Không quân Nhật phải căng mình đối phó với kế 'dĩ dật đãi lao' của Trung Quốc
Trên CNN, Trung tá Takamichi Shirota – một phi công chiến đấu Nhật Bản, nói rằng Nhật đang chịu sức ép ngày càng tăng từ trên không khi đề cập đến Trung Quốc.
Hơn hai lần một ngày, các phi công Nhật Bản nghe thấy tiếng còi báo động và phải bật khỏi phòng, chạy đến máy bay và sẵn sàng xuất kích ngăn chặn một vụ đột nhập không xác định vào không phận Nhật Bản.
Lực lượng phòng vệ không quân Nhật Bản (JASDF) đã đối mặt với tình huống như vậy 947 lần trong một năm, dựa theo thống kê vào cuối tháng 3. Thủ phạm trong hầu hết các trường hợp đó là máy bay chiến đấu từ Không quân Trung Quốc (PLAAF).
Và Shirota cho biết số lượng các cuộc xâm nhập tiềm năng đang gia tăng: "Số lượng các lần xuất kích chống lại các vi phạm không phận đã gia tăng nhanh chóng trong thập kỷ qua - đặc biệt là ở khu vực không phận phía tây nam". "Khoảng 70% các cuộc xuất kích được thực hiện bởi SDF hàng năm là ở khu vực này."
Khu vực phía tây nam đó bao gồm Quần đảo Senkaku - được Trung Quốc gọi là Quần đảo Điếu Ngư - một nhóm đảo đá, không có người ở thuộc kiểm soát của chính quyền Nhật Bản nhưng Trung Quốc đơn phương tuyên bố là lãnh thổ của mình.
Khu vực tây nam cũng gồm cả Okinawa, nơi đặt căn cứ không quân Kadena của Không quân Mỹ, còn được ví là "Chìa khóa của Thái Bình Dương" và là cơ sở chính của Mỹ cho các chuyến bay qua vùng Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản hồi tháng 3 đã công bố bản đồ cho thấy các đường bay của máy bay Trung Quốc và Nga mà các phi công chiến đấu của Nhật Bản đã phải xuất kích ngăn chặn. Các đường bay của Trung Quốc được hiển thị màu đỏ. Mật độ của chúng đỏ rực ở biển Hoa Đông, một phần của Thái Bình Dương giữa Trung Quốc và các đảo phía nam của Nhật Bản.
Các chuyến bay của Trung Quốc không vi phạm luật pháp quốc tế. Trong số 675 lần máy bay chiến đấu của Nhật Bản xuất kích ngăn ngừa các máy bay Trung Quốc trong một năm qua, không có lần nào máy bay Trung Quốc bay trong giới hạn lãnh thổ 12 dặm được quốc tế công nhận, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Và ngay cả khi đó, Trung Quốc nói rằng sự hiện diện của các lực lượng trong chuỗi đảo Senkakus / Điếu Ngư nằm trong quyền chủ quyền của nước này.
"Đảo Điểu Ngư và các đảo liên quan là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc, Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của chúng tôi", người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên cho biết hồi tháng 6.
"Chuyến bay bình thường của máy bay quân sự Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế ,thông lệ quốc tế và không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Tuy nhiên, Nhật Bản cho biết các máy bay của Trung Quốc thường xâm nhập vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Nhật.
Shirota là chỉ huy của Phi đội tiêm kích chiến thuật JASDF 204 tại căn cứ không quân Naha ở Okinawa. Viên phi công 40 tuổi đã chỉ huy phi đội canh gác bầu trời 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm.
"Lực lượng phòng vệ không quân là đơn vị duy nhất có thể bảo vệ lãnh thổ và không phận của Nhật Bản", Shirota nói. “Và mặc dù không có sự cố nổ súng với máy bay Trung Quốc, nhưng đó luôn là một công việc căng thẳng”.
Nỗ lực của các phi công Nhật Bản là đáng chú ý khi so sánh khối lượng công việc của họ với các nước khác. Không có lực lượng không quân phương Tây nào có tần suất hoạt động sánh bằng Nhật Bản.
Các lực lượng không quân của 27 nước châu Âu là thành viên NATO có số lần xuất kích gộp lại cũng ít hơn một nửa so với không quân Nhật.
Trung tá Michael Wawrzyniak, giám đốc phụ trách truyền thông của Bộ Tư lệnh Không quân Đồng minh ở Đức cho biết: Trong khoảng thời gian 12 tháng năm 2019, các máy bay của NATO đã xuất kích khoảng 430 lần để đánh chặn hoặc nhận dạng trực quan các máy bay không xác định đã bay vào, áp sát hoặc hướng tới không phận NATO.
Đại úy Cameron Hillier, người phát ngôn của NORAD (Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Vũ trụ Bắc Mỹ) và Bộ Tư lệnh Miền Bắc Hoa Kỳ ở Colorado cho biết: Trên khắp Đại Tây Dương, các máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ và Canada dưới sự chỉ huy của NORAD, trung bình một năm chỉ có bảy lần đánh chặn máy bay Nga kể từ năm 2007. Thậm chí, một số năm, các máy bay chiến đấu của Mỹ và Canada đã không phải xuất kích ngăn chặn đối tượng nào..
Nhật Bản đã không được thư thái như vậy. Ngay cả năm nhàn nhất - năm 2009, Nhật Bản cũng phải xuất kích 200 lần.
Nhà phân tích Peter Layton, cựu phi công của Không quân Hoàng gia Úc, hiện tại thuộc Viện Griffith Châu Á, tin rằng áp lực mà Trung Quốc gây ra cho Nhật Bản bằng đường hàng không là một phần của kế hoạch lớn hơn.
Layton nói với CNN: "Tôi nghĩ rằng Trung Quốc muốn giữ cho JASDF mất cân bằng và hiệu quả, làm hao mòn máy bay và lao lực các phi công, đồng thời tạo cơ hội để huấn luyện cho phi công Trung Quốc và duy trì áp lực hàng ngày đối với những người sở hữu các hòn đảo đang tranh chấp".
Trong một bài bình luận năm ngoái, Layton đã nêu chi tiết về các chuyến bay của Trung Quốc kéo căng hoạt động của JASDF và Trung Quốc có các nguồn lực để đẩy Nhật Bản đến mức nào để không thể chịu đựng nổi.
"Phi đội của JASDF gồm khoảng 215 máy bay F-15J chịu gánh nặng của nhiệm vụ bảo vệ không phận. Kể từ năm 2016, JASDF thường phóng 4 máy bay cho mỗi lần xuất kích. Những cuộc xuất kích hàng ngày này đang dần khiến phi đội F-15J chạm ngưỡng “tới hạn”. Điều đáng lo ngại là Trung Quốc có số lượng máy bay chiến đấu gấp 6 lần so với JASDF, và có thể tăng cường xâm nhập bất cứ khi nào họ thấy thuận lợi. Nhịp sinh hoạt của phi đội F-15J giờ gần như do Trung Quốc điều khiển", Layton nói.
Layton nói với CNN rằng Tokyo dù mệt mỏi nhưng không thể lùi lại: "Người Nhật tin rằng họ cần phải phản ứng mọi lúc vì nếu làm khác đi thì có thể bị hiểu là ít thể hiện chủ quyền.
Một quan chức của Bộ Quốc phòng Nhật cho biết các máy bay chiến đấu nước này hiện ở tư thế xuất kích ngay khi các máy bay Trung Quốc cất cánh từ các căn cứ đại lục hướng tới phạm vi của Senkakus. Trước đây, Nhật còn ngồi đợi cho đến khi máy bay Trung Quốc hướng tới không phận Nhật Bản.
Trong Sách trắng Quốc phòng năm 2020 được xuất bản trong tháng 7, Tokyo đã ghi nhận áp lực của Bắc Kinh xung quanh Senkakus. "Trung Quốc đã tiếp tục không ngừng những nỗ lực đơn phương để thay đổi hiện trạng bằng cách gây áp lực ở khu vực biển xung quanh quần đảo Senkaku, dẫn đến vấn đề nghiêm trọng".
"Hải quân và Không quân Trung Quốc trong những năm gần đây đã mở rộng và tăng cường các hoạt động của họ ở các vùng biển và không phận xung quanh Nhật Bản", Sách Trắng của Nhật cho biết.
Tài liệu lưu ý những gì Nhật Bản đang làm để đáp ứng thách thức, lên kế hoạch với các máy bay chiến đấu mới, như F-3 tàng hình. Nhật Bản cũng đã bắt đầu nhận được máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Mỹ thiết kế, được coi là tốt hơn bất cứ thứ gì Trung Quốc có thể đưa ra vào lúc này.
Nhưng dây chuyền lắp ráp F-3 cần nhiều năm trong khi số lượng F-35 sẽ không đủ nhiều để có thể mang lại lợi thế lớn cho Nhật trước Trung Quốc. Vì vậy, gánh nặng vẫn sẽ đè xuống vai Shirota và các phi công đồng đội.
"Nhật Bản được bao quanh bởi biển. Vì vậy, cuộc xâm nhập luôn đến từ đại dương hoặc bầu trời. Nếu cuộc xâm nhập đến từ trên không, nó sẽ xảy ra rất nhanh", Shirota nói.
"Phòng không liên quan trực tiếp đến bảo vệ Nhật Bản, tính mạng và tài sản của người dân Nhật Bản. Tôi hết lòng phục vụ với tư cách là một sĩ quan Không quân phòng vệ với ý chí mạnh mẽ để bảo vệ Nhật Bản".
Anh Tú (theo CNN)