Không tố giác tội phạm có thể bị phạt tù đến 5 năm
Việc tố giác tội phạm là hết sức quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự từ giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử góp phần giải quyết vụ án bảo đảm tính khách quan, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Hỏi:
Em với 1 người bạn cùng quê mướn phòng để trọ học tại Quận 3. Gần đây, em phát hiện bạn em mua ma túy về phòng phân nhỏ rồi bán. Em có khuyên bạn ấy đừng làm thế nhiều lần nhưng bạn ấy không nghe. Mới đây, trong lúc em đi học, Công an vào khám xét phát hiện nhiều ma túy trong phòng rồi bắt bạn ấy đi. Vậy em tôi có bị kết án là không tố giác tội phạm không? Và nếu có thì bị xử lý thế nào?
(Minh Ngọc, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh)
Trả lời:
Theo quy định pháp luật hình sự, tố giác tội phạm được xem xét như một nghĩa vụ bắt buộc của công dân phát sinh nhằm mục đích phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống tội phạm. Người biết được hành vi phạm tội của người khác nhưng không tố giác họ với cơ quan có thẩm quyền thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự.
Theo đó, không tố giác tội phạm, được hiểu là hành vi không báo cho cơ quan có thẩm quyền về một trong các tội phạm được Bộ luật Hình sự quy định mà mình biết rõ là đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện.
Điều 19 “Không tố giác tội phạm” của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định như sau:
“1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
…”.
Qua đó, với trường hợp trên, em có thể đã vi phạm Tội không tố giác tội phạm được quy định tại Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:
“Điều 390. Tội không tố giác tội phạm
1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.”
Tại Điểm e Khoản 1 Điều 389 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định có liệt kê Điều 251 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017).
“Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy
1. Người nào mua bán trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
…”
Như vậy, về chế tài hình sự, em có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Do đó, mỗi công dân chúng ta nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật cần thông báo và hợp tác với lực lượng chức năng. Trong trường hợp nghi phạm là người thân hãy thuyết phục họ ra đầu thú, tự thú để vừa được hưởng sự khoan hồng của pháp luật mà bản thân cũng không bị vướng vào vòng lao lý.