Khúc hoan ca dưới đỉnh núi Cù Thàng

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: 'Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân'. Trong công tác xây dựng Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Người luôn coi trọng và kiên định 'lấy dân làm gốc', bởi 'Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong'. Chính vì vậy, muốn xây dựng, bảo vệ Đảng tốt, theo Bác phải bảo vệ được nhân dân, làm cho dân có cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc và phát triển. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu, nhiều năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền xã Tà Mung (huyện Than Uyên) luôn quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn. Để hôm nay, dưới đỉnh núi Cù Thàng, đồng bào hân hoan hát vang khúc ca ơn Đảng, ơn Bác Hồ, cán bộ đã cho bà con một cuộc sống ấm no.

Từ trung tâm huyện Than Uyên, chúng tôi vượt qua những cung đường uốn lượn với dốc cao đến với Tà Mung. Nơi đây có 11 bản, hơn 780 hộ dân, trên 4.700 nhân khẩu; 2 dân tộc Thái, Mông cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm 51%, họ sống chủ yếu ở các bản cao, dưới chân núi Nậm Mở, gồm: Tu San, Đán Tọ, Nậm Mở, Nậm Pắt, Hô Ta.

Gặp gỡ già làng, trưởng bản, người có uy tín ở các bản người Mông, chúng tôi được nghe kể về những đêm đen nghèo đói của bà con nơi đây. Trong ký ức của đảng viên Lý A Gia - người đã có gần 40 năm làm cán bộ bản, từ trưởng bản, bí thư chi bộ và nay là người có uy tín, cuộc sống ngày xưa đói lắm, cơm “không đủ ăn, quần áo không đủ mặc”; tài sản quý giá nhất là những con người sống trong ngôi nhà gỗ xiêu vẹo với vài món đồ dùng cũ kỹ; nhà khá hơn có con trâu, con lợn; nhà nghèo thì “vườn không nhà trống”, ăn mèn mén thay cơm.

Cái nghèo đói ấy đeo bám người dân suốt thời gian dài, xuất phát từ trình độ nhận thức còn hạn chế, kèm theo đó là những quan niệm hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; sinh con thứ 3...

Chính vì quan niệm lạc hậu, hủ tục đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân các bản đồng bào Mông sinh sống mà có những thời điểm 100% số hộ trong bản đều thuộc hộ nghèo; trên 70% bà con không biết chữ. Tỷ lệ sinh con thứ 3 đông, học sinh bỏ học giữa chừng như cơm bữa.

Chúng tôi vẫn còn nhớ như in câu chuyện đi vận động học sinh ra lớp vào đầu tháng 9/2017. Vượt qua quãng đường dài, đất đá lởm chởm, chúng tôi và cán bộ xã cũng đến được với gia đình của một nữ học sinh lớp 8, em được thầy cô nhận xét là cô học trò chăm ngoan học giỏi, mầm xanh hy vọng của vùng cao Tà Mung. Gia đình em thuộc hộ nghèo, bố mẹ lại sinh nhiều con, cuộc sống quanh năm cơ cực, lo từng bữa ăn. Vì vậy, khi các thầy cô, cán bộ xã xuống tuyên truyền, vận động em đi học trở lại, chúng tôi nhận lại kết quả “em không đi học, ở nhà giúp bố mẹ rồi lấy chồng”. Mẹ em khi đó, chỉ đáp lại một câu bằng tiếng đồng bào, đại ý rằng “con gái biết cái chữ là được, còn đâu lo đi kiếm tiền và lấy chồng, sinh con”.

Rồi anh Sùng A Sa - Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ cho chúng tôi nhiều câu chuyện buồn hơn khi đi vận động học sinh đến trường; nhất là với học sinh cấp 2. Có em chạy trốn khỏi nhà khi thấy thầy giáo, cán bộ đến; có em dọa cho tay vào bánh xe của thầy; em thì dọa ăn lá ngón tự tử... Đau lòng và bất lực hơn, đó chính là thái độ của nhiều phụ huynh còn thờ ơ với tương lai của các con.

Nghĩ thật buồn, xót xa thay cho hoàn cảnh của những thiếu nữ, chàng trai mới 12 đến 15 tuổi đã phải gác lại ước mơ học tập để “làm cha, làm mẹ”. Và từ đây, một vòng đói nghèo lại bắt đầu luẩn quẩn, quấn lấy những gia đình nhỏ chưa đủ chín chắn, trưởng thành. Họ cùng sống trong ngôi nhà tồi tàn, nhiều thế hệ, giường không đủ chỗ ngủ; mưu sinh bằng việc cấy lúa, trồng ngô, đi làm thuê bữa được bữa không “đủ ăn đã là may lắm rồi”.

Cái đói, cái nghèo, hủ tục lạc hậu, sự nhẹ dạ, cả tin của đồng bào Mông nơi đây chính là cơ hội để kẻ xấu lợi dụng, kích động tuyên truyền đạo trái pháp luật, thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Để phá tan âm mưu của kẻ xấu, bảo vệ Đảng, Nhà nước, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bà con đồng bào dân tộc Mông, dưới sự quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Than Uyên, cấp ủy, chính quyền xã Tà Mung phát huy sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, ý chí bền bỉ “mưa dầm thấm lâu”.

Nhằm đánh thức vùng đất ngủ quên, dựa trên nguồn tài nguyên sẵn có, khí hậu phù hợp, xã quy hoạch từng vùng sản xuất ở các bản người Mông thành vùng nguyên liệu hàng hóa. Trong đó, tập trung phát triển vùng lúa ruộng bậc thang ở dưới vùng thung lũng; trên đồi cao hình thành vùng chè, chanh leo, đào, lê, mơ với phương châm “phủ xanh toàn bộ diện tích đất trống, đồi trọc”.

Tận dụng các nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia về: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách của tỉnh, huyện, xã đầu tư đồng bộ hạ tầng thủy lợi, giao thông liên bản, đường nội đồng, vùng sản xuất hàng hóa. Hỗ trợ nguồn lực về cây, con giống, vật tư, phân bón cho bà con…

Với khẩu hiệu hành động “Đồng hành cùng nhân dân”, cấp ủy, chính quyền xã huy động các tổ chức hội, đoàn thể cùng các bản đẩy mạnh tuyên truyền vận động bà con thay đổi tư duy, đưa các giống cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao, cơ giới vào sản xuất; tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa thị trường. Tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ dân. Từ đó, mỗi hộ phát huy nội lực cùng ý chí vượt khó vươn lên, xây dựng những mô hình kinh tế mới, mang lại hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ an sinh xã hội dành cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Chú trọng công tác xã hội hóa, thực hiện chiến dịch “xóa nhà tạm, nhà dột nát”; quan tâm đầu tư cho giáo dục, y tế. Đặc biệt là phát động, triển khai có hiệu quả việc “Xây dựng nếp sống văn hóa mới trong vùng đồng bào dân tộc Mông” gắn với phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Từ đó, thay đổi nhận thức, hành động của người dân, chung tay đẩy lùi, xóa bỏ các phong tục, hủ tục, tập quán lạc hậu.

Thế rồi, bằng sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân 5 bản người dân tộc Mông, những vùng đất ngủ quên dần được đánh thức. Mầm xanh của chè, lúa, cây ăn quả dần vươn lên tươi tốt, mang sức sống mãnh liệt như ý chí đồng bào Mông với khát khao tìm ánh sáng để xua đi cái đói, nghèo, hướng đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đinh Đông - Ngọc Duy

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/kh%C3%BAc-hoan-ca-d%C6%B0%E1%BB%9Bi-%C4%91%E1%BB%89nh-n%C3%BAi-c%C3%B9-th%C3%A0ng