Khủng bố 3.0: IS sẽ hồi sinh từ tro tàn?
Sau khi bị đánh bại ở Iraq và Syria, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) dường như đang có dấu hiệu thay đổi cách thức hoạt động.
IS ở thời điểm hiện tại đang manh nha hồi sinh từ đống đổ nát, với khả năng tài chính hùng hậu nhờ ngân hàng khủng bố, cùng tham vọng đi tìm “miền đất hứa” để tiếp tục kích động phần tử cực đoan toàn cầu.
Nguy hiểm hơn, IS đang không ngừng biến đổi khi dần chuyển địa bàn hoạt động sang mạng Internet, tiếp tục truyền bá tư tưởng cực đoan và thiết lập chân rết ở mọi khu vực, đánh dấu sự xuất hiện của thời đại khủng bố 3.0.
Sống nhờ Internet
Giới quan sát nhận định, khủng bố đang “tiến hóa” theo nhiều thời kỳ, và ngày càng trở nên khó lường hơn bao giờ hết. Khủng bố 1.0 diễn ra trong những năm 1980, với xu hướng địa phương.
Phạm vi hoạt động của nhiều nhóm cực đoan như Lữ đoàn đỏ (Italy), Băng đảng Baader-Meinhof (Đức), hay Tổ chức Giải phóng Palestine chỉ gây ảnh hưởng trong nước, mà hoàn toàn không có kết nối với nhau. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, các nhóm khủng bố ồ ạt xuất hiện, có sự liên kết lẻ tẻ với nhau trên phạm vi toàn cầu.
Thời đại 2.0 này chứng kiến sự lớn mạnh Al-Qaeda, với tuyên bố mở rộng ra toàn thế giới sau các cuộc tấn công ở phía đông châu Phi, tiếp đó là cuộc tấn công ngày 11-9-2001 tại Mỹ.
Khi mà thời đại của thánh chiến xuyên quốc gia đã đến, phạm vi toàn cầu của khủng bố đã được nuôi dưỡng bằng hình thức trực tuyến. Sự bùng nổ của IS khiến khủng bố thế giới bước sang giai đoạn mới khi tổ chức này không ngừng “tiến hóa” bằng những hình thức tấn công khác nhau.
Một cái nhìn toàn cầu cho thấy IS sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công “tắm máu” tinh vi, nhờ vũ khí hủy diệt hàng loạt (bao gồm hóa học, sinh học, phóng xạ) và thậm chí không gian mạng. Dù phương Tây áp chế sự hoạt động của IS tại các cứ điểm tập trung như Iraq hay Syria, IS đã biến thành một tổ chức hoạt động dựa trên mạng lưới Internet để không ngừng chiêu mộ phần tử.
Khủng bố 3.0 sẽ tiếp tục lan rộng như căn bệnh ung thư, được tăng cường nhờ sức mạnh của Internet. Vụ đánh bom đẫm máu tại Sri Lanka cuối tháng 4 vừa qua trở thành một cuộc khủng bố quy mô lớn như vụ 11-9 tại Mỹ nhằm vào một đất nước đa tôn giáo, đa văn hóa.
Sử dụng 9 kẻ đánh bom liều chết và thiết bị nổ chế tạo tức thời trên diện rộng được đánh giá là quá khả năng của nhóm phiến quân Hồi giáo NTJ ở Sri Lanka. Các nhà điều tra tin rằng NTJ do IS kích động, thông qua Internet với các bản thiết kế vũ khí cũng như bản đồ kế hoạch đánh bom đồng loạt 9 địa điểm.
IS đang tận dụng mạng Internet để duy trì hệ tư tưởng cực đoan nguy hiểm. Một đoạn băng dài 59 giây liên quan đến IS cho thấy 8 người đàn ông nắm tay nhau và cam kết trung thành với Nhà nước Hồi giáo, trong khi đó IS phát hành ấn phẩm trực tuyến al Nabaa nêu cao tinh thần Nhà nước Hồi giáo bất diệt trên các đấu trường mới.
Gần đây nhất, thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi bất ngờ xuất hiện trong một đoạn băng nói chuyện với những người thân cận. Sự lan truyền nhanh chóng của đoạn video này cho thấy Abu Bakr al-Baghdadi khẳng định IS đang dần hồi sinh để tiếp tục là “trung tâm” thực hiện các vụ tấn công khủng bố xuyên quốc gia, đồng thời kích động lòng thù hận giáo phái ở Iraq.
Theo nhiều chuyên gia, IS dùng không gian mạng để “cổ động” khủng bố theo kiểu tác động tới các nhóm Hồi giáo nhỏ ở bất cứ nơi nào có tham vọng thực hiện một cuộc tấn công phức tạp.
Chúng muốn tạo nên bước nhảy vọt về năng lực tổ chức và hậu cần của những nhóm cực đoan, từ đó chứng tỏ Abu Bakr al-Baghdadi là thủ lĩnh uy quyền không chỉ khiến IS, mà thậm chí cả thế giới, phải phục tùng.
Nguy hiểm hơn, IS không ngừng truyền bá những tư tưởng cực đoan về Hồi giáo và tấn công toàn cầu, ví dụ như coi những người theo tôn giáo khác và những người Hồi giáo không có chung suy nghĩ như người Hồi giáo Sunni cực đoan là những người “vô đạo”. Chúng muốn xây dựng quyền lực độc nhất, đồng thời mở đường cho những cuộc tấn công mới lấy cảm hứng từ IS.
Khủng bố 3.0 đang trở thành “con đường sống” khi nhiều tay súng cực đoan nằm vùng Iraq và Syria, dần thích nghi với bối cảnh mới để tiến hành nhiều cuộc nổi dậy ở cấp độ thấp, thông qua hình thức phục kích và ám sát chống lại lực lượng chính phủ và dân quân Shiite.
Chưa hết, tuyên truyền trên Internet của IS coi Ấn Độ là lãnh thổ đầy hứa hẹn, với ý định làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa người Hồi giáo và Ấn giáo. Có rất nhiều cảm tình viên IS vẫn tiếp tục hoạt động nhờ các nhà thuyết giáo cực đoan trực tuyến. Vì vậy, sự sụp đổ của Nhà nước Hồi giáo có thể làm giảm sức hấp dẫn của IS, nhưng mạng Internet đang giúp IS bén rễ trở lại.
Thay đổi chiến thuật
Rõ ràng, việc tiêu diệt “Vương quốc Hồi giáo” của IS về mặt địa lý đã không thể triệt tiêu hệ tư tưởng của IS. Giới quan sát cho rằng, IS giống như một tập đoàn toàn cầu giàu có, sẵn sàng giúp đỡ (theo kiểu bơm tiền hoặc vũ khí) và truyền cảm hứng cho những nhóm phiến quân nhỏ. Khi ấy, các phần tử Hồi giáo cực đoan sẽ tiếp tục tấn công đẫm máu, tìm kiếm vũ khí có thể phá hoại diện rộng, bao gồm hóa học, sinh học, phóng xạ và tấn công mạng.
Để làm được điều này, IS từ lâu đã tạo dựng một mạng lưới ngân hàng khủng bố, với tài sản ước tính lên đến hơn 300 triệu USD. Doanh thu của IS tới từ đầu tư vào kinh doanh, rửa tiền thông qua các ngân hàng và người cho vay tiền.
Gần như trong những cuộc tấn công khủng bố thời gian qua đều có bàn tay của IS thông qua những khoản tài trợ 30 - 40 nghìn USD ở Sri Lanka, hay phức hợp trang trại gần 200 nghìn USD gồm nhiều kho vũ khí và tiền mặt tại Riyadh (Saudi Arabia). Điều này cho thấy, các chân rết IS vẫn có thể kiểm soát việc phân phối tiền, bằng những thủ thuật nào đó đã chuyển tiền và vàng ra bên ngoài Iraq hay Syria đến các địa điểm khác nhau.
Câu hỏi chưa sáng tỏ hiện nay là: cơ quan được mệnh danh có thẩm quyền tối cao trong nội bộ IS, đứng sau toàn bộ quy trình quản lý và sử dụng tiền cho mọi hoạt động khủng bố, thực sự nguy hiểm đến mức nào?
Tài chính của IS ngày càng lớn mạnh khi có dấu hiệu hiện diện của người giàu và thành đạt trong mạng lưới khủng bố. Dư luận bất ngờ khi biết rằng 2 trong số 9 thủ phạm đánh bom đẫm máu ở Sri Lanka là con cái của những triệu phú.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia coi chủ nghĩa khủng bố hiện đại của IS là một hiện tượng của tầng lớp trung lưu, khi tới 70% phần tử cực đoan trên toàn cầu của IS thuộc tầng lớp trung lưu và người giàu có. Xu hướng này đang ngày càng phổ biến tại châu Á, nơi mà IS đang hướng đến với nhiều “vùng đất hứa” để khôi phục lại tổ chức sau khi mất thành trì tại Trung Đông. Hiện tượng này rất đáng lo ngại bởi nó có thể truyền cảm hứng cho nhiều cá nhân khác.
Tận dụng ảnh hưởng tài chính và công nghệ, IS đang thay đổi chiến thuật chiêu mộ thành viên, đặc biệt chú ý đến những người có học thức. Quá trình cực đoan hóa và lôi kéo thành viên thường tiến hành trên mạng Internet, diễn ra ở khắp các tầng lớp kinh tế - xã hội, và lôi kéo được nhiều thành viên thuộc tầng lớp trung lưu.
Những người có học thức, giàu sang và có tiềm năng phát triển thường thu hút IS bởi nhóm đối tượng này không có tiền án tiền sự và không bị lực lượng an ninh chú ý. Trong bối cảnh IS đang nỗ lực duy trì sự tồn tại, tổ chức này sẽ tìm kiếm những địa bàn mới, chiêu mộ các thủ lĩnh có địa vị, nhưng sẵn sàng từ bỏ tất cả để đi theo con đường khủng bố, hướng đến mục tiêu sau cùng là hồi sinh Nhà nước Hồi giáo từ tro tàn.
Để xóa sổ IS đang gieo rắc thù hằn trên Internet, thế giới không chỉ cần các giải pháp cứng rắn như đã thấy tại Syria và Iraq mà còn cần đến một loạt những công cụ của thế kỷ 21. Đó là việc tiếp tục gây sức ép với các công ty mạng xã hội để gỡ bỏ các đoạn phim và bài viết kích động bạo lực, hay ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xác định và xóa nội dung cực đoan càng nhanh càng tốt.
Bên cạnh đó, các quốc gia cần tiếp tục quốc tế hóa cuộc chiến chống IS. Mỹ, dẫn đầu liên minh quân sự tiêu diệt IS, cần truyền đi thông điệp rằng: chiến thắng tại Syria không có nghĩa “sứ mệnh đã hoàn thành”, mà phải nỗ lực gấp đôi trong việc chia sẻ thông tin tình báo, hành động quân sự và ngoại giao để đáp trả các động thái mới của tổ chức này...
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/khung-bo-3-0-is-se-hoi-sinh-tu-tro-tan-552063/