Không nhanh chóng sửa đổi, bổ sung chính sách, Việt Nam sẽ đối mặt với thực trạng thiếu điện

Chia sẻ với Tạp chí PetroTimes, ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho biết, nếu không nhanh chóng sửa đổi, bổ sung chính sách, đất nước sẽ đối mặt với thực trạng thiếu điện.

Sau nhiều lượt dự thảo, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, các cơ quan, tổ chức hữu quan, Luật Điện lực (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, diễn ra từ ngày 21/10 đến 30/11/2024. Các nội dung Chính phủ trình sửa đổi Luật Điện lực cùng với dự thảo của 4 Luật được đặt ra tại Kỳ họp thứ 8 đều rất cấp thiết, liên quan trực tiếp đến những vấn đề quan trọng, cấp bách.

ĐBQH Phạm Văn Thịnh cho biết: "Luật Điện lực được ban hành năm 2004, đến nay đã được 20 năm. Luật có sửa đổi một số điều vào năm 2012 và một số lần gần đây chủ yếu liên quan đến khâu truyền tải điện nên chắc chắn cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Bên cạnh đó, Luật Điện lực hiện hành còn nhiều nội dung cần quy định chi tiết nhưng không giao cho Chính phủ nên Chính phủ và Bộ liên quan không có căn cứ pháp lý để ban hành văn bản quy định cụ thể để thực hiện".

ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang)

ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang)

Việc đảm bảo an ninh năng lượng đang rất cấp bách nhưng quy định về phát triển các dự án nguồn phát mới từ khâu quy hoạch, đầu tư, vận hành, hợp đồng mua bán; các chính sách cho phát triển các nguồn năng lượng mới như điện gió ngoài khơi, điện khí hóa lỏng (LNG) hoặc điện hạt nhân chưa được đề cập đầy đủ trong Luật hiện hành. "Không nhanh chóng sửa đổi, bổ sung chính sách, đất nước sẽ đối mặt với thực trạng thiếu điện gay gắt", đại biểu Phạm Văn Thịnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cũng theo chia sẻ của ĐBQH Phạm Văn Thịnh, hiện tại Luật Điện lực phải tháo gỡ một số "điểm nghẽn". Đầu tiên, có thể nhìn thấy rõ cần phải tháo gỡ "điểm nghẽn" về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực. Hiện nay, nhiều dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VII chậm tiến độ, phát triển nguồn điện hiện không phù hợp với phát triển phụ tải, hệ thống truyền tải chưa đồng bộ nên cần sửa đổi, bổ sung để đẩy nhanh tiến độ và tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch, trình tự thủ tục đầu tư, triển khai dự án nguồn...

Đồng thời, để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh phù hợp với các mục tiêu về giảm phát thải cần có những chính sách phát triển năng lượng tái tạo. Hiện chưa có các quy định về phát triển năng lượng tái tạo sau khi cơ chế giá FIT hết hiệu lực; cơ chế mua bán điện trực tiếp; thể chế khuyến khích điện mặt trời áp mái, nhà máy điện năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp. Ngoài ra, cũng cần bổ sung cơ chế, chính sách phát triển điện gió ngoài khơi.

Một "điểm nghẽn" khác là chính sách giá điện và điều hành giá điện, vấn đề quy định thẩm quyền quyết định, điều hành giá bán điện, giá điện nhập khẩu, mua bán điện không qua hệ thống điện quốc gia. Ngoài ra, cũng chưa có quy định về lưới điện thông minh để phát huy tối đa hiệu quả khai thác năng lượng tái tạo trong hệ thống điện quốc gia. Về tiết kiệm điện, ông Thịnh cho biết còn thiếu quy định về ưu đãi, khuyến khích đối với khách hàng tham gia tiết kiệm điện, áp dụng công nghệ để phát triển lưới điện thông minh...

Hiện nay, Chính phủ đang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và thu hút đầu tư vào các dự án phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi, điện khí LNG là phù hợp với xu thế của thời đại. Tuy nhiên, hiện tại việc thực hiện đầu tư 2 loại dự án này còn nhiều vướng mắc ở tầm luật nên cần được tháo gỡ bằng việc đưa vào Luật Điện lực (sửa đổi).

Ví dụ như Luật Đầu tư chưa có quy định về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án nằm trên biển mà thuộc 2 địa bàn cấp tỉnh. Luật Điện lực chưa quy định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện nói chung, trong đó có dự án điện gió ngoài khơi; chưa có các quy định về đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo trong phát triển dự án điện gió; các vấn đề về đàm phán giá mua của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cơ chế mua bán điện trực tiếp...

Về các vướng mắc đối với điện khí hóa lỏng (LNG), ông Phạm Văn Thịnh cũng nhấn mạnh điển hình nhất là vướng mắc về cam kết sản lượng điện mua hàng năm (Qc) - đây là điều kiện tiên quyết để khởi động việc tài trợ vốn cho dự án triển khai hoặc cơ chế chuyển ngang giá LNG sang giá điện, quy định về tính cước phí vận chuyển LNG. Trong bối cảnh nguồn phát đang khó khăn, các dự án đều chậm thì việc tháo gỡ kịp thời cho dự án phát triển 2 nguồn năng lượng này là rất cần thiết và cấp bách.

P.V

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/khong-nhanh-chong-sua-doi-bo-sung-chinh-sach-viet-nam-se-doi-mat-voi-thuc-trang-thieu-dien-720204.html