Cuộc tấn công năm 1956 của Anh và Pháp vào Kênh đào Suez và cuộc chiến song song Israel-Ai Cập cùng thời gian, là một trong những cuộc xung đột kỳ lạ nhất trong lịch sử, khi lực lượng tham gia là hai đế quốc đang lụi tàn, một Ai Cập với tinh thần dân tộc và nhà nước Do Thái đang lên.
Cuộc khủng hoảng bắt đầu về quyền sở hữu kênh đào Suez, con đường nối giữa châu Âu và châu Á. Vào tháng 7/1956, Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser tuyên bố sẽ quốc hữu hóa kênh đào, vốn do các cổ đông châu Âu kiểm soát. Quyết định của Nasser là do Mỹ cắt nguồn tài chính xây đập Aswan, sau khi Nasser đã ký thỏa thuận mua vũ khí của Liên Xô.
Phản ứng của Nasser rất đơn giản: Nếu người Mỹ và Anh không trợ cấp cho đập Aswan, thì Ai Cập sẽ quốc hữu hóa kênh đào Suez và sử dụng nguồn thu phí để xây dựng con đập. Thật không may, ông đã quên một quy luật cơ bản của lịch sử: Không có gì nguy hiểm hơn một đế chế đang suy tàn.
Và trong cuộc khủng hoảng này, không phải là một mà là hai đế chế đang suy tàn, đó là Anh và Pháp. Bị chiến tranh thế giới thứ hai tàn phá, những đế quốc này không hiểu một thực tế mới, đó là họ đã trở thành những diễn viên phụ trên sân khấu toàn cầu, do Mỹ và Nga thống trị.
Nhưng đối với Anh, kênh đào Suez là biểu tượng của uy tín “Mặt trời không bao giờ lặn trên đất Anh”, đồng thời là huyết mạch dẫn đến các căn cứ quân sự của Anh ở Trung Đông và Vịnh Ba Tư.
Đối với người Pháp, vấn đề không phải là về con kênh, mà nhiều hơn về Tổng thống Nasser, người mà Pháp cáo buộc đã trang bị vũ khí cho quân nổi dậy Algeria, chiến đấu giành độc lập từ Pháp.
Trong khi đó, xung đột Ả Rập-Israel vẫn âm ỉ như mọi khi. Sau chiến thắng của Israel trong Chiến tranh giành độc lập năm 1948, Ai Cập đã tài trợ cho người Palestine, tổ chức các cuộc tấn công khủng bố từ bán đảo Sinai vào Israel, và Israel muốn trả đũa.
Người Israel tin rằng, một cuộc chiến tranh là không thể tránh khỏi với Ai Cập; đồng thời Israel muốn ngăn chặn việc Ai Cập phong tỏa eo biển Tiran, nơi ngăn các tàu của Israel ra khỏi Biển Đỏ, để buôn bán với châu Phi và châu Á.
Tất cả những lý do trên đã lôi kéo Pháp, Anh và Israel vào một kế hoạch. Đầu tiên, Israel sẽ xâm lược Bán đảo Sinai của Ai Cập; sau đó, bề ngoài để bảo vệ Kênh đào Suez, Anh và Pháp sẽ đưa ra tối hậu thư yêu cầu Israel và Ai Cập rút khỏi Khu vực Kênh đào.
Và tất nhiên, Ai Cập sẽ từ chối yêu cầu trên, quân Anh-Pháp sẽ xâm lược và chiếm lấy kênh đào. Tổng thống Nasser sẽ bị bẽ mặt và bị lật đổ, quyền kiểm soát của châu Âu đối với Kênh đào Suez được khôi phục và những ngày cũ tốt đẹp của chủ nghĩa đế quốc thế kỷ 19, sẽ được khôi phục.
Cuộc chiến bắt đầu vào ngày 29/10/1956, với Chiến dịch Kadesh, do Tham mưu trưởng Moshe Dayan của Quân đội Israel chỉ huy. Với trình độ điêu luyện, những chiếc P-51 Mustang của Israel đã bay thấp trên bán đảo Sinai, để cắt dây điện thoại bằng cánh quạt của máy bay, làm gián đoạn liên lạc quân sự của Ai Cập.
Cùng lúc đó, lính dù Israel đổ bộ trên con đèo chiến lược Mitla qua vùng núi Sinai. Những lính dù khác, do Đại tá Ariel Sharon chỉ huy, đã vượt qua sa mạc, để thực hiện chia cắt chiến dịch, bằng xe tăng và bộ binh. Mặc dù có xảy ra một số trận giao tranh ác liệt, nhưng Israel đã dễ dàng kiểm soát bán đảo Sinai trong vòng vài ngày.
Bước một của kế hoạch đã tiến hành hoàn hảo, tạo điều kiện bước hai để Anh và Pháp đưa ra tối hậu thư. Khi Ai Cập phớt lờ nó, Chiến dịch Lính Ngự Lâm bắt đầu, với sự tham gia của Liên quân Anh và Pháp.
Chiến dịch Lính Ngự Lâm có khoảng 80 nghìn quân của cả Anh và Pháp tham gia, cùng hơn 200 tàu chiến (bao gồm 5 tàu sân bay của Anh và 2 của Pháp) và hàng trăm máy bay. Cuộc đổ bộ được dẫn đầu bởi lính dù và biệt kích tinh nhuệ của Anh và Pháp.
Không có gì bất ngờ, khi Không quân Ai Cập bị tiêu diệt ngay trong giờ mở đầu của cuộc xâm lược; lính dù Anh, được hỗ trợ bởi Thủy quân lục chiến Anh trên tàu đổ bộ, đã được thả xuống Kênh đào. Các máy bay trực thăng chở quân từ các tàu sân bay Anh, cũng đã tiến hành cuộc đổ bộ bằng trực thăng từ tàu, đầu tiên trên thế giới.
Giống như Quân đội Israel, lực lượng liên quân Anh-Pháp mặc dù phải đối mặt với rất nhiều quân Ai Cập, nhưng được huấn luyện và chỉ huy kém, nên quân Anh bị thương vong khoảng 100 người (so với khoảng 4 nghìn người vào D-Day), Pháp mất khoảng 50 người và người Israel khoảng 1.100 người. Tổn thất của Ai Cập trong cuộc chiến trên là khoảng 8.000 người hoặc hơn.
Về mặt quân sự, kế hoạch của Anh-Pháp-Israel đã thành công. Về mặt chính trị, đó là một thảm họa. Các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh nổ ra ở Anh vì họ liên tưởng đến những cuộc xâm chiếm thuộc địa của Anh, diễn ra vào thế kỷ 19.
Tuy nhiên, điều sốc thực sự là phản ứng của các siêu cường. Thủ tướng Liên Xô Nikolai Bulganin cảnh báo rằng, Liên Xô sẵn sàng phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân vào Anh, Pháp và Israel, nếu các quốc gia này không rút quân.
Phản ứng của Mỹ cũng gây sốc không kém. Tổng thống Eisenhower và Ngoại trưởng John Foster Dulles đe dọa trừng phạt kinh tế đối với Israel nếu nước này không rút khỏi Sinai; khối Arab cũng bày tỏ sự đoàn kết về việc cắt nguồn cung dầu mỏ cho Anh và Pháp.
Mỹ cũng tuyên bố xem xét việc bán bớt trái phiếu của Anh, điều có thể sẽ tàn phá nền kinh tế Anh vừa gượng dậy sau thế chiến hai. Đồng thời một nghị quyết của Liên Hợp Quốc, do Mỹ soạn thảo, kêu gọi ngừng bắn và rút các lực lượng nước ngoài ra khỏi khu vực.
Thiệt hại cho phương Tây là vô cùng lớn. Quan hệ Mỹ-Anh bị tổn hại, và uy tín của Liên Xô được nâng cao. Thủ tướng Anh Eden từ chức và sau đó, Anh không còn vị thế của một cường quốc; Israel miễn cưỡng rút lui, Nasser trở thành anh hùng của thế giới Ả Rập. Cuối cùng, kênh đào Suez là tài sản của Ai Cập. Nguồn ảnh: Warhistory.
Những thước phim cực hiếm về cuộc khủng hoảng kênh đào Suez. Nguồn: Thearchive.
Tiến Minh