Khủng hoảng kép với An-giê-ri

Chính phủ mới ở An-giê-ri đang phải đối mặt khó khăn chồng chất nhằm đưa nền kinh tế đất nước thoát khủng hoảng. Vừa phải chống chọi đại dịch Covid-19, quốc gia Bắc Phi vừa phải nỗ lực giảm 'tác động kép' từ giá dầu giảm mạnh và làn sóng biểu tình kéo dài từ năm ngoái.

Cảng An-giê, An-giê-ri.

Cảng An-giê, An-giê-ri.

Giá dầu xuống mức thấp kỷ lục kết hợp với hạn hán kéo dài gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế An-giê-ri. Doanh thu từ dầu mỏ trong năm 2020 dự kiến chỉ đạt từ 20 tỷ đến 30 tỷ USD, so với mức 36 tỷ USD trong năm 2019 và 42 tỷ USD năm 2018. Dự thảo ngân sách năm 2020 được tính toán dựa trên cơ sở 50 USD/thùng dầu. Nếu giá dầu thế giới duy trì lâu dài quanh mức 20 USD/thùng, thâm hụt ngân sách An-giê-ri có thể cao gấp hai lần, dự kiến tăng từ 12,8 tỷ USD lên 25 tỷ USD. Thâm hụt trong cán cân thương mại cũng khiến dự trữ ngoại hối của An-giê-ri có thể giảm còn 51 tỷ USD vào cuối năm 2020, so với mức 194 tỷ USD hồi đầu năm 2014, thậm chí có nguy cơ "bốc hơi" hoàn toàn vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống A.Tép-bun.

Hiện còn quá sớm để đánh giá hậu quả đối với nền kinh tế An-giê-ri khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Ðiều này làm tăng thêm tình trạng tồi tệ mà Thủ tướng An-giê-ri gọi là "thảm họa với mọi kế hoạch". Giải pháp vay nợ nước ngoài và in tiền đã bị loại trừ trong thời điểm hiện tại và Chính phủ An-giê-ri đã có kế hoạch giảm nhập khẩu, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, để khuyến khích sản xuất trong nước. Tuy nhiên, mục tiêu này khó thực hiện do hạn hán vẫn hoành hành, ảnh hưởng đến sản xuất.

Hội đồng Bộ trưởng An-giê-ri họp khẩn cấp dưới sự chủ trì của Tổng thống A.Tép-bun nhằm thống nhất một số giải pháp. Biện pháp được ưu tiên là giảm kim ngạch nhập khẩu từ 41 tỷ USD xuống 31 tỷ USD. Ngân sách hoạt động của Nhà nước cũng được điều chỉnh giảm 30%, song không ảnh hưởng quỹ lương. Hội đồng Bộ trưởng An-giê-ri còn quyết định ngừng tham vấn các nhóm chuyên gia nước ngoài nhằm giúp tiết kiệm khoảng bảy tỷ USD mỗi năm, cũng như hoãn khởi động các dự án đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, các dự án cải tạo khu dân cư nghèo và bệnh viện điều trị ung thư ở Gien-pha vẫn được thực hiện. Hội đồng cũng quyết định sẽ có chính sách hỗ trợ các chủ thể kinh tế chịu tổn thất do dịch Covid-19.

Trong nỗ lực duy trì dự trữ ngoại hối, Hội đồng Bộ trưởng An-giê-ri yêu cầu Tập đoàn Dầu khí quốc gia Sonatrach cắt giảm 50% chi phí hoạt động và kinh phí đầu tư, từ 14 tỷ USD xuống còn bảy tỷ USD. Ðối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, yêu cầu các ngân hàng cần hội nhập hơn nữa với khu vực sản xuất, thông qua tạo điều kiện cho việc cấp tín dụng, tập trung vào chuyển đổi sang công nghệ số và áp dụng các sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao. Lĩnh vực nông nghiệp sẽ ưu tiên đầu tư vào các khu vực sản xuất ngũ cốc, dầu ăn và đường nhằm bảo đảm an ninh lương thực, theo đó trong năm nay sẽ đưa ra một cơ chế khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài và khu vực tư nhân đầu tư vào nông nghiệp.

Tổng thống An-giê-ri A.Tép-bun nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng kinh tế có thể khiến Chính phủ An-giê-ri phải xem lại các mục tiêu ưu tiên phục hồi kinh tế, nhưng điều này sẽ không ảnh hưởng đến các kế hoạch ổn định xã hội, bao gồm cải thiện mức sống, cải cách tiền lương và tạo thêm việc làm cho người dân. Ðể giúp An-giê-ri vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố khoản hỗ trợ không lãi suất trị giá 130 triệu USD.

Hà Ðan

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44028102-khung-hoang-kep-voi-an-gie-ri.html