Khung đối tác Một sức khỏe: Phòng, chống dịch bệnh từ động vật sang người
Sau hơn 2 năm từ khi Khung đối tác Một sức khỏe giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt, kết quả triển khai trên các lĩnh vực y tế, nông nghiệp và môi trường cho thấy: Sự phối hợp đa ngành, hợp tác đa phương là kim chỉ nam cho công tác phòng, chống dịch bệnh từ động vật sang người tại Việt Nam để kiểm soát, ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm mới nổi.
Nguy cơ xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới
Quá trình toàn cầu hóa sâu rộng, giao thương gia tăng cùng với hiện tượng biến đổi khí hậu và đô thị hóa mạnh mẽ đã làm tăng sự tương tác giữa con người - động vật - hệ sinh thái. Điều này có thể làm biến đổi các tác nhân gây bệnh cũ và xuất hiện các tác nhân mới có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe con người.
Cụ thể, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế xác định, các thách thức tại nước ta như biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường làm biến đổi tác nhân gây bệnh, tần suất tạo ra các bệnh nguy hiểm mới nổi ngày càng ngắn. An toàn sinh học trong chăn nuôi còn kém như chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và biến đổi mầm bệnh. Nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của người dân còn thấp. Nhu cầu sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm và làm thuốc vẫn tồn tại, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh từ động vật hoang dã, thường là những mầm bệnh mà chúng ta có hiểu biết hạn chế. Nguy cơ xâm nhập dịch bệnh qua biên giới do toàn cầu hóa cũng đang có xu hướng gia tăng… Cùng với bài học kinh nghiệm từ công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, để ứng phó với những thách thức nêu trên, rất cần sự hợp lực của toàn xã hội và sự hỗ trợ và hợp tác của cộng đồng quốc tế.
Tại Diễn đàn cấp cao thường niên về “Một sức khỏe - Phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người giai đoạn 2021 - 2025” vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nhận định: Công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm trong suốt 2 thập kỷ vừa qua đã cho chúng ta thấy rằng một mình ngành Y tế không thể đơn phương kiểm soát dịch bệnh. Đặc biệt là các dịch bệnh có yếu tố liên ngành như bệnh lây truyền từ động vật sang người và các vấn đề như kháng kháng sinh, an toàn thực phẩm, vấn đề sức khỏe do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu… Với tinh thần này, hợp tác theo hướng “Một sức khỏe” (MSK) tiếp tục khẳng định là phương pháp tiếp cận tối ưu trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng. Đồng tình, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định khi có đại dịch xảy ra ở bất kỳ đâu, việc huy động phối hợp đa ngành, hợp tác đa phương là kim chỉ nam cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Chương trình MSK là phương pháp tiếp cận tối ưu để bảo đảm an toàn cho hành tinh và sức khỏe cho cộng đồng.
Kiểm soát tác động từ môi trường
Phương pháp tiếp cận MSK là hoạt động dài hạn, cần sự phối hợp và nỗ lực của nhiều Bộ, ngành cũng như các đối tác liên quan, tập trung vào ba trụ cột quan trọng chính là sức khỏe môi trường, sức khỏe động vật và sức khỏe con người. Tiếp cận MSK hiện đã được lồng ghép trong các chiến lược, chương trình, kế hoạch của các Bộ, ngành, địa phương, như Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại 2022 - 2030, Chiến lược quốc gia phòng, chống kháng thuốc 2023 - 2030,… Trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm cũng như các vấn đề liên quan mới nổi, nếu như các ngành cốt lõi như Y tế - Thú y đã có lịch sử phối hợp chặt chẽ và lâu dài, thì sự tham gia chủ động và tích cực hơn của ngành Môi trường đem đến thêm nhiều cơ hội hơn.
Theo thông tin từ Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường - Bộ TN&MT, đến nay các hoạt động triển khai về MSK trong ngành Môi trường bao gồm: Quản lý chất lượng không khí; Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn, thích ứng với biến đổi khí hậu; Quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch COVID-19… Thời gian tới, ngành Môi trường sẽ xây dựng Kế hoạch hành động về sức khỏe môi trường; áp dụng các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, sử dụng công nghệ xanh, các nguyên nhiên liệu thân thiện với môi trường và tăng cường quản lý chất thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí; xây dựng và duy trì hệ thống giám sát chất lượng môi trường để đưa ra các cảnh báo sớm khi có dấu hiệu ô nhiễm; xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về quản lý chất thải phát sinh khi có dịch bệnh.
Khung Đối tác MSK giai đoạn 2021 - 2025 được ký kết ngày 23/3/2022, tới nay có 33 đối tác thành viên chính thức. Kế hoạch tổng thể cho Khung đối tác MSK về Phòng, chống bệnh dịch từ động vật sang người do Liên minh Châu Âu (EU) - Việt Nam hỗ trợ được 03 Bộ phê duyệt ngày 21/3/2022, là Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và Bộ TN&MT. Từ khi ký kết tới nay, theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Thư ký, có gần 100 chương trình, dự án đang được chuẩn bị và triển khai nhằm nỗ lực hỗ trợ triển khai kế hoạch. Cả 3 Bộ đánh giá rất cao sự hợp tác và đồng hành của các đối tác phát triển trong nước và quốc tế cho Khung đối tác MSK.