Khủng hoảng giáo viên tại Mỹ

Trước tình trạng thiếu giáo viên, một số trường học tại Mỹ đã tuyển giáo viên mà không yêu cầu chứng chỉ giảng dạy.

Mùa tựu trường năm nay, nhiều học sinh tại Mỹ đã được chào đón bởi những thầy cô không qua đào tạo chính quy. Thậm chí, nhiều người còn chỉ mới có bằng tốt nghiệp cấp 3.

Chính quyền các bang thiếu giáo viên trầm trọng hiện đã nới lỏng yêu cầu công việc và đang hướng tới việc không đòi hỏi giấy phép hành nghề dài hạn của ứng viên. Một số bang cho phép giáo viên đi dạy không cần tốt nghiệp đại học chính quy.

Trong khi đó một số bang khác cho phép giáo viên dự bị - những người thường không bắt buộc có bằng đại học - được đi dạy toàn thời gian, theo Washington Post.

Khủng hoảng nhân sự

Đại dịch đã tạo ra khủng hoảng nhân sự ở nhiều trường học tại Mỹ. Trên thực tế, cuộc khủng hoảng này đã tồn tại rất lâu từ trước năm 2020 ở một số bang như Oklahoma và Arizona. Nguyên nhân của nó một phần là lương giáo viên thấp, trường học bị cắt giảm tài trợ và xã hội hiện nay không mấy mặn mà với nghề dạy học.

 Ngành giáo dục Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Ảnh minh họa: USA Today.

Ngành giáo dục Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Ảnh minh họa: USA Today.

Nhiều bang đã nới lỏng tiêu chí việc làm trong những năm qua để thu hút nhân lực nghề dạy học.

Theo một báo cáo từ Hội đồng quốc gia về Chất lượng giáo viên Mỹ, năm 2019, chỉ có 15/50 bang yêu cầu ứng viên phải vượt qua bài kiểm tra kỹ năng cơ bản về toán, đọc và viết dành cho giáo viên. Nhiều bang còn cho phép giáo viên dự bị (những người này chưa có chứng chỉ hành nghề sư phạm - PV) được giảng dạy toàn thời gian. Nhiều người đã chỉ trích quyết định này do lo rằng giáo viên thiếu trình độ sẽ đánh giá không đúng kết quả học tập của học sinh.

Chris LeGrande, Hiệu trưởng trường Guthrie High (Oklahoma), cho biết các giáo viên được cấp chứng chỉ sư phạm khẩn cấp (chứng nhận sư phạm khẩn cấp được một số bang chứng nhận, là một biện pháp tạm thời để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tại địa phương - PV) không biết cách thiết kế bài giảng dàn trải toàn bộ tiết học và thường để học sinh sử dụng thiết bị điện tử nếu tiết học kết thúc sớm.

"Việc để học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học là lãng phí thời gian và không có lợi cho chúng", thầy LeGrande cho hay.

Sáng kiến tạm thời

Bang Florida, nơi diễn ra tình trạng thiếu giáo viên cực kỳ trầm trọng, đã quyết định tăng lương cho đối tượng này. Ngoài ra, chính quyền bang cũng đưa ra một sáng kiến cho phép các cựu quân nhân giảng dạy dưới sự hướng dẫn của một giáo viên chính quy trong 2 năm và sẽ đứng lớp một mình sau đó, miễn là họ đã có 4 năm tại ngũ, đạt được 60 tín chỉ đại học và tham gia chương trình cấp bằng giáo viên kéo dài 5 năm.

Tính đến 9/9, 341 người đã đăng ký tham gia chương trình.

 Bang Florida cho phép quân nhân dạy học miễn là họ đảm bảo một số yêu cầu cơ bản. Ảnh: New York Times.

Bang Florida cho phép quân nhân dạy học miễn là họ đảm bảo một số yêu cầu cơ bản. Ảnh: New York Times.

Tại bang Oklahoma, chính quyền đã giới thiệu một chương trình có tên "giáo viên trợ giảng", cho phép hội đồng trường thuê bất kỳ ai vượt qua vòng kiểm tra lý lịch làm giáo viên, miễn là các quan chức ngành giáo dục của bang cho phép. Theo một nhà lập pháp tiểu bang, đã có 248 đơn xin trợ giảng trong năm nay. Hội đồng Giáo dục bang Arizona cũng đã cho phép những giáo viên chỉ có bằng trung học được làm giáo viên chính thức trong vòng một năm.

Nguyên giám đốc Học khu liên cấp Saddle Mountain (Arizona) Paul Tighe cho biết trong nhiệm kỳ của mình, việc tìm kiếm giáo viên có trình độ chuyên môn khó đến mức một trường tiểu học đã phải thuê hai phụ huynh có bằng giáo dục chính quy để họ dạy các lớp tiểu học.

Phương án lâu dài

Bang Oklahoma từ lâu đã phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Cách đây hơn một thập kỷ, bang này đã thông qua một đạo luật cho phép giáo viên đi dạy mà không qua đào tạo chính quy.

Năm đầu tiên triển khai đạo luật, bang đã cấp 32 giấy phép giảng dạy khẩn cấp. Nhưng đến năm rồi, số giấy phép được cấp đã lên đến 3.600. Năm nay, con số đó có thể lớn hơn thế nhiều. Cho đến hiện tại, bang này đã có tới 45.000 giáo viên không qua đào tạo chính quy.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mỹ Miguel Cardona, để thu hút và giữ chân nhân lực nghề giáo thì điều kiện làm việc cần được cải thiện. Ông liệt kê những thách thức mà giáo viên phải đối mặt như thiếu nguồn lực, bị tấn công, bị quản lý quá chặt và không được tôn trọng. Đôi khi họ phải nhận công việc tay trái chỉ để kiếm sống.

Trong một lá thư gửi cho các nhà lãnh đạo trường học vào tháng 12/2021, ông Cardona đã chỉ ra các một số cách để các trường tuyển dụng và giữ chân giáo viên bằng cách sử dụng quỹ cứu trợ đại dịch để tăng lương cho họ hay quan tâm đến cảm xúc của họ. Ngoài ra, để thu hút giáo viên, nhà trường nên tài trợ chi phí các khóa học chứng chỉ và đảm bảo việc làm cho họ. Ông cũng kêu gọi các bang thành lập chương trình trợ cấp cho sinh viên sư phạm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cardona lại không đề nghị loại bỏ các yêu cầu công việc khắt khe.

"Việc cung cấp các nhà giáo không đủ tiêu chuẩn hoặc không được đào tạo về sư phạm để giảng dạy như một cái tát vào nghề", Cardona nói.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khung-hoang-giao-vien-tai-my-post1355351.html