Khu công nghiệp thiếu điện vì không thể đưa trạm biến áp vào hoạt động
Chỉ vì không thể kéo dây đấu nối vào trạm biến áp 110 kV phục vụ riêng cho khu công nghiệp (KCN) đã được đầu tư trong suốt hơn 5 năm qua mà hàng chục doanh nghiệp ở KCN Giang Điền, tỉnh Đồng Nai đã và đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện phục vụ mở rộng sản xuất.
NDĐT - Chỉ vì không thể kéo dây đấu nối vào trạm biến áp 110 kV phục vụ riêng cho khu công nghiệp (KCN) đã được đầu tư trong suốt hơn 5 năm qua mà hàng chục doanh nghiệp ở KCN Giang Điền, tỉnh Đồng Nai đã và đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện phục vụ mở rộng sản xuất.
Sau khi đầu tư nhà máy ở KCN Giang Điền năm 2017, Công ty Cao-su Kenda Việt Nam thuộc Tập đoàn Kenda, chuyên sản xuất lốp xe ô-tô xuất khẩu đã liên tục mở rộng nhà xưởng nên nhu cầu sử dụng điện cũng tăng cao. Hiện, doanh nghiệp này đang sử dụng điện với công suất 15 MW và dự kiến tháng 4-2020, sẽ tăng công suất lên gấp đôi, đáp ứng việc mở rộng nhà xưởng. Ông Zhang Wei Sheng, Trưởng phòng Bộ công vụ, Công ty Cao-su Kenda Việt Nam cho biết, qua làm việc với đơn vị cung cấp điện, doanh nghiệp rất lo lắng khi được biết nhu cầu của mình khó có thể được đáp ứng được.
“Chúng tôi dự kiến tăng gấp đôi công suất sử dụng điện nhưng ngành điện cho biết, hiện cả ba tuyến đường dây 22 kV phục vụ điện cho KCN Giang Điền đã quá tải, không thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp đang rất lo lắng vì nhà xưởng, máy móc mới chúng tôi đã đầu tư”, ông Zhang Wei Sheng cho biết.
Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Great Kingdom, Lương Ngọc Hồi cho biết, để phục vụ di dời nhà máy ở KCN Biên Hòa 1, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 90 triệu USD xây dựng nhà máy rộng hơn 31 ha ở KCN Giang Điền. Tổng công suất tiêu thụ điện thiết kế của toàn bộ công ty là 22 MW. Tháng 3-2020 sẽ đi vào hoạt động nhà xưởng đầu tiên.
“Khi làm việc với đơn vị cung cấp điện, được biết tình hình cung cấp điện cho doanh nghiệp trong KCN Giang Điền hiện nay đều đã quá tải. Điều này khiến chúng tôi đang rất lo lắng khi tới đây, đưa toàn bộ ba khu sản xuất vào hoạt động sẽ thiếu điện trầm trọng”, ông Lương Ngọc Hồi nói khi chỉ tay về phía khu A của nhà máy đang hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào hoạt động.
Với vị trí được xem đắc địa nhất ở Đồng Nai nên từ khi đi vào hoạt động, năm 2011, KCN Giang Điền có quy mô 529 ha đã nhanh chóng thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư nhà máy và liên tục mở rộng quy mô sản xuất, kéo theo nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng. Đến nay, KCN Giang Điền đã thu hút 45 doanh nghiệp đầu tư với tổng công suất sử dụng điện là 94.590 kVA. Trong khi đó, công trình trạm biến áp 110kV Giang Điền để phục vụ cung cấp điện riêng cho KCN đã lắp đặt xong 5 năm nay, nhưng hiện vẫn chưa thể kéo dây đấu nối do vướng mặt bằng từ các trụ.
Điều này, buộc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai phải tạm thời sử dụng ba đường dây 22kV cung cấp nhu cầu sử dụng điện cho các doanh nghiệp trong KCN Giang Điền.
“Cả ba đường dây 22kV đang cung cấp điện cho KCN Giang Điền đều không phải là đường dây chuyên dùng cung cấp điện công nghiệp. Đến thời điểm này, cả ba đường dây đều quá tải, không thể chịu tải thêm được nữa. Do đó, việc sớm đưa công trình trạm biến áp 110KV Giang Điền vào vận hành là việc hết sức cấp thiết để có thể bảo đảm cung cấp điện ổn định liên tục cho các doanh nghiệp trong KCN thời gian tới”, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV điện lực Đồng Nai, ông Hồ Minh Quang cho biết.
Theo tìm hiểu, công trình trạm biến áp 110kV Giang Điền công suất 80 MVA và 9,4 km đường dây đấu nối phục vụ nhu cầu sử dụng điện cho KCN Giang Điền do Ban Quản lý Dự án Tổng công ty điện lực Miền Nam làm chủ đầu tư, với tổng vốn hơn 94 tỷ đồng, trong đó 70% vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB). Được khởi công tháng 2-2016, dự kiến hoàn thành sau 7 tháng thi công, nhưng đến thời điểm này, đã hơn 5 năm vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Do chậm tiến độ, WB đã khóa hiệp định vào tháng 6-2018, buộc Tổng công ty điện lực Miền Nam sử dụng nguồn vốn đầu tư khác bố trí cho dự án này.
Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Tổng công ty điện lực Miền Nam, ông Viên Đức Thuận cho biết, đến thời điểm hiện tại toàn bộ công trình còn vướng ở sáu vị trí không thể dựng trụ và 25 hộ dân không đồng ý để kéo dây đi qua phần đất nên không thể đưa trạm biến áp vào vận hành.
“Đối với những trường hợp này, trên cơ sở kết luận của UBND tỉnh Đồng Nai, chúng tôi mong UBND huyện Trảng Bom và thành phố Biên Hòa tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vận động người dân nhận tiền đề bù, bàn giao mặt bằng để đơn vị có thể thi công phần còn lại của công trình”, ông Viên Đức Thuận cho hay.
Việc chậm đưa công trình trạm biến áp 110kV Giang Điền và đường dây đấu nối vào hoạt động không chỉ gây thiệt hại cho ngành điện mà quan trọng hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng việc cung cấp điện phục vụ mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp trong KCN Giang Điền. Do đó, đề nghị lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và huyện Trảng Bom, thành phố Biên Hòa cần có giải pháp quyết liệt hơn trong chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng ở những vị trí còn lại của công trình.