Khuyến công đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế khu vực

Công tác khuyến công thời gian qua đã ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành khu vực phía Nam; không chỉ mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy, xây dựng các địa phương ngày càng giàu mạnh.

Doanh nghiệp tăng trưởng cả về quy mô lẫn năng lực

Khu vực phía Nam hội tụ nhiều lợi thế nổi trội và có những điều kiện để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát huy lợi thế, tiềm năng của khu vực, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển công nghiệp và thương mại; trong đó phải kể đến kế hoạch khuyến công, góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành công thương nói riêng và kinh tế, xã hội của cả nước nói chung.

Theo số liệu thống kê của Cục Công thương địa phương, tổng kinh phí khuyến công thực hiện năm 2023 của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là 81,725 tỷ đồng, đạt 82,3% so với kế hoạch năm (99,35 tỷ đồng). Trong đó, có nhiều nội dung hoàn thành đạt tỷ lệ cao như: hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn; phát triển các cụm công nghiệp, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng.

Bước sang năm 2024, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2024 được duyệt của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là 91,301 tỷ đồng, giảm 8,1% so với kế hoạch năm 2023 (99,354 tỷ đồng). 9 tháng năm 2024, kinh phí toàn vùng đã thực hiện đạt 25,297 tỷ đồng, đạt 27,7% kế hoạch năm, bằng 74,5% với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia thực hiện 3,933 tỷ đồng đạt 12,18% kế hoạch năm; kinh phí khuyến công địa phương thực hiện 21,364 tỷ đồng đạt 36,21% kế hoạch năm.

 Khuyến công tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn. Nguồn: ITN

Khuyến công tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn. Nguồn: ITN

Cụ thể, 9 tháng năm nay, khuyến công đã hỗ trợ 1 mô hình trình diễn kỹ thuật, 54 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào dây chuyền sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Hỗ trợ được 134 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm; hỗ trợ tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cho 208 lượt cơ sở; hỗ trợ 94 cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ in, dán nhãn logo chương trình bình chọn; tặng thưởng, đăng tải thông tin giới thiệu sản phẩm đạt giải các cấp. Tổ chức đào tạo nghề cho 49 lao động; đào tạo khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp cho 886 đối tượng là cán bộ quản lý điều hành của các cơ sở công nghiệp nông thôn. Đã tư vấn cho 208 dự án phát triển công nghiệp...

Có thể thấy, chính sách khuyến công thời gian qua đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương đã tiếp sức, tạo điều kiện thuận lợi giúp lực lượng cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp tục có bước phát triển cả về quy mô và năng lực sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương trong khu vực.

Hoạt động khuyến công cơ bản bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình và được cụ thể hóa bằng các đề án có quy mô, chất lượng ngày càng được nâng cao. Công tác tổ chức triển khai kế hoạch khuyến công đã có bước cải thiện đáng kể; công tác thông tin tuyên truyền về khuyến công tiếp tục được đẩy mạnh. Hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục tạo thêm nguồn thu sự nghiệp cho các tổ chức dịch vụ khuyến công tại một số địa phương...

Thu hút nguồn vốn của cá nhân, tổ chức đầu tư

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Cục Công Thương địa phương cũng đánh giá, công tác khảo sát xây dựng kế hoạch, thẩm định cấp cơ sở và chất lượng đề án của một số địa phương còn hạn chế, có nơi mang tính thủ tục, việc đăng ký kế hoạch còn chậm so với quy định. Các địa phương có đề án nhưng nhìn chung còn chưa mạnh dạn xây dựng đề án điểm có quy mô, tạo tính lan tỏa. Tiến độ phân bổ ngân sách còn chậm, phần nào ảnh hưởng tới tính kịp thời của chính sách hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn. Hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp tuy một số địa phương tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh xong hiệu quả chưa cao...

3 tháng cuối năm 2024, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo. Trước bối cảnh đó, 20 tỉnh, khu vực phía Nam quyết tâm vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội để nâng cao chất lượng chính sách, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp nông thôn; phấn đấu hoàn thành các đề án khuyến công đã được giao.

Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Quyết định 1881/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Chỉ thị 04/CT-BCT về việc đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn giai đoạn 2021-2025; Công văn 3384/BCT-CTĐP về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa bàn…

Cùng với đó, tăng cường rà soát, đánh giá toàn diện đối với các quy định tại Nghị định 45/2012/NĐ-CP về khuyến công, tập trung nghiên cứu góp ý chất lượng đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 45. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về khuyến công. Nâng cao năng lực tư vấn phát triển công nghiệp nông thôn của các tổ chức dịch vụ công, tạo nguồn thu và hỗ trợ thực hiện các hoạt động khuyến công ngày càng hiệu quả. Nắm bắt và thông tin kịp thời cho doanh nghiệp về việc điều chỉnh các chính sách, quy định của các nước về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giúp các cơ sở điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp.

Về nguồn kinh phí, sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án khuyến công quốc gia đã được phân bổ kinh phí. Sử dụng kinh phí khuyến công đúng mục đích, đúng yêu cầu và đảm bảo các quy định hiện hành. Sở Công Thương tham mưu UBND cấp tỉnh tăng cường bố trí ngân sách địa phương cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn; có sự hài hòa giữa ngân sách địa phương và Trung ương trong hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn. Chú trọng lồng ghép với các dự án, chương trình mục tiêu khác để khuyến khích, thu hút nguồn vốn của cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn.

Đồng thời, xây dựng, phát triển hệ thống cộng tác viên khuyến công nhằm giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách khuyến công.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khuyen-cong-dong-vai-tro-quan-trong-trong-tang-truong-kinh-te-khu-vuc-post392594.html