Không thể chủ quan

Chỉ còn một quý nữa là khép lại năm 2019 với không ít biến động. Những kết quả đạt được sau 9 tháng đã mang đến tín hiệu tốt về việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế quan trọng của năm. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng ước tăng 6,98%, là mức tăng cao nhất cùng giai đoạn 9 năm gần đây.

Tổng cục Thống kê nhận định, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 do Quốc hội đề ra từ 6,6% - 6,8% là khả thi. Trong lúc các nền kinh tế lớn có dấu hiệu suy giảm (dự báo kinh tế thế giới năm 2019 chỉ tăng trưởng 2,9% - thấp nhất 10 năm qua), thành tựu kinh tế của Việt Nam thực sự là điểm sáng với động lực tăng trưởng đến từ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; thương mại; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm...

Cùng với việc duy trì đà tăng trưởng cao, lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,5% - mức tăng thấp nhất cùng giai đoạn trong 3 năm gần đây.

Tuy nhiên, những kết quả thực hiện tích cực nêu trên chưa đồng nghĩa với 3 tháng tới, con đường hoàn thành mục tiêu của năm 2019 hoàn toàn bằng phẳng. Trong bối cảnh, kinh tế thế giới vẫn đang đối mặt với sự khó lường của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; bất ổn chính sách gia tăng trên toàn cầu; thương mại và đầu tư thế giới giảm...

Trong vòng xoáy ấy, Việt Nam đối phó và ứng biến ra sao?

Thực tế, nền kinh tế chúng ta vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư công vẫn đang là một trở ngại lớn khi có đến 50 bộ, ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công dưới 50% so với kế hoạch; cả nước vẫn đang tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh diễn ra từ đầu năm đến nay; tình trạng gian lận xuất xứ và những hàng rào kỹ thuật về thương mại đang tác động xấu đến xuất khẩu của Việt Nam...

Trong khi đó, khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài của nền kinh tế còn yếu; năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn nhiều hạn chế và nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ khiến tốc độ tăng GDP chững lại.

Mặt khác, doanh nghiệp tư nhân - động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - vẫn gặp nhiều trở ngại do khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam còn hoạt động phi chính thức và bán chính thức ở mức cao, hộ kinh doanh ngại chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Đề xuất đầu tiên từ giới nghiên cứu chính sách vẫn là cải cách táo bạo hơn để tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, giảm can thiệp của nhà nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang hướng dựa vào đổi mới sáng tạo. Vì vậy, phải thực thi phân quyền cho chính quyền địa phương một cách rõ ràng, không ôm đồm.

Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019, tạo đà phát triển những năm sau, các bộ ngành, địa phương cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2019; tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; không để mất cân đối cung cầu, gây tác động tăng CPI... Đồng thời, Chính phủ phải tạo sự liên kết giữa FDI và khu vực trong nước, cùng tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu để tạo ra giá trị gia tăng thực tế hơn.

Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng, xóa đói giảm nghèo hiệu quả, đổi mới thể chế nhiều tiến bộ, tham gia tích cực kinh tế toàn cầu..., nhưng để nước ta vươn lên, hiện thực hóa khát vọng trở nên thịnh vượng là thách thức không nhỏ, cần có những cải cách căn cơ, táo bạo và quyết liệt trong thực thi.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khong-the-chu-quan/