Không ngừng nâng cao trách nhiệm trong phòng, chống ma túy

Theo đánh giá của Công an tỉnh Sóc Trăng, trong năm 2022, tình hình ma túy trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, đối tượng phạm tội chủ yếu là người đã có tiền án, tiền sự về ma túy (chiếm 54,1%). Thành phần tập trung vào nhóm người không nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định (chiếm 88,1%). Tỷ lệ nam giới cao hơn so với nữ giới (chiếm 97%); độ tuổi từ 18 - 30 (chiếm 72,7%). Các tuyến, khu vực, địa bàn trọng điểm về tội phạm ma túy là thành phố Sóc Trăng, thị xã Vĩnh Châu, huyện Châu Thành, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng).

Trong năm 2022, lực lượng công an đã phát hiện 96 vụ, 192 đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy (giảm 63 vụ, 109 đối tượng so với cùng kỳ năm 2021); đã xác lập nhiều chuyên án khám phá, bắt giữ, thu giữ lượng lớn ma túy, tổng tang vật thu giữ trên 300 gram ma túy các loại và một số tang vật khác có liên quan. Đã khởi tố 97 vụ, 153 bị can (so với cùng kỳ giảm 47 vụ (97/144), 74 bị can (153/227). Ngoài ra, đã tổ chức truy tìm và đưa về Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đến ngày 31/10/2022 được 137 học viên (trốn khỏi cơ sở cai nghiện, xảy ra ngày 25/2/2022), tiếp tục công tác truy tìm và xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc để tham mưu xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật.

Tổng số người nghiện và người liên quan đến ma túy trên địa bàn tỉnh hiện có 2.035 người; trong đó, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý là 1.492 người (chiếm 73,31%), số người sử dụng trái phép các chất ma túy 543 người. Số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy còn chiếm tỷ lệ cao, chiếm 94,5%, tương đương 103/109 địa bàn. Đã lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định số 120/2021/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 111/2013/NĐ-CP) của Chính phủ 74 trường hợp; lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 221/2013/NĐ-CP) của Chính phủ 122 trường hợp; giáo dục, cam kết không tái phạm đối với 985 đối tượng; hỗ trợ đưa đi cai nghiện tự nguyện 4 trường hợp. Đồng thời, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa đi cơ sở giáo dục bắt buộc 44 đối tượng.

Đại tá Lâm Thành Sol - Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng trao khen thưởng cho Công an thành phố Sóc Trăng và Công an thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) vì lập được nhiều thành tích trong việc triệt xóa nhiều điểm tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép chất ma túy. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Đại tá Lâm Thành Sol - Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng trao khen thưởng cho Công an thành phố Sóc Trăng và Công an thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) vì lập được nhiều thành tích trong việc triệt xóa nhiều điểm tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép chất ma túy. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Tại địa bàn thành phố Sóc Trăng, trong năm 2022, Công an thành phố Sóc Trăng đã bắt 43 vụ, 96 đối tượng có hành vi “tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy”. Đa số người phạm tội là các đối tượng nghiện và không có việc làm ổn định, mua bán ma túy để có tiền thỏa mãn nhu cầu sử dụng ma túy và chi tiêu của bản thân. Bên cạnh đó, những đối tượng này thường dụ dỗ, lôi kéo thanh thiếu niên sử dụng ma túy đá với lời cam kết “chơi ma túy đá không gây nghiện”, nhưng chỉ cần sử dụng 1 lần thì bắt đầu lệ thuộc và chịu sự sai khiến. Đồng thời, Công an thành phố Sóc Trăng cũng test nhanh 346 đối tượng nghi vấn sử dụng trái phép chất ma túy, có 160 đối tượng dương tính; qua đó đã xử phạt hành chính và lập hồ sơ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cai nghiện bắt buộc...

Kiểm tra 1 cơ sở karaoke tại thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng), phát hiện hàng chục đối tượng có hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Ảnh: MINH TẤN

Kiểm tra 1 cơ sở karaoke tại thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng), phát hiện hàng chục đối tượng có hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Ảnh: MINH TẤN

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Nhỏ - Trưởng Công an thành phố Sóc Trăng, tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy tiếp tục được tập trung đấu tranh, triệt xóa. Tuy nhiên, loại tệ nạn này vẫn còn phức tạp do ảnh hưởng mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự phát triển nhanh chóng của các điểm vui chơi, giải trí hay các loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ; nhận thức của thanh thiếu niên về hiểm họa ma túy còn mơ hồ; một số thanh thiếu niên sống trong gia đình không hạnh phúc dễ bị lôi kéo dẫn đến nghiện các chất ma túy. Cùng với đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chế tài xử lý, công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này còn nhiều bất cập nên việc xử lý chưa tập trung, quyết liệt và triệt để.

Đối với thị xã Vĩnh Châu, trong những tháng cuối năm 2022, đơn vị đã tập trung phương tiện, kỹ thuật và nhân lực để tấn công trấn áp và triệt xóa các điểm buôn bán ma túy nổi cộm trên địa bàn được Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng biểu dương. Điển hình như ngày 19/11, bắt vụ “mua bán trái phép chất ma túy” tại nhà số 43 tại đường Đồng Khởi, khóm 3, phường 1, thu giữ 152 viên thuốc lắc, 200 gram ma túy; ngày 20/11 bắt vụ “mua bán trái phép chất ma túy” tại nhà số 523, ở khóm Cà Lăng A Biển, phường 2, thu giữ 9 bịch ma túy tổng hợp trọng lượng khoảng 3 gram; ngày 27/11 kiểm tra quán karaoke trên địa bàn phường 1, phát hiện 10 người có biểu hiện nghi vấn sử dụng trái phép chất ma túy, lực lượng chức năng đã lập biên bản và xử lý theo quy định pháp luật...

Nhiều thiếu niên vì nghe lời dụ dỗ “sử dụng ma túy đá không gây nghiện” đã phải trả giá, mất thời gian cai nghiện và sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Nhiều thiếu niên vì nghe lời dụ dỗ “sử dụng ma túy đá không gây nghiện” đã phải trả giá, mất thời gian cai nghiện và sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Thượng tá Võ Văn Bộ - Trưởng Công an thị xã Vĩnh Châu cho biết, thị xã Vĩnh Châu có 78 trường hợp nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; việc giải quyết việc làm, quản lý người sau cai nghiện còn nhiều khó khăn. Người đứng đầu đơn vị này kiến nghị cần ban hành văn bản thực hiện xác định, điều trị, quản lý người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy gây ảo giác, loạn thần, “ngáo đá”; phân bổ nguồn kinh phí kịp thời và phù hợp với thực tế địa phương; hỗ trợ thêm trang thiết bị để phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Đồng thời, kiến nghị cần quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của cơ quan có liên quan, tháo gỡ những chồng chéo về quy định dẫn đến khó khăn trong công tác phối hợp thực hiện các biện pháp cai nghiện.

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống ma túy, bên cạnh các giải pháp về xây dựng, áp dụng pháp luật thì các ban ngành, đoàn thể địa phương cần phải tăng cường tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho thanh, thiếu niên. Nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, dân cư, giúp các tầng lớp nhân dân hiểu được tâm lý thanh, thiếu niên để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm do người ở tuổi vị thành niên gây ra. Việc kịp thời tuyên truyền pháp luật tạo cơ hội tốt cho người dân tiếp cận dễ dàng, hiểu rõ hơn về thủ đoạn phạm tội, nguyên nhân phát sinh tội phạm, từ đó tự xây dựng cho mình ý thức phòng ngừa trở thành nạn nhân của tội phạm cũng như hình thành các kỹ năng khác trong phòng, chống tội phạm.

PHƯỚC LIÊU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/xa-hoi/khong-ngung-nang-cao-trach-nhiem-trong-phong-chong-ma-tuy-62231.html