Khuyến công Bình Phước: Bám sát nhu cầu thực tế

Thông qua đề án điểm 'Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh Bình Phước phát triển chế biến hạt điều giai đoạn 2018 - 2020', khuyến công đã và đang góp sức cùng các ngành khác tăng giá trị cho sản phẩm hạt điều.

Bình Phước được xem là thủ phủ điều với 174.000ha, chiếm khoảng 45% diện tích điều cả nước, cung ứng hơn 96.000 tấn hạt điều mỗi năm cho thị trường. Ngoài diện tích và sản lượng lớn, đây còn là nơi sản xuất, kinh doanh điều sôi động với 1.400 cơ sở chế biến, 30 doanh nghiệp (DN) vừa, 110 DN nhỏ, hơn 1.200 DN siêu nhỏ…

 Nhiều cơ sở chế biến hạt điều được thụ hưởng nguồn vốn

Nhiều cơ sở chế biến hạt điều được thụ hưởng nguồn vốn

Ngành điều đang đóng góp lớn vào sức tăng trưởng kinh tế của tỉnh khi chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm và tạo nhiều việc làm cho người lao động. Giá trị hạt điều Bình Phước gia tăng nhanh nhờ định hướng huy động mọi nguồn lực cũng như sự chung sức của các sở, ngành hỗ trợ mở rộng diện tích, đặc biệt là chế biến sâu các sản phẩm từ hạt điều.

Riêng với ngành Công Thương, Sở Công Thương đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án khuyến công quốc gia điểm "Hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh Bình Phước phát triển chế biến hạt điều giai đoạn 2018 - 2020". Sau 3 năm triển khai, tỉnh đã hỗ trợ 40 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất; hỗ trợ 2 cơ sở CNNT xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm hạt điều theo công nghệ mới; tổ chức hội thảo nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong chế biến điều cho 100 cơ sở CNNT…

Đánh giá từ Sở Công Thương, các đề án luôn bám sát nhu cầu thực tế của cơ sở thụ hưởng, do đó đạt hiệu quả tốt, giúp đối tượng thụ hưởng gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đáng nói, sau khi được hỗ trợ, DN, cơ sở sản xuất đã mạnh dạn hơn trong đầu tư ứng dụng thiết bị hiện đại, tăng kinh phí cho đào tạo nhận lực; chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiệu quả của đề án còn được ghi nhận bởi chính đơn vị thụ hưởng, DN tham gia khi nguồn vốn đối ứng triển khai thực tế tăng hơn 1,3 lần so với dự toán (từ 25,232 tỷ đồng lên 33,955 tỷ đồng).

Sự thành công của đề án điểm được Sở Công Thương đúc rút ra nhiều kinh nghiệm. Trong đó, chủ động tiếp cận nắm bắt nhu cầu, tư vấn cho cơ sở CNNT thụ hưởng chính sách là quan trọng nhất. Tiếp đó, tập trung hỗ trợ đầu tư một số cơ sở CNNT có lợi thế cạnh tranh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, từ đó lan tỏa sang các đơn vị khác. Cán bộ làm công tác khuyến công có tầm nhìn, phán đoán nhanh nhạy về sự biến động của thị trường và xu hướng phát triển của khoa học - công nghệ để hướng dẫn các cơ sở CNNT, mang lại hiệu quả cao cho đề án…

Từ hiệu quả tích cực đã đạt được, Sở Công Thương đang xây dựng đề án "Hỗ trợ cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh Bình Phước đầu tư phát triển chế biến hạt điều giai đoạn 2021-2023", nhằm tiếp tục hỗ trợ các cơ sở chế biến hạt điều và hướng tới phát triển ngành điều một cách bền vững.

Dự kiến trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ xây dựng 3 mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới, sản phẩm mới; hỗ trợ 30 cơ sở CNNT chế biến điều xuất khẩu ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất; hỗ trợ đầu tư 6 phòng trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho 6 cơ sở CNNT chế biến điều tiêu biểu… Với những mục tiêu cụ thể, Sở Công Thương sẽ huy động mọi nguồn vốn chung sức triển khai đề án, góp sức cùng các ngành khác mang lại giá trị gia tăng cao hơn, cũng như phát triển bền vững cho cây điều tại địa phương.

Tổng kinh phí thực hiện đề án "Hỗ trợ cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh Bình Phước đầu tư phát triển chế biến hạt điều giai đoạn 2021-2023" là 51,94 tỷ đồng; trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 12,52 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng từ các cơ sở thụ hưởng.

Việt Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khuyen-cong-binh-phuoc-bam-sat-nhu-cau-thuc-te-153969.html