Không thể chủ quan với bệnh bạch hầu

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm. Dù đã có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh bạch hầu có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Sự bùng phát trở lại của bệnh bạch hầu với những ca bệnh rất nặng, trong đó có 3 người tử vong tại các tỉnh Tây Nguyên đã gióng lên sự cảnh báo không thể chủ quan với căn bệnh này.

Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh bạch hầu. Ảnh: Thu Nguyệt

Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh bạch hầu. Ảnh: Thu Nguyệt

Bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm dễ lây qua đường hô hấp; thường gặp ở trẻ nhỏ do không tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ. Từ tháng 6-2020 đến nay, dịch bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp tại một số khu vực địa bàn Tây Nguyên (bao gồm 4 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kom Tum). Tình hình dịch bệnh bạch hầu hiện nay có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước là quy mô xảy ra trên diện rộng (hiện đã xuất hiện tại 4 tỉnh Tây Nguyên), số trường hợp mắc tăng gấp 3 lần, xuất hiện nhiều nơi với nhiều nhóm tuổi và đã có trường hợp tử vong.

Theo báo cáo của Sở Y tế 4 tỉnh Tây Nguyên, tính đến ngày 17-7-2020, các địa phương này đã ghi nhận 114 ca mắc bệnh bạch hầu tại 34 xã thuộc 14 huyện. Đắk Lắk là tỉnh mới nhất ghi nhận ca mắc đầu tiên. Trong số các ca mắc bệnh bạch hầu, có 67 ca có biểu hiện lâm sàng và 37 ca người lành mang trùng bạch hầu. Ngoài ra, ghi nhận 3 trường hợp tử vong, trong đó, 2 ca tại Đắk Nông, 1 ca tại Gia Lai. Đây là những người sống ở vùng sâu, vùng xa và là những ca bệnh mới xuất hiện lần đầu tại địa bàn (16 năm không xuất hiện ca bệnh bạch hầu) và được phát hiện muộn.

Tiến sĩ Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, có tới 25/53 ca bệnh đầu tiên không có biểu hiện triệu chứng (người lành mang trùng, phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc). "Việc có tới gần 50% ca bệnh không có triệu chứng, chứng tỏ bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, nguy cơ lây bệnh từ người này sang người khác qua tiếp xúc là rõ ràng" – Ông Tấn nhận định. Trong số các trường hợp mắc bệnh, chủ yếu là người trên 7 tuổi (chiếm 85%). Đa số trường hợp mắc bệnh không được tiêm vắc xin phòng bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ có xác minh chỉ có 3 trường hợp/53 người (5,6%).

Các ca bệnh bạch hầu tại Tây Nguyên chủ yếu xảy ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, ở vùng lõm về tiêm chủng vắc xin Thực tế cho thấy, người dân ở vùng sâu, vùng xa chưa có nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của bệnh bạch hầu cũng như lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh. Do đó, điều quan trọng trong công tác phòng, chống dịch là các tỉnh Tây Nguyên đang bùng phát dịch phải làm tốt công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức, hành vi của người dân về phòng, chống dịch bệnh này.

Một điều đáng lo ngại là không chỉ Tây Nguyên, mới đây nhất, ngày 21-7, tỉnh Quảng Trị đã ghi nhận một trường hợp 9 tuổi tại xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh mắc bệnh bạch hầu không rõ nguồn lây. Trong gia đình và khu vực bệnh nhân sinh sống không có người mắc bệnh bạch hầu. Trong vòng 1 tháng trước khi khởi bệnh, bệnh nhi không rời khỏi địa phương. Hiện nay, ngành y tế và chính quyền huyện Vĩnh Linh đang triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu do bệnh nhi đã tiếp xúc với nhiều người, có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Đảm bảo tỉ lệ tiêm phòng đạt trên 90%

Trước mắt, để kiểm soát dịch bệnh bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên, Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt các biện pháp đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh như: Cử đội cơ động chống dịch xuống hỗ trợ địa phương tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp mắc bệnh, các trường hợp tiếp xúc với người bệnh, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc và điều trị dự phòng cho người dân trong khu vực có nguy cơ lây nhiễm

Theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, muốn ngăn chặn nhanh, giảm tử vong, việc phát hiện sớm, điều trị triệt để rất quan trọng. Theo đó, các địa phương cần thực hiện đúng phương châm phòng chống dịch: Phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, nhưng quan trọng nữa là phải điều trị sớm. Ngay khi phát hiện ra ca bệnh, ngay lập tức phải cho người trong địa bàn (thôn, xã) uống thuốc điều trị dự phòng, giúp ngăn ngừa được biến chứng, lây lan.

Theo các chuyên gia, một trong các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu hiệu quả nhất và căn cơ nhất, đó là tiêm vắc xin bạch hầu. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: "Việc thực hiện chiến dịch tiêm chủng trên quy mô rộng và cho tất cả người dân 4 tỉnh Tây Nguyên để ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu lây lan là vô cùng quan trọng nhằm tạo tiền đề vững chắc cho công tác phòng, chống dịch bệnh các năm tiếp theo".

Hiện nay, Bộ Y tế đã khởi động chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu trên quy mô lớn, trước hết tại 4 tỉnh Tây Nguyên có ca bệnh, sau đó là Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Hơn 10 triệu liều vắc xin đã được chuẩn bị để phục vụ tiêm chủng cho hơn 4,7 triệu người ở 4 tỉnh Tây Nguyên.

Chiến dịch đã triển khai tiêm chủng đồng loạt cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến 48 tháng tuổi và trẻ 7 tuổi tại tất cả các xã, phường trên toàn địa bàn Tây Nguyên ngay từ đầu tháng 7 đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt trên 90%. Đặc biệt, không để vùng trắng về tiêm chủng ở quy mô cụm dân cư trở lên. Đối với các nhóm tuổi từ 49 tháng tuổi đến 40 tuổi sẽ tổ chức thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (tháng 7 và 8-2020) sẽ tổ chức tiêm phòng cho người dân tại tất cả các huyện có ca bệnh bạch hầu của năm 2019 trở lại đây (tổng cộng 11 huyện, thị xã).

Triển khai đồng loạt, ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Giai đoạn 2 (tháng 9 đến tháng 11-2020), tổ chức tiêm phòng tại 19 huyện đã từng có ca bệnh bạch hầu từ năm 2013 đến nay và những huyện lân cận. Giai đoạn 3 (từ tháng 12-2020 đến tháng 2-2021), triển khai tại 20 huyện, thị xã còn lại. Nhóm trên 40 tuổi được tiêm phòng sau cùng, lồng ghép trong hoạt động tiêm chủng thường xuyên.

Ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết, các địa phương chỉ được công nhận triển khai thành công chiến dịch khi đạt được tỉ lệ tiêm chủng trên 90% đối tượng thuộc diện triển khai.

An Nhiên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khong-the-chu-quan-voi-benh-bach-hau-post431184.html