Khước từ yêu cầu của Ukraine, các sàn giao dịch tiền ảo không chặn người dùng Nga

Hôm qua (28/2), sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới Binance cho biết sẽ chặn các tài khoản cá nhân Nga bị liệt vào danh sách đen, nhưng không 'đơn phương' đóng băng tài khoản của mọi người dân Nga theo lời kêu gọi trước đó của Ukraine.

Không chặn người dùng thông thường

“Chúng tôi sẽ không đơn phương đóng băng hàng triệu tài khoản của những người dân thường”, phát ngôn viên của Binance cho biết.

Binance, sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới, tuyên bố không chặn người dùng Nga theo yêu cầu của Ukraine. Ảnh: Getty Images.

“Tiền ảo được phát minh nhằm đem lại sự tự do về tài chính cho mọi người trên toàn cầu. Việc đơn phương cấm mọi người truy cập đến các tài sản số của chính họ là đi ngược lại với phương châm trên”, phát ngôn viên của Binance nói thêm.

Trước đó, vào hôm 27/2, Phó Thủ tướng Ukraine Mykhalio Fedorov đã kêu gọi các sàn giao dịch tiền ảo hàng đầu thế giới như Binance, Coinbase chặn mọi người dùng Nga.

“Cần phải đóng băng không chỉ các tài khoản có liên quan tới chính trị gia Nga và Belarus. mà còn cả những người dùng thông thường”, ông Fedorov chia sẻ trên trang cá nhân Twitter.

Mỹ, các nước đồng minh châu Âu và Canada vào hôm 26/2 đã đồng ý loại bỏ một số ngân hàng của Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Các nước này cũng đồng ý sẽ ngăn chặn Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) sử dụng các nguồn dự trữ quốc tế như một biện pháp trừng phạt.

Binance cho biết họ “đang có những tính toán cẩn trọng để đảm bảo rằng những hành động chặn người dùng bị trừng phạt sẽ được thực hiện nghiêm túc, đồng thời giảm thiểu tác động tối đa đối với những dùng vô tội”.

“Nếu các tổ chức quốc tế mở rộng các lệnh trừng phạt hơn, khi đó chúng tôi cũng sẽ áp dụng và tuân thủ chặt chẽ hơn”, đại diện phía Binance nói thêm.

Jesse Powell, CEO của sàn giao dịch tiền ảo Kraken, vào hôm 28/2 chia sẻ trên Twitter rằng công ty này “không thể đóng băng tài khoản của khách hàng Nga nếu không có bất kỳ yêu cầu hợp pháp nào”.

KuCoin, một sàn giao dịch tiền điện tử khác, cũng chia sẻ với CNBC rằng họ sẽ không chặn người dùng Nga.

“Là một nền tảng trung lập, chúng tôi sẽ không đóng băng tài khoản của bất kỳ người dùng ở bất cứ quốc gia nào nếu không có yêu cầu pháp lý. Và trong thời điểm khó khăn, những hành động gây gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng đến dân thường không nên được ủng hộ”, Johnny Lyu, CEO của KuCoin, chia sẻ với CNBC.

Tuy nhiên, Dmarket – một nền tảng cho phép mọi người giao dịch công cụ game ảo, cho biết sẽ “cắt đứt mọi quan hệ với Nga và Belarus vì cuộc xâm lược Ukraine”, trong một bài đăng trên Twitter.

Công ty này cho biết người dùng Nga và Belarus sẽ bị cấm đăng ký tài khoản mới trên Dmarket và các tài khoản từ hai nước này sẽ bị đóng băng. Đồng Rúp của Nga cũng đã bị xóa bỏ khỏi nền tảng giao dịch này.

“Vũ khí” quan trọng

Tiền ảo đang trở thành một công cụ giúp chính phủ Ukraine huy động quyên góp trong bối cảnh xung đột vũ trang với Nga leo thang, sau khi quân đội Nga tiến vào nước này hôm 24/2.

Come Back Alive, một tổ chức phi chính phủ cung cấp trang thiết bị cho quân đội Ukraine đã bắt đầu nhận quyên góp bằng tiền ảo kể từ năm 2018. Từ khi Nga bắt đầu mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, tổ chức này đã huy động được hàng triệu USD bằng tiền điện tử.

Tổng cộng số tiền ảo được quyên góp cho chính phủ Ukraine và các tổ chức phi chính phủ để ủng hộ quân đội Ukraine lên tới 16,7 triệu USD, theo Elliptic.

“Các loại tài sản số như Bitcoin đang nổi lên như một công cụ thay thế quan trọng để huy động tiền từ cộng đồng”, Tom Robinson, nhà phân tích của Elliptic, nhận định. “Phương thức này cho phép các khoản quyên góp nhanh chóng, xuyên biên giới, qua mặt các tổ chức tài chính kể cả họ có quyền chặn giao dịch với những tổ chức này”.

Tuần trước, trang gây quỹ trên nền tảng Patreon của tổ chức Come Back Alive đã bị đình chỉ hoạt động. Patreon nói rằng nền tảng này “không cho phép bất kỳ chiến dịch gây quỹ nào có liên quan tới bạo lực hay mua bán thiết bị quân sự”.

Quân đội Ukraine ban đầu nói rằng họ không nhận quyên góp bằng các loại tiền ảo như Bitcoin, do chính phủ nói rằng “pháp luật quốc gia không cho phép Bộ Quốc phòng sử dụng các hệ thống thanh toán khác (Webmoney, Bitcoin, PayPal,..). Tuy nhiên, chính phủ Ukraine đã có quan điểm bớt hà khắc hơn.

Hương Vũ (Theo CNBC)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khuoc-tu-yeu-cau-cua-ukraine-cac-san-giao-dich-tien-ao-khong-chan-nguoi-dung-nga-post183516.html