Khu đô thị Thanh Hà mất nước: Chủ hàng quán cầm cự chờ nước về

Sau nhiều ngày mất nước liên tục, nhiều cửa hàng kinh doanh phải dừng hoạt động, số còn lại phải xin, mua nước đóng bình để cầm cự qua ngày.

 Nhiều hàng quán tại Khu đô thị Thanh Hà phải đóng cửa vì mất nước và nguồn nước ô nhiễm

Nhiều hàng quán tại Khu đô thị Thanh Hà phải đóng cửa vì mất nước và nguồn nước ô nhiễm

Hàng quán đìu hiu

Đến thời điểm hiện tại, Khu đô thị Thanh Hà (Thanh Oai, Hà Nội) đã trải qua hơn 10 ngày mất nước khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Đặc biệt, việc mất nước dài ngày khiến các hộ kinh doanh tại đây bị ảnh hưởng, lượng khách giảm sút, có cửa hàng phải tạm đóng cửa.

Băng rôn "Cư dân Thanh Hà cần nước sạch" phủ kín ban công tác căn hộ tại Khu đô thị Thanh Hà

Băng rôn "Cư dân Thanh Hà cần nước sạch" phủ kín ban công tác căn hộ tại Khu đô thị Thanh Hà

Chị Đàm Thị Thảo (42 tuổi), chủ một quán ăn có địa chỉ tại tòa HH01A Khu đô thị Thanh Hà ngán ngẩm cho biết, sau hơn 5 năm sinh sống tại khu đô thị nhưng đây là lần đầu tiên chị gặp phải tình trạng mất nước dài ngày như vậy. Chị Thảo chia sẻ, việc mất nước không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của gia đình chị mà việc kinh doanh cũng bị đình trệ.

"Nhà tôi kinh doanh ở đây cũng lâu năm rồi nên có nhiều khách quen, việc kinh doanh cũng khá ổn định. Tuy nhiên, từ khi mất nước đến thời điểm hiện tại, việc kinh doanh bị đình trệ. Hơn nữa, do thông tin nguồn nước tại Thanh Hà không sạch nên nhiều người cũng dè chừng khi vào hàng quán ăn", chị Thảo cho biết.

Quán ăn của gia đình chị Thảo thưa vắng khách vì mất nước.

Quán ăn của gia đình chị Thảo thưa vắng khách vì mất nước.

Để duy trì việc kinh doanh, chị Thảo phải mua nước bình (loại 20 lít) để nấu ăn và tráng lại rau, thực phẩm sau khi đã rửa qua bằng nguồn nước hiện đang được cấp. Sở dĩ có chuyện như vậy bởi theo chị Thảo, nguồn nước cấp cho cư dân sinh sống tại Khu đô thị Thanh Hà bị nhiễm khuẩn khá nặng nên sau khi rửa thực phẩm, chị buộc phải tráng lại bằng nước đóng bình để đảm bảo sức khỏe cho khách hàng.

"Nhà tôi mỗi lần mua 20 bình với giá 15.000 đồng/bình nhưng cũng chỉ dùng được một vài ngày. Lượng khách sụt giảm, cộng thêm chi phí phải bỏ ra để mua nước khiến việc kinh doanh của gia đình đi xuống rõ rệt. Bản thân tôi cũng như hàng chục nghìn người dân đang sinh sống tại Thanh Hà mong muốn cơ quan chức năng cung cấp cho chúng tôi một nguồn nước sạch thực sự", chị Thảo chia sẻ.

Cũng rơi vào tình trạng kinh doanh khốn khó vì mất nước và nguồn nước ô nhiễm, anh Nguyễn Duy Đáng (35 tuổi, chủ quán vịt Vân Đình) lắc đầu ngao ngán khi được hỏi về việc kinh doanh. Theo anh Đáng, kể từ thời điểm Khu đô thị Thanh Hà mất nước đến nay, lượng khách của cửa hàng anh đã giảm quá nửa dẫn đến việc kinh doanh không mấy khả quan.

Anh Đáng hy vọng tình trạng mất nước sớm được giải quyết để gia đình anh yên tâm kinh doanh và cuộc sống của người dân tại Khu đô thị Thanh Hà bớt vất vả.

Anh Đáng hy vọng tình trạng mất nước sớm được giải quyết để gia đình anh yên tâm kinh doanh và cuộc sống của người dân tại Khu đô thị Thanh Hà bớt vất vả.

"Quán tôi mở cũng được một thời gian, lượng khách quen nhiều. Tuy nhiên, từ khi bị mất nước, người dân lúc nào cũng chỉ quan tâm đến việc lấy nước chứ còn ai nghĩ đến chuyện ăn uống. Mỗi tháng tôi thuê ki ốt ở đây 5 triệu đồng, mở quán ra không kinh doanh thì không được nên dù khó khăn tôi cũng vẫn phải duy trì. Chỉ mong tình trạng mất nước này sẽ sớm được giải quyết", anh Đáng chia sẻ.

Người chủ quán ăn cũng cho biết thêm, để phục vụ cho việc nấu nướng, buộc lòng anh phải chi thêm kinh phí để mua nước bình về sử dụng hoặc di chuyển vào trong làng để xin nước. Tuy nhiên, theo anh Đáng, đây chỉ là giải pháp tạm thời chứ nếu về lâu dài quán ăn của anh cũng không cầm cự được.

Quán mở được 1 tháng thì mất nước hơn 10 ngày

Trong số những chủ quán ăn tại Khu đô thị Thanh Hà, bà Lê Thị Thảo (47 tuổi) có lẽ là trường hợp trớ trêu nhất. Bà Thảo cũng người em góp vốn để mở quán bún chả tại tòa HH01A Khu đô thị Thanh Hà. Đồ ăn ngon, vệ sinh sạch sẽ, giá cả hợp lý nên dù mới mở, quán ăn của bà Thảo có khá đông khách tìm đến.

Tuy nhiên, khi mới hoạt động được hơn 15 ngày thì xảy ra tình trạng mất nước. Để duy trì việc kinh doanh, bà Thảo phải nhờ người thân dùng xe ô tô bán tải di chuyển vào làng để lấy nước. Những khi bất đắc dĩ, bà cũng phải gọi thêm nước đóng bình để nấu nướng đồ cho khách.

Quán ăn mới mở của gia đình chị em bà Thảo đang phải vật lộn với tình trạng mất nước tại Khu đô thị Thanh Hà.

Quán ăn mới mở của gia đình chị em bà Thảo đang phải vật lộn với tình trạng mất nước tại Khu đô thị Thanh Hà.

Cũng giống như nhiều hàng quán khác, quán bún chả của bà Thảo cũng thưa vắng khách thấy rõ kể từ khi khu đô thị mất nước và nguồn nước không đảm bảo. Vẻ mặt ái ngại, bà Thảo cho biết quán ăn của bà là kinh doanh nhỏ do ít vốn nên nếu tình trạng mất nước kéo dài, bà phải tính đến phương án trả lại mặt bằng dù đã đổ bao nhiêu tâm huyết mở quán.

"Do là hộ kinh doanh nên tiền nước, tiền điện đã cao hơn các hộ dân khác, giờ lại phải bỏ thêm kinh phí để mua nước thì chúng tôi không trụ được. Tôi cũng chỉ mong sao cơ quan chức năng sớm cho Thanh Hà một nguồn nước sạch đảm bảo để cuộc sống của người dân không bị ảnh hưởng", bà Thảo chia sẻ.

Người dân sinh sống tại Khu đô thị Thanh Hà vẫn phải gánh từng gánh nước để dùng qua ngày.

Người dân sinh sống tại Khu đô thị Thanh Hà vẫn phải gánh từng gánh nước để dùng qua ngày.

Ghi nhận của PV Báo Phụ nữ Việt Nam tại nhiều tòa nhà tại Khu đô thị Thanh Hà, tình trạng quán ăn đóng cửa, thưa vắng khách rất dễ nhận ra. Trong khi đó, những hàng quán sử dụng nhiều nước như cắt tóc, gội đầu có nhiều quán đã phải đóng cửa do mất nước.

Nguyễn Tuấn Khang

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/khu-do-thi-thanh-ha-mat-nuoc-chu-hang-quan-cam-cu-cho-nuoc-ve-20231026230440129.htm