Không phải thử thách nào trên mạng xã hội cũng nên tham gia
Đó là chia sẻ, cũng là lời khuyên của các chuyên gia đối với người dùng khi tham gia mạng xã hội, nhất là người dùng trẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến 'Trao quyền an toàn' mới được tổ chức; với sự góp mặt của bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững; PGS.TS chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng Trần Thành Nam, và các đại diện đến từ TikTok Việt Nam.
Tham gia mạng xã hội cũng giống như “tham gia giao thông”
Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia đã tập trung chia sẻ về về tâm lý thanh thiếu niên khi tham gia các thử thách trên mạng và vai trò của các bậc phụ huynh, nhà trường và các tổ chức trong nỗ lực bảo vệ trẻ em khỏi những thử thách/ trò lừa bịp nguy hiểm.
Theo các chuyên gia, các hashtag thử thách ngày càng phổ biến trên mạng xã hội. Điều đáng nói, bên cạnh những thử thách rất tích cực, có những thử thách gây hại cho người dùng, đơn cử như mới đây nhất là thử thách Momo, thử thách cá voi xanh dạy trẻ cách tự sát. Và dù bị xã hội lên án, cảnh báo rất nhiều, nhưng mới đây nhất, 3 học sinh lớp 6 Trung Quốc đã nhảy lầu tự sát, nghi là có liên quan đến thử thách này.
Điều đáng nói, dù đã được tuyên truyền nhiều, nhưng trẻ em, thanh thiếu niên vẫn “đâm” theo các thử thách nguy hiểm, coi đó như một trải nghiệm để chứng tỏ bản thân. Cũng có những thử thách, ban đầu không phải là thử thách nguy hiểm, sau đó bị biến tướng thành thử thách nguy hiểm như việc lao ra khỏi ô tô để nhảy, nhảy bên cạnh ô tô đang chạy. “ Nguyên nhân đó là vì các em không có tư duy để lựa chọn xem thử thách nào nên làm theo, cái nào không nên làm theo. Điều này rất nguy hiểm”, bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững, chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những thử thách nguy hiểm này, trên mạng xã hội cũng có rất nhiều thử thách thú vị, khiến con người tích cực hơn, lạc quan hơn, như thử thách rửa tay, sống vui vẻ ở nhà…
Vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để giáo dục trẻ, thanh thiếu niên có thể phân biệt và lựa chọn những thử thách tích cực, tránh xa những thử thách tiêu cực, nguy hiểm? Ở đây là trách nhiệm của xã hội, của người lớn. Như chia sẻ của PGS.TS chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng Trần Thành Nam, với vấn nạn về việc trò lừa, thử thách nguy hiểm trên mạng, chúng ta cần có nghiên cứu, để đưa biện pháp phòng ngừa từ các nền tảng, quản lý nhà nước, từ vai trò của cha mẹ, cũng như ý thức của bản thân các cá nhân.
PGS.TS chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng Trần Thành Nam chia sẻ: “Tham gia mạng cũng như tham gia giao thông, không thể cứ vứt con cái vào rồi để chúng tự học cách đi, mà cần dạy con biết “luật”. Khi đã biết luật, con cái chúng ra sẽ “ra đường” an toàn hơn. Bản thân cha mẹ để giúp con cái, cũng cần nâng cao năng lực của một công dân số”.
Cũng theo các chuyên gia, cần giáo dục con hiểu mọi hành động trên công đồng mạng cũng có thể ảnh hưởng tới tương lai của chính mình. Có thể, chỉ vì một thử thách mà con tham gia khi còn trẻ, cũng có thể ảnh hưởng tới công việc, cuộc sống của con sau này. “Phụ huynh có thể không đồng hành với con 24/7 trên mạng, nhưng cần làm bạn vơi con trên môi trường mạng, cùng tư duy, phân tích với con nên chọn thử thách nào, thử thách nào không nên thử, khuyên con nếu băn khoăn, lo lắng thì nên trao đổi, chia sẻ với bố mẹ…”, chuyên gia Trần Thành Nam chia sẻ.
Đồng hành cùng “làm sạch” cộng đồng mạng
Báo cáo mới nhất của TikTok về "Tìm hiểu các biện pháp ứng phó hiệu quả trong giáo dục phòng ngừa đối với những thử thách trực tuyến nguy hiểm", đã chia sẻ về xu hướng hành vi của giới trẻ khi tham gia các thử thách tiềm ẩn những nguy hiểm, các trò lừa bịp có thể dẫn đến tự sát hoặc tự hại bản thân.
Trong những tháng vừa qua, TikTok đã khởi động một dự án quy mô toàn cầu để tìm hiểu về xu hướng hành vi của giới trẻ khi tham gia các thử thách tiềm ẩn những nguy hiểm, các trò lừa bịp có thể dẫn đến tự sát hoặc tự hại bản thân. Ba mục tiêu chính của dự án là: Xem xét và đánh giá mức độ hiệu quả của các biện pháp ứng phó đối với các thử thách tự sát và tự gây hại cho bản thân; Tìm kiếm những cách thức mới nhằm hỗ trợ tốt hơn cho thanh thiếu niên, cha mẹ và thầy cô trên toàn thế giới; Nâng cao hiểu biết của cộng đồng về vấn đề này bằng cách chia sẻ những thông tin báo cáo
Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã xác định động cơ thúc đẩy thanh thiếu niên tham gia vào những thử thách này, phương pháp trẻ sử dụng để đánh giá rủi ro và tìm ra phương án để đảm bảo an toàn cho các em. Theo đó, gần một nửa (48%) số em được hỏi tin rằng những thử thách này an toàn và vui nhộn, 32% cho rằng thử thách này tuy có rủi ro nhưng vẫn an toàn, tỷ lệ trẻ đánh giá nguy hiểm là 14% và vô cùng nguy hiểm là 3%. Chỉ có 0,3% thanh thiếu niên nói họ đã tham gia một thử thách mà họ tự cho là nguy hiểm.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trước khi tham gia thử thách, trẻ vị thành niên có vận dụng một loạt những phương pháp đánh giá rủi ro, bao gồm xem video mọi người thử làm, đọc bình luận và nói chuyện với bạn bè. Trao quyền và hướng dẫn trẻ phương pháp tự cân nhắc, suy nghĩ thấu đáo về rủi ro chính là chiến lược phòng tránh hữu hiệu nhất. Cụ thể, 46% thanh thiếu niên được khảo sát muốn được cung cấp thông tin chi tiết về mức độ nguy hiểm và thông tin về việc thế nào là vượt quá giới hạn.
Một phát hiện đáng chú ý nữa trong báo cáo này chính là việc trẻ vị thành niên, phụ huynh và các nhà giáo dục đều cần được tiếp cận với nguồn thông tin chi tiết, xác thực về những thử thách và trò lừa bịp trực tuyến.
“Thấu hiểu điều này, TikTok đã phối hợp cùng Tiến sĩ Graham, Brion-Meisels và Anne Collier (Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành The Net Safety Collaborative) để phát triển một nguồn tài nguyên hoàn toàn mới chuyên giải đáp các thắc mắc của cộng đồng về thử thách và trò lừa bịp trực tuyến. TikTok mong rằng nguồn tài nguyên mới này sẽ giúp các bậc phụ huynh có cách tiếp cận phù hợp khi thảo luận và định hướng cho con cái. TikTok cũng đã làm việc với Tiến sĩ Graham và Tiến sĩ Brion-Meisels để cải thiện ngôn từ trong các nhãn cảnh báo hiển thị khi người dùng tìm kiếm các nội dung liên quan đến các thử thách và trò lừa bịp. Ngoài ra, người dùng cũng được khuyến khích truy cập Trung tâm An toàn để tìm hiểu thêm, và nếu người dùng tìm kiếm các từ khóa liên quan tới trò lừa bịp dẫn đến tự sát, chúng tôi cũng sẽ hiển thị các thông tin ngăn chặn đi kèm”, đại diện TikTok chia sẻ.
Thời gian qua, TikTok đã và đang trở thành một điểm đến lý tưởng, nơi hàng triệu người trên thế giới giải trí, sáng tạo, kết nối và tìm thấy niềm vui mỗi ngày. Từ các trào lưu với tính năng Duet và Stitch để quay cùng bạn bè và cắt ghép video đến những sáng kiến hoàn toàn mới lạ, cộng đồng TikTok luôn được biết đến với sự độc đáo và khác biệt. Để xây dựng một môi trường cởi mở, thân thiện và sáng tạo, TikTok luôn chú trọng đến yếu tố an toàn cho người dùng, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên. TikTok cam kết đồng hành cùng các bậc phụ huynh và người giám hộ trong hành trình hỗ trợ thanh thiếu niên về an toàn trên không gian mạng, đồng thời sẽ phối hợp và tham khảo ý kiến của các chuyên gia để đưa ra những giải pháp tối ưu nhất.