Không thể đấu nối vào Quốc lộ, đường làm xong vẫn 'nằm im'

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều tuyến đường được đầu tư, xây dựng nhưng chậm đưa vào khai thác do chưa thể đấu nối vào Quốc lộ 1A.

Đoạn đường thuộc Tỉnh lộ 7 nối từ Quốc lộ 1A đến đường Khúc Thừa Dụ (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) dù thi công hoàn thiện nhưng buộc phải rào chắn không thể đưa vào sử dụng. Ảnh: N.Q.

Đoạn đường thuộc Tỉnh lộ 7 nối từ Quốc lộ 1A đến đường Khúc Thừa Dụ (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) dù thi công hoàn thiện nhưng buộc phải rào chắn không thể đưa vào sử dụng. Ảnh: N.Q.

Dọc tuyến Quốc lộ 1A (QL1A) đoạn đi qua địa bàn thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế) không khó để bắt gặp một số tuyến đường ngang giao với QL1A bị rào chắn, người dân và phương tiện không thể lưu thông đi lại. Cụ thể, đoạn đường thuộc Tỉnh lộ 7 nối dài từ QL1A đến đường Khúc Thừa Dụ (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) dù thi công hoàn thiện trong thời gian dài, tuy nhiên tuyến đường này buộc phải rào chắn ở vị trí đấu nối vào Quốc lộ.

Tương tự, tại dự án đầu tư xây dựng nút giao thông đường 2/9 và QL1A (thị xã Hương Thủy) với mức đầu tư hơn 20,8 tỷ đồng hiện đang dang dở do chưa được cấp phép đấu nối. Hiện đơn vị thi công phải dùng tôn để rào chắn.

Theo UBND thị xã Hương Thủy, trên địa bàn có 6 điểm đường đấu nối vào QL1A xuống cấp, hư hỏng được đưa vào kế hoạch đầu tư nhằm đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, có 4 điểm đấu nối đang phải rào chắn, thi công dở dang do vướng quy định liên quan đến điều kiện để được cấp phép đấu nối vào Quốc lộ. Trong khi đó, theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế, toàn tỉnh hiện có 177 vị trí đấu nối còn lại chưa đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối, 206 vị trí không đáp ứng đủ quỹ đất để thiết kế, xây dựng làn chuyển tốc, làn dừng xe chờ rẽ trái. Trong đó có điểm đấu nối trên địa bàn thị xã Hương Thủy.

Cụ thể, theo Thông tư 39/2021/TT-BGTVT quy định yêu cầu đấu nối vào Quốc lộ phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 điểm đấu nối và có đủ quỹ đất để thiết kế, xây dựng làn chuyển tốc độ, làn dừng xe chờ rẽ trái. Trong khi đó, nhằm góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, địa phương đầu tư xây dựng Tỉnh lộ 7 nối dài đến đường Khúc Thừa Dụ.

Về điểm đấu nối với QL1A, ông Trương Văn Công - Chủ tịch phường Thủy Phương cho biết, UBND thị xã đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng để xin đấu nối tuyến đường này vào tuyến QL1A nhưng đến nay do vướng mắc về quy định nên vẫn chưa được phép đấu nối.

Tại huyện Phú Lộc, tuyến đường vành đai phía đông xã Lộc Sơn dài 1,5km với kinh phí 43 tỷ đồng hoàn thành xây dựng đầu năm 2023 đến nay vẫn bị rào ở đầu tuyến tiếp giáp vị trí Km 850+100 thuộc QL1. Chủ đầu tư đã có tờ trình xin đấu nối nhưng chưa được giải quyết.

Ông Nguyễn Văn Hiệp - Giám đốc Ban Quản lý dự án khu vực huyện Phú Lộc cho biết, theo quy định phải xây dựng đường gom ở 2 đầu tuyến đường này, tuy nhiên việc này sẽ cần phải giải phóng mặt bằng, di dời khoảng 4 hộ dân. Mặc dù, phải theo quy định, nhưng cũng cần xem xét lại tính hiệu quả khi triển khai phương án làm đường gom để đấu nối.

Được biết, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định về việc phê duyệt các điểm đấu nối đường ngang vào tuyến quốc lộ và đường Hồ Chí Minh giai đoạn đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Trong đó, QL1A có 248 vị trí, Quốc lộ 49 có 61 vị trí, đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) có 47 vị trí và Quốc lộ 49B có 69 vị trí.

Ngoài ra, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có công văn gửi Cục Đường bộ Việt Nam xin ý kiến về những vị trí đấu nối nhằm có phương án tháo gỡ để các dự án tiếp tục được hoàn thiện, phục vụ việc đi lại của người dân.

NGUYỄN QUỐC

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khong-the-dau-noi-vao-quoc-lo-duong-lam-xong-van-nam-im-10291634.html