho đơn vị thực hiện ETC điều hành”, ông Nguyễn Xuân Thủy nhận định: “Tôi nghĩ văn bản của Thủ tướng muốn cho đơn vị ETC quản lý phần liên quan đến công nghệ chứ không bao giờ bắt giao cả trạm cho đơn vị ETC. Ngay khi lắp đặt hệ thống ETC, có thể giao cho 1 phòng, 1 vị trí để điều hành chứ không thể giao cả trạm cho đơn vị công nghệ như vậy được”.

Theo Quyết định số 07/2017 của Thủ tướng, nhà đầu tư các dự án BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên chậm nhất đến ngày 31/12/2018 phải bàn giao toàn bộ các trạm thu giá cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá để thực hiện việc thu giá theo hình thức điện tử tự động không dừng. Đối với các trạm khác, chậm nhất đến ngày 31/12/2019 phải bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu giá cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá để thu giá không dừng.

Tuy nhiên, đến nay đã hết 1 nửa thời gian thực hiện giai đoạn 2 nhưng phần việc của giai đoạn 1 vẫn chưa thực hiện xong.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhận định, ẩn đằng sau đó có thể có những vấn đề dẫn đến việc các trạm BOT chưa thực hiện như hiện nay.

Trước đó, đầu tháng 7/2019, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã họp với lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghe báo cáo về tiến độ Dự án thu phí tự động không dừng.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhận định, còn một số đơn vị, nhà đầu tư có tâm lý đối phó và cần phải có giải pháp mạnh tay với thời hạn đến 30/7/2019, đồng thời dừng thu phí đối với các nhà đầu tư BOT cố tình không thực hiện.

Còn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thì cho rằng, tình hình thực hiện Dự án thu phí tự động không dừng còn nhiều vướng mắc, nhất là đối với giai đoạn 1. Nếu không thực hiện quyết liệt sẽ khó đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó yêu cầu có cơ chế giám sát đặc biệt đối với nhà cung cấp dịch vụ VETC, đưa ra một số nhiệm vụ mà VETC phải thực hiện theo lộ trình. Trong quá trình giám sát, nếu không đảm bảo kế hoạch, phải có giải pháp xử lý ngay, xem xét điều chuyển các trạm chậm thực hiện sang giai đoạn 2.

Động thái chuyển các trạm chậm thực hiện trong giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 khiến dư luận băn khoăn, đặt dấu hỏi có sự "châm chước" cho các đơn vị này hay không?

Trong khi đó, trao đổi với PetroTimes, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ thừa nhận đến nay mới lắp đặt được 40/44 trạm BOT và sắp tới sẽ thực hiện giai đoạn 2 của dự án. Tuy nhiên khi PV đề cập tới việc chậm tiến độ, ông Huyện cho rằng, lộ trình thu phí không dừng đang được thực hiện bình thường, đến 31/12 về cơ bản là xong...

Quyết định số 07/2017/QĐ-TTgvề việc thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ theo hình thức tự động không dừng:

Điều 20. Trách nhiệm của nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

1. Xây dựng hạ tầng trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo Điều 6 Quyết định này; tạo điều kiện cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá cải tạo, lắp đặt thiết bị tại trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng theo Tiêu chuẩn quốc gia về hệ thống thu phí điện tử, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định pháp luật có liên quan và thiết kế kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi hợp đồng dự án nhằm bảo đảm thực hiện việc chuyển đổi sang hình thức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng.

3. Ký hợp đồng dịch vụ thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ với nhà cung cấp dịch vụ thu giá theo mẫu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

4. Ủy quyền cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá phát hành chứng từ thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng cho chủ phương tiện tham gia giao thông.

5. Giám sát hoạt động thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng của nhà cung cấp dịch vụ thu giá đối với dự án do nhà đầu tư quản lý, khai thác.

6. Bàn giao trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá theo lộ trình quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 22 của Quyết định này.

Xuân Hinh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/khong-nen-lam-etc-theo-kieu-di-hoa-vi-quy-542169.html