Khu công nghiệp ven đường duyên hải hình thành và đột phá mới cho vùng biển Hậu Lộc

Với vị trí chiến lược quan trọng, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua huyện Hậu Lộc khi hoàn thành kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy, đưa Hậu Lộc chuyển mình mạnh mẽ để bắt đầu đường đua phát triển cùng các địa phương trong tỉnh.

Hậu Lộc là huyện đồng bằng ven biển, cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng hơn 20 km về phía đông bắc, bao gồm 1 thị trấn và 22 xã. Nhằm thực hiện thành công khâu đột phá về “Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đồng bộ”, huyện Hậu Lộc đã ban hành kế hoạch hành động về phát triển kết cấu hạ tầng huyện Hậu Lộc, giai đoạn 2021-2025.

Theo kế hoạch, huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chung xây dựng xã trên cơ sở định hướng quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2040, định hướng đến năm 2070 đã được phê duyệt, trong đó tập trung quy hoạch các đường giao thông kết nối với mạng lưới đường trong quy hoạch vùng huyện. Xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện các dự án giao thông trọng điểm tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, mang tính kết nối vùng trong huyện, vùng tỉnh với mục tiêu đến năm 2025, diện tích đất dành cho giao thông đạt khoảng 15-16%.

Trong đó, xây dựng các tuyến đường có quy mô từ 2-4 làn xe; xây dựng các tuyến đường trục chính theo quy hoạch chung các đô thị, quy hoạch chung xây dựng xã với tổng chiều dài khoảng 75 km. Cải tạo nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện theo quy hoạch, phấn đấu đến năm 2022 hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới gồm các tuyến: đường Mỹ - Đồng, đường Thịnh - Hòa, đường Văn - Cầu, đường Tân - Phong, đường tỉnh lộ 526 (đoạn qua đô thị Diêm Phố)... với tổng chiều dài khoảng 40,4 km. Cải tạo, nâng cấp các tuyến trục xã, thôn. Điều này hứa hẹn sẽ tạo 1 lực đẩy mới cho huyện Hậu Lộc nói chung và các xã ven biển huyện Hậu Lộc nói riêng.

Đáng chú ý, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh duyên hải và vùng Bắc Trung Bộ, tháng 12-2021 tại xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, Sở Giao thông - Vận tải Thanh Hóa đã tổ chức Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa.Tuyến đường bộ ven biển, đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa có tổng mức đầu tư 2.242 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để thi công 23,723 km đường đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, mặt đường rộng 50m, cùng 4 cầu trên tuyến. Dự án kỳ vọng sẽ nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh lân cận, kết nối với mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống đường giao thông quốc gia, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh duyên hải. Đồng thời tương tác, kết nối, thúc đẩy Thanh Hóa phát triển, sớm trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, hợp thành tứ giác kinh tế phía bắc Tổ quốc.

Tuyến đường bộ ven biển.

Trong 22 xã của Hậu Lộc phải kể đến 5 xã ven biển như: Đa Lộc, Hưng Lộc, Ngư Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc, trong đó đáng chú ý phải kể đến xã Đa Lộc. Xã Đa Lộc có tổng số diện tích là 12,07 km. Là xã ven biển nằm ở phía đông của huyện Hậu Lộc, thuộc hữu ngạn sông Lèn và phía nam giáp Vịnh Bắc Bộ, xã Đa Lộc với 85ha nằm trong quy hoạch đô thị Diêm Phố (có tổng diện tích 450ha) với hướng phát triển xoay quanh 2 trục chính là tuyến đường bộ ven biển đi qua và tuyến đường Đông - Tây hướng từ biển đi xã Hoa Lộc, đang được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đánh giá là vùng đất mở tiềm năng của huyện. Bởi, trước khi tuyến đường bộ ven biển chưa được khởi công xây dựng, từ đây xã Đa Lộc qua biển Hải Tiến ước tính khoảng 33-35km. Tuy vây, khi tuyến đường duyên hải hoàn thành và đưa vào sử dụng thì quãng đường chỉ ước tính khoảng 5km. Đây là 1 trong các nhân tố để các nhà đầu tư quan tâm đến việc đầu tư vào xã Đa Lộc.

Nhận thức được lợi thế, tầm quan trọng của vùng ven biển, xã Đa Lộc cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, trong đó đặt trọng tâm là phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, phát triển doanh nghiệp. Đến nay, theo thống kê sơ bộ, toàn xã đã có hơn 20 doanh nghiệp đang đầu tư trên địa bàn và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương có thu nhập ổn định. Cùng với việc chủ động kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn sản xuất kinh doanh, xã cũng dành thời gian đưa doanh nghiệp đi khảo sát địa điểm, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và cam kết đồng hành với họ suốt quá trình đầu tư.

Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư như tư vấn chính sách của xã, giải quyết kịp thời hồ sơ, thủ tục theo thẩm quyền, hỗ trợ doanh nghiệp thu hút lao động, cùng doanh nghiệp giải quyết vướng mắc trong quá trình đầu tư... Hiện nay, trên địa bàn xã đã hình thành một số cụm, khu công nghiệp tập trung điển hình như khu công nghiệp Đa Lộc với tổng diện tích 256 ha; cụm công nghiệp 52 ha... kỳ vọng tạo đột phá trong phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ; khai thác toàn diện tiềm năng, thế mạnh kinh tế vùng ven biển của địa phương...

Với quyết tâm và các giải pháp đồng bộ, huyện Hậu Lộc nói chung, xã Đa Lộc nói riêng đã và đang nỗ lực đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm, trong đó xác định phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, Nhân dân trong huyện về ý nghĩa, tầm quan trọng của hệ thống kết cấu hạ tầng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xúc tiến, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Bố trí vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước theo hướng tập trung. Đồng thời, tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, về đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cũng như nâng cao khả năng xúc tiến, thu hút đầu tư vào huyện.

Lê Phượng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/khu-cong-nghiep-ven-duong-duyen-hai-hinh-thanh-va-dot-pha-moi-cho-vung-bien-hau-loc/155123.htm