Khủng hoảng năng lượng châu Âu: Mỹ nói về vai trò của Trung Quốc

Cố vấn năng lượng cấp cao của Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi Nga gia tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu trước khi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (NS2) bắt đầu hoạt động.

Liên minh châu Âu (EU) và Đức vẫn chưa thông qua NS2 để trực tiếp đưa khí đốt trên khắp biển Baltic đến châu Âu.

Ông Amos Hochstein, cố vấn năng lượng cấp cao của Tổng thống Mỹ Joe Biden, khẳng định Nga có đủ khí đốt để tăng nguồn cung cho EU và Moscow cần khẩn trương làm điều này.

"Nếu Nga có đủ khí đốt để cung cấp cho NS2 như họ nói, điều này đồng nghĩa họ có đủ khí đốt để cung cấp thông qua hệ thống vận chuyển khí đốt GTS của Ukraine hoặc những đường ống khác. Họ nên làm như vậy" – ông Hochisetin nói, đồng thời khẳng định một trong những nguyên nhân khiến châu Âu rơi vào khủng hoảng khí đốt tự nhiên là nhu cầu lớn của Trung Quốc.

Ông Hochstein nhắc lại lời cảnh báo hồi tháng 9 rằng việc thiếu khí đốt và nhiệt có thể cướp đi sinh mạng của những người dễ bị tổn thương nhất nếu mùa đông năm nay lạnh hơn mọi năm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và cố vấn năng lượng cấp cao Amos Hochstein. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden và cố vấn năng lượng cấp cao Amos Hochstein. Ảnh: Reuters

Theo News Week, châu Âu nhập khẩu khoảng 90% khí đốt từ Nga. Giá khí đốt tự nhiên hiện cao hơn gấp 5 lần so với thời điểm đầu năm.

Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu theo các hợp đồng dài hạn nhưng không gia tăng nguồn cung trên thị trường giao ngay, kể cả khi giá khí đốt tăng phi mã.

Một vài chính trị gia cáo buộc Nga "bóp" nguồn cung khí đốt để gây sức ép, buộc châu Âu tăng tốc phê chuẩn NS2. Washington phản đối NS2, cho rằng dự án này có thể làm gia tăng mức độ phụ thuộc của châu Âu đối với nguồn cung năng lượng Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ những cáo buộc nêu trên, nhấn mạnh NS chỉ đơn thuần là một dự án thương mại.

Mỹ lo ngại Nga có thể sử dụng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 làm vũ khí địa chính trị. Ảnh: Reuters

Mỹ lo ngại Nga có thể sử dụng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 làm vũ khí địa chính trị. Ảnh: Reuters

Cao Lực

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/khung-hoang-nang-luong-chau-au-my-noi-ve-vai-tro-cua-trung-quoc-20211026092414066.htm