Không phải lúc đổ lỗi ở tuyển Việt Nam
Việc cần làm với tuyển Việt Nam sau trận thua Trung Quốc chính là rút kinh nghiệm, hướng tới cuộc đối đầu Oman ngày 12/10.
Tuyển Việt Nam cần thay đổi gì để có thể chơi một trận ra trò trước Oman? Câu hỏi này cực khó trả lời. Nó khó đối với ngay cả những người làm huấn luyện bóng đá chuyên nghiệp chứ đừng nói tới đội ngũ bình luận, phân tích và đặc biệt là công chúng.
Vậy mà khi câu hỏi đó chưa được bất kỳ ai trả lời hợp lý (chứ chưa vội nói đến thỏa đáng), thì khắp nơi đã rộ lên những phê phán, đổ lỗi, thậm chí có cả những miệt thị dành cho vài cá nhân.
Người ta đổ lỗi cho Tấn Trường. Nhiều người với lập luận đại khái là tại sao Tấn Trường không lao ra ở 2 tình huống Wu Lei ghi bàn. Thậm chí, nhiều người còn đặt dấu hỏi nghi ngờ về thái độ thi đấu của Tấn Trường theo cái cách quy chụp đầy hồ đồ khiến tổn hại nhiều đến danh dự và uy tín một con người.
Khi hệ thống của tuyển Việt Nam gặp trục trặc
Người ta đổ lỗi cho Thanh Bình về sự non nớt của trung vệ này trong 2 bàn thua cuối. Họ cho rằng đưa Thành Chung và Việt Anh vào sẽ hợp lý hơn. Ở việc thay người này, ông Park Hang-seo đã nhận lỗi.
Nhưng những người đổ lỗi có nghĩ đến chuyện Thành Chung quen đá lệch phải và nếu đưa anh vào thay Bùi Tiến Dũng, anh sẽ chơi ở vị trí không thuận, hoặc Duy Mạnh phải chơi ở vị trí không thuận ấy? Và khi bỏ qua chi tiết này, người ta cũng sẽ bỏ qua luôn việc Việt Anh và Thanh Bình là 2 lựa chọn tương đương nhau mà khi chọn rồi, “xui thì thua chứ hên, không ai dám trách”.
Không một ai nhắc đến chi tiết rõ ràng là Wu Lei là ngôi sao hơn tất cả cầu thủ Việt Nam về đẳng cấp. Đó là thực tế không ai có thể phủ nhận. Anh ta vượt trội các cá nhân của tuyển Việt Nam trong tất cả yếu tố quan trọng nhất: Kỹ thuật, thể chất, tốc độ, tư duy chơi bóng.
Đó là mới nói đến một so sánh hiển nhiên giữa ta và đối thủ. Còn chúng ta đã nói đến chuyện lỗi của ai trong 2 bàn thua của tuyển Việt Nam thì phải nói đến tận cùng. Và nếu nói đến tận cùng, chúng ta phải lôi được cả cái hệ thống ra để phân tích chứ không thể mổ xẻ một vị trí, cá nhân đơn thuần.
Khi một tiền vệ tranh chấp thất bại, để đối thủ vượt qua mình, tiền vệ ấy ngoài ý thức lao về hỗ trợ còn có được sự yên tâm tàm tạm trong đầu mình đại ý sau lưng mình vẫn còn hàng thủ.
Khi một hậu vệ để đối phương vượt qua, anh ta có thể ý thức nguy hiểm rồi đây và mọi hy vọng dồn lên thủ thành. Như vậy, chúng ta đủ hiểu trên sân có tuyến, có lớp và thủ thành là mắt xích đối diện rủi ro cuối cùng, nhưng cũng là rủi ro lớn nhất vì sau lưng anh ta ngoài mành lưới ra chẳng còn ai để mà hy vọng cả.
Trách Tấn Trường không lao lên cũng được thôi. Trách Thanh Bình non nớt cũng ổn thôi. Nhưng tại sao Shenchao lại có thể có 3 pha tạt bóng y chang nhau mà 2 trong đó thành bàn, một cách dễ dàng thế thì không ai nói tới? “Người ta” quên tiền vệ rồi sao? Hay với “người ta”, lỗi gây thua trận chỉ nên dồn vào tuyến nào có chữ “thủ”?
Cả 2 bàn thua sau của tuyển Việt Nam đều cùng kịch bản. Tuyển Trung Quốc đưa bóng lên, khó quá thì họ lại đưa về, dàn xếp thong thả nhằm xô lệch hệ thống của tuyển Việt Nam, rồi sau đó đưa bóng ra biên nào thoáng và thực hiện tạt bóng.
Shenchao đã có cơ hội tạt bóng rảnh chân không ngờ. Chẳng một ai áp sát anh ta. Và với trình độ cầu thủ chuyên nghiệp, nếu trước mặt họ không có áp sát hay truy cản nào, họ chuyền chỉ có chuẩn từng milimet.
HLV Park cần những lời phản biện
Bây giờ, sau khi mổ xẻ 2 cú tạt của Shenchao thay vì chỉ soi 2 cú dứt điểm của Wu Lei, hy vọng “người ta” đừng lặn lội đi tìm cá nhân tiền vệ nào để đổ lỗi nữa. Đơn giản, khi cả một hệ thống đã trục trặc, xô lệch, không còn đúng hình dạng chiến thuật đòi hỏi cơ bản, thì trách lỗi ai cũng là hơi quá đáng với cá nhân đó.
Chúng ta ai cũng trân trọng, thậm chí biết ơn, HLV Park Hang-seo vì những gì ông đã mang lại cho bóng đá Việt Nam mấy năm qua. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông Park là vị thánh bất khả sai sót.
Mà giả như ông Park có sai sót đi nữa, chúng ta cũng cần nhìn nhận xem sai sót ấy đến từ đâu, chủ quan hay do khách quan khó khăn đẩy ông vào chỗ không thể không sai. Và hơn tất cả, nếu ông có sai, chúng ta cần đóng góp xây dựng cho ông thay vì đổ lỗi đơn thuần. Chủ nghĩa công thần nên bị dẹp bỏ, nhưng thái độ đổ lỗi cũng cần bị xóa nhòa.
Và việc ông Park đưa Thanh Bình xuống U22 dường như cũng đang là hành động khó hiểu. Nó có thể ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của một cầu thủ trẻ, cũng như có thể khiến khách quan lầm tưởng đó là “phạt” lỗi. Thậm chí, có khi ngay chính bản thân Thanh Bình cũng có thể nghĩ mình bị đối xử như vậy vì đã mắc lỗi ở 2 bàn thua vừa rồi.
Thực tế, giữa muôn trùng ngợi khen, thậm chí có cả tôn thờ, dành cho ông Park Hang-seo suốt những năm qua, tiếng nói phản biện cũng yếu ớt hẳn. Những người muốn phản biện đều có chung nỗi sợ. Họ sợ dư luận ném đá, sợ bị cho là đố kỵ với thành công của ông Park. Và khi không tồn tại phản biện, tiến bộ sẽ bị cản trở nhiều.
Trước Oman, tuyển Việt Nam cần thay đổi gì? Ai trả lời câu hỏi ấy đi? Đó mới là quan trọng nhất.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khong-phai-luc-do-loi-o-tuyen-viet-nam-post1269677.html