Khủng bố Indonesia 'biến hình' tinh vi
Mới đây, cảnh sát Indonesia đã bắt giữ Para Wijayanto - thủ lĩnh mạng lưới khủng bố khét tiếng Jemaah Islamiyah (JI). Những thông tin được tiết lộ về vụ bắt giữ này đã khiến người dân Indonesia hết sức bàng hoàng bởi thủ đoạn 'biến hình' của bọn khủng bố ở quốc gia Đông Nam Á này.
Mua DN làm bình phong
Wijayanto bị cáo buộc có liên quan trực tiếp đến vụ đánh bom tại khu du lịch Bali năm 2002 khiến hơn 200 người thiệt mạng. Tên này bị bắt trong một khách sạn tại Bekasi, cách Jakarta khoảng 50km. Vụ bắt giữ Wijayanto, một trong những đối tượng đầu sỏ của tổ chức này còn sót lại sau khi bị truy lùng gắt gao, đã cho thấy JI đang sử dụng các thủ đoạn tinh vi để núp bóng và tạo ra nguồn kinh phí chi trả cho hoạt động của chúng.
Theo cảnh sát Indonesia, JI đã sử dụng một DN chuyên trồng cọ để làm bình phong hoạt động và tăng thêm nguồn kinh phí. Trước đây tổ chức khủng bố JI chủ yếu sử dụng nguồn tiền từ các hoạt động bất hợp pháp như cướp bóc, các hoạt động tội phạm mạng… nhưng giờ đây, tổ chức này đã chuyển hướng sang sử dụng một bình phong hoàn toàn hợp pháp đó là mua lại các DN trồng rừng, đưa người trà trộn vào làm việc cùng công nhân, tiến hành kinh doanh có lãi và sử dụng nguồn vốn đó cho các hoạt động khủng bố. Sau quá trình theo dõi dài ngày, cảnh sát phát hiện Wijayanto thường xuyên chỉ đạo tay chân tuyển mộ người thông qua các hoạt động trồng cọ của DN do chúng sở hữu. Cảnh sát cũng xác định, Wijayanto đang muốn biến DN này thành một đại bản doanh của tổ chức khủng bố JI, từ đó hỗ trợ thành lập các chân rết khác trên khắp lãnh thổ Indonesia.
Sở dĩ Wijayanto chọn DN trồng rừng làm bình phong hoạt động vì các DN trồng và kinh doanh dầu cọ tại Indonesia có tiềm năng rất lớn. Các hợp đồng xuất khẩu dầu cọ trị giá hàng triệu USD là nguồn kinh phí vô cùng lớn cho tổ chức khủng bố này hoạt động. Những DN này thường có mối quan hệ chặt chẽ với các Cty nước ngoài, do vậy, việc cử người ra nước ngoài để liên hệ với các tổ chức khác cũng dễ dàng hơn thông qua hoạt động làm ăn buôn bán với các đối tác; vị trí các đồn điền trồng cọ thường xa khu dân cư và nằm sâu trong rừng nên đây cũng là một địa điểm lý tưởng để các đối tượng khủng bố lựa chọn cho các hoạt động huấn luyện vũ trang hay để ẩn náu khi bị chính quyền truy bắt. Ngoài các lý do trên, việc lựa chọn DN trồng rừng làm bình phong hoạt động còn xuất phát từ ý đồ thông qua việc thu mua các sản phẩm hóa học như phân bón, thuốc bảo vệ hóa học và các chất phụ gia sử dụng trong ngành nông nghiệp để phục vụ mục đích chế tạo bom, thuốc nổ.
Khủng bố núp bóng doanh nhân
Cảnh sát Indonesia xác nhận các tổ chức khủng bố tại quốc gia này đã thành lập nhiều DN hoạt động trên mọi lĩnh vực, trong đó, nhiều nhất là các DN trá hình hoạt động trong lĩnh vực du lịch, kinh doanh thảo dược và hóa chất. Cuối năm 2016, họ đã bắt giữ các nghi phạm được xác định có quan hệ mật thiết với tổ chức khủng bố Katibah Nusantara, một trong những tổ chức thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại khu vực Đông Nam Á do tên Bahrun Naim (phần tử khủng bố thực hiện nhiều vụ đánh bom tại Jakarta năm 2016) cầm đầu.
Trước đó, cảnh sát phát hiện vợ chồng Bahrun Naim điều hành một Cty du lịch thường xuyên tiếp tay cho các phần tử khủng bố nước ngoài nhập cảnh vào Indoensia liên hệ với các nhóm khủng bố trong nước thông qua đường du lịch. Năm 2013 và 2018, cảnh sát Indonesia cũng đã bắt giữ một số trường hợp được xác định là phần tử khủng bố quốc tế hoạt động dưới vỏ bọc các thương nhân kinh doanh các mặt hàng thảo dược. Năm 2017, một kẻ khủng bố được xác định thuộc tổ chức khủng bố Jamaah Ansharut Daulah (JAD) bị bắt tại Bekasi, Tây Java. Khi bị bắt, tên này đang sở hữu và điều hành chuỗi cửa hàng ĐTDĐ và cảnh sát tìm thấy tại đây các vật liệu nổ, các thiết bị phục vụ chế tạo bom và tài liệu hướng dẫn chế tạo bom, mìn...
Vậy vì sao những kẻ khủng bố lựa chọn phương thức sử dụng bình phong kinh tế để hoạt động? Câu trả lời được đưa ra là các biện pháp giám sát tài chính chặt chẽ của các Chính phủ Indonesia đã gây khó khăn rất lớn cho những kẻ khủng bố trong việc gây quỹ, chuyển tiền để hoạt động, buộc chúng phải sử dụng các thủ đoạn tinh vi hơn.
Luật pháp Indonesia quy định rõ các hoạt động liên quan đến việc tài trợ cho các đối tượng khủng bố, đó là bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào sử dụng tài sản hợp pháp hoặc bất hợp pháp, trực tiếp hay gián tiếp tài trợ cho các đối tượng khủng bố đều bị coi là có liên quan đến tội danh khủng bố. Luật tài chính ngăn chặn khủng bố của Indonesia cũng đã giúp cho các cơ quan hoạt động hiệu quả trong việc ngăn chặn các hoạt động móc nối, cung cấp tài chính giữa các tổ chức khủng bố trong nước với các tổ chức khủng bố trong khu vực Đông Nam Á.
Khi các công cụ luật pháp mạnh mẽ hơn, những kẻ khủng bố cũng phải thay đổi chiến thuật, bao gồm cả việc sử dụng kinh doanh hợp pháp để che đậy các hoạt động, tránh bị phát hiện. Gần đây, cơ quan chống khủng bố của Indonesia cũng đã phát hiện ra rằng các phần tử khủng bố tại nước này đang sử dụng dịch vụ tài chính có tên Baitul Maal để thực hiện các giao dịch tài chính. Baitul Maal là một dịch vụ tài chính vi mô không chính thức dựa vào cộng đồng người Hồi giáo, sử dụng phương pháp kinh tế và tôn giáo xã hội bằng cách cung cấp dịch vụ tài chính cho những người nghèo thông qua các hình thức quyên góp và cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp cho các DN quy mô nhỏ.
Trước thực trạng trên, Chính phủ Indonesia nói riêng và chính phủ các quốc gia khác nói chung cần cảnh giác và thận trọng với những thay đổi trong phương thức tài trợ khủng bố mới. Hơn bao giờ hết, cần phải kiểm soát chặt chẽ các dòng tiền lưu thông trong xã hội. Nếu kiểm soát tốt dòng tiền lưu thông, khả năng ngăn chặn hiệu quả các nguy cơ bị tấn công khủng bố sẽ càng cao.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khung-bo-indonesia-bien-hinh-tinh-vi-155794.html