Không ngừng phấn đấu để phục vụ sự phát triển của đất nước

Ngày 3-10-2020, cán bộ, nhân viên ngành khí tượng thủy văn (KTTV) kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS, TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV (Bộ Tài nguyên và Môi trường) để hiểu hơn về công việc thầm lặng và những nỗ lực của ngành KTTV nhằm phục vụ sự phát triển đất nước.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, có lẽ ít người biết ngành KTTV được hình thành từ sớm, gắn với quá trình phát triển của đất nước. Đồng chí có thể giúp bạn đọc biết cụ thể hơn về tiến trình này?

 GS, TS Trần Hồng Thái.

GS, TS Trần Hồng Thái.

GS, TS Trần Hồng Thái: Sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 41/SL thành lập ngành KTTV Việt Nam; cán bộ, nhân viên của ngành đã theo Chính phủ lên Chiến khu Việt Bắc tham gia chiến đấu, sản xuất, chuẩn bị cho việc đào tạo cán bộ... Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneva năm 1954 lập lại hòa bình ở Đông Dương, các hoạt động KTTV bắt đầu phát triển để phục vụ đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Nhiệm vụ của ngành lúc này là duy trì hoạt động liên tục của mạng lưới trạm KTTV, ngành đã kịp thời xây dựng các phương án ứng phó với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đối với các trạm. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều trạm KTTV dã chiến, nhiều trạm thủy văn dự bị đã được xây dựng; các quy trình, quy phạm quan trắc, đo đạc, mã luật, điện báo trong thời chiến cũng được gấp rút biên soạn. Nhờ có sự chủ động, biện pháp tích cực để đối phó với chiến tranh phá hoại cùng với tinh thần trách nhiệm cao, lòng dũng cảm của đội ngũ quan trắc viên nên các trạm: Bạch Long Vĩ, Hòn Gai, Hòn Dấu, Pha Đin, Sơn La, Điện Biên Phủ, Cửa Tùng, Cửa Cấm, Đò Đao, Phủ Lý, Vinh... không bị gián đoạn quan trắc trong suốt 8 năm đế quốc Mỹ bắn phá ác liệt. Giai đoạn này, ngành KTTV có 20 cán bộ đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ quan trắc, chiến đấu dưới làn bom đạn của kẻ thù, được công nhận là liệt sĩ.

Đến những năm chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và biên giới phía Tây Nam cũng như giai đoạn khôi phục đất nước sau chiến tranh, mạng lưới trạm KTTV của ngành tiếp tục được phát triển ở những vùng núi cao, đảo xa như: Bãi nổi Huyền Trân, đảo Song Tử Tây, Trường Sa, Phú Quý, Thổ Chu, Côn Đảo, Mường Tè, Hoàng Su Phì... Sự hiện diện của các trạm KTTV này đã góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên các vùng biển, đảo và biên giới đất liền. Các trạm KTTV, hải văn luôn là những điểm chốt quan trọng, cán bộ, nhân viên vừa tác nghiệp vừa sẵn sàng chiến đấu. Hiện nay, ngành vẫn đang bảo quản khai thác hệ thống biểu báo, quan trắc của các trạm khí tượng hải văn từ những năm 50 của thế kỷ trước...

Cán bộ, nhân viên ngành khí tượng thủy văn thực hiện khảo sát khí tượng. Ảnh: Nguyễn Văn.

Cán bộ, nhân viên ngành khí tượng thủy văn thực hiện khảo sát khí tượng. Ảnh: Nguyễn Văn.

PV: Thưa đồng chí, hiện nay, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão. Ngành KTTV đã có quá trình chuẩn bị như thế nào về công nghệ dự báo để phục vụ phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, phát triển đất nước bền vững?

GS, TS Trần Hồng Thái: Chúng tôi có thể khẳng định, cho đến nay, hầu hết các thành tựu mới của nhân loại trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã được ứng dụng trong lĩnh vực truyền tin KTTV như: Hệ thống mạng LAN, internet trong nội bộ, truyền tin vệ tinh, GPRS... Các hệ thống này là cầu nối kết nối các trạm tự động với trung tâm. Bên cạnh đó, công nghệ tính toán cũng từng bước được phát triển như hệ thống máy tính hiệu năng cao, siêu máy tính mini... Những ngày đầu, công nghệ dự báo chỉ là việc tính toán thống kê, đúc kết bằng kinh nghiệm của dự báo viên, tuy nhiên, sau khi internet bắt đầu phát triển tại Việt Nam, ngành KTTV đã chủ động nghiên cứu, khai thác dự báo số trị của Nhật Bản để ứng dụng thử nghiệm. Đến nay, dự báo số trị luôn được phát triển và là mô hình dự báo được chạy trên nền tảng hệ thống siêu máy tính hiệu năng cao với tổng năng lực tính toán khoảng 16TFlops. Đặc biệt, với công nghệ dự báo tổ hợp, các bản tin dự báo xác suất được đưa vào nghiệp vụ phục vụ hiệu quả cộng đồng với những bản tin dự báo thời tiết cực ngắn, dự báo mưa lớn trong tình huống thời tiết nguy hiểm được các dự báo viên trung tâm dự báo KTTV nghiên cứu, phát triển.

PV: Phát triển mạng lưới quan trắc phục vụ dự báo cũng như phát triển các ngành kinh tế và đời sống được ngành KTTV quan tâm như thế nào, thưa đồng chí?

GS, TS Trần Hồng Thái: Trong giai đoạn tới, ngành KTTV sẽ tập trung các nguồn lực để phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và tự động hóa, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật KTTV trong phạm vi cả nước; nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo KTTV, trọng tâm là dự báo, cảnh báo các thiên tai liên quan đến bão lũ, lũ quét, sạt lở đất... đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Chúng tôi đặt mục tiêu đưa ra những chính sách kêu gọi sự tham gia của khối kinh tế tư nhân trong công tác KTTV, từ đó tạo ra thị trường dịch vụ KTTV, làm sao tiến tới cái đích "xã hội hóa ngành KTTV".

Có thể thấy, từ những bản tin dự báo thời tiết hằng ngày phục vụ người dân trong sinh hoạt thường nhật đến những bản tin dự báo chuyên dùng cho các ngành kinh tế, sản xuất, như nông nghiệp, công nghiệp hay vận tải hàng không, KTTV và các sản phẩm dịch vụ đã trở thành một phần không thể thiếu trong sự phát triển bền vững và ổn định xã hội của mỗi quốc gia. Mỗi sản phẩm KTTV là những thông tin hữu ích phục vụ đời sống dân sinh hằng ngày, còn những thông tin KTTV trong quá khứ, hiện tại và tương lai là những dữ liệu, cơ sở quan trọng để các ngành kinh tế trọng điểm nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, việc thường xuyên dự báo KTTV bảo đảm kịp thời, chính xác trong những năm qua đã phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên phạm vi cả nước.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HOÀNG LINH - THU HẠNH (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/khong-ngung-phan-dau-de-phuc-vu-su-phat-trien-cua-dat-nuoc-639686