'Khúc giao mùa' mang hương vị mùa thu tới người xem
Với 9 tác giả, triển lãm 'Khúc giao mùa' của nhóm họa sĩ Đan tay được xem là một bước trưởng thành với từng nghệ sĩ. Mỗi tác giả đã cố gắng tìm tòi sự mới mẻ cho mình, góp phần làm nên một triển lãm đậm đà hương sắc, đượm vị thu ngọt ngào.
Đầu tiên là Nguyễn Minh Chính, một tác giả khá hoạt trong chất liệu sơn dầu, đã mở ra một không gian rộng mở. Từ một con suối tới cánh đồng rộng, từ thiên đường mây trước mặt tới vũ trụ thu cả vào lòng.
Tiếp theo là Ngô Bá Công, một tác giả khá vững vàng trong kỹ thuật sơn mài cũng như sử dụng ngôn ngữ tạo hình thể hiện trong các tác phẩm. Trong triển lãm này, chỉ cần xem một tác phẩm "Hạ Long" của anh, là đã đủ thấy sự khẳng định về một tác giả có những tố chất kinh điển trong sáng tạo của mình.
Một tác giả khác cũng thể hiện chất liệu sơn dầu, là Đỗ Dũng. Ngôn ngữ tạo hình mang đậm chất nhà giáo. Sự yêu đời, yêu người của Đỗ Dũng rất đáng yêu và đáng được xem như tranh của tác giả vậy.
Tác giả trẻ nhất là Nguyễn Tiến Dũng, cũng là người vẽ sơn dầu mang tính nhất mực. Trẻ và già trong tranh của tác giả luôn đan xen nhau, đôi khi rất khó nhận ra. Nguyễn Tiến Dũng là người có suy tư, có khát vọng, có hoài cổ, như một người có thân tâm hai mùa mưa nắng.
Tác giả Nguyễn Lương Huyên, tuy là người cao tuổi nhất, nhưng sức trẻ trong sáng tạo lại không hề giảm đi theo thời gian. Nhìn tranh vẽ trên vóc mà đoán người thì chỉ thấy sự chín chắn, từng trải, có chiêm nghiệm, chắt lọc, chứ không thấy hết được một Nguyễn Lương Huyên khác khi vẽ trên toan.
Tác giả Hà Huy Hiệp lần này có lẽ là lần đầu tiên thể hiện đúng chuyên nghành điêu khắc của mình. Gốm vốn là chất liệu quen thuộc với hầu hết người làm điêu khắc, vì nó là chất liệu làm xong là xong. Nhưng tượng của Hà Huy Hiệp lại không hề có tính gốm đó. Tác giả chỉ mượn gốm là phương tiện để thể hiện mà không quan tâm đến chất liệu đó có thuộc về mình hay không. Lấy giới nữ là đối tượng chính, nên ngôn ngữ của tác giả có tính phồn thực cao.
Tác giả Nguyễn Minh Hải luôn tỉnh trong chất liệu và luôn say trong đề tài. Sâu kín trong tranh, phải biết rõ tác giả ta mới thấy thêm Nguyễn Minh Hải còn có cả tỉnh trong đời và say trong đạo nữa. Vậy nên, tác giả biết lấy cái không hoàn thiện để làm cái hoàn thiện trong sáng tác mà vẫn rất an lành.
Một tác giả khác, lấy cả phong cảnh và giới nữ làm đề tài chính là Dương Ngọc Thăng. Đề tài nào, tác giả cũng sử dụng bút pháp mạnh mẽ, hoạt bát, y như người trong tranh là chủ nhà trong tranh vậy. Cái đẹp của Dương Ngọc Thăng khẳng định, luôn chứa đựng năng lượng nội tâm dồi dào, chứ không nuột nà hời hợt. Hình như với tác giả này, không có phân ngôi xấu, đẹp, mà tất cả cùng song hành bù đắp cho nhau.
Tác giả cuối cùng của nhóm Đan tay là nữ tác giả Vân Mây ( Nguyễn Thị Vân). Sự đằm thắm con người biểu lộ trên chất liệu sơn mài, có lẽ là biểu hiện đặc trưng nhất trong tranh của Vân Mây. Tình cảm làm mềm lý trí cũng là đặc tính trong tranh của Vân Mây. Người hướng nội sẽ cảm nhận được tranh của Vân Mây sự viên mãn, đủ đầy.
Triển lãm "Khúc giao mùa" sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 8/11 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.
Một số tác phẩm tại triển lãm:
\
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/khuc-giao-mua-mang-huong-vi-mua-thu-toi-nguoi-xem-post594096.antd