Khuyến công là động lực cho công nghiệp nông thôn giai đoạn mới

Chương trình khuyến công đã được triển khai rộng khắp, đạt được những thành quả to lớn sau 10 năm thi hành Nghị định 45/2012/NĐ-CP về khuyến công. Các địa phương cho rằng, khuyến công sẽ tiếp tục là động lực phát triển công nghiệp nông thôn trong giai đoạn mới, do đó cần tiếp tục hoàn thiện chính sách và dành nguồn lực triển khai chương trình này.

Hiệu quả lớn

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Nghị định 45/2012/NĐ-CP (2013 - 2022) ngày 14.12, Cục Công thương địa phương cho biết, 10 năm qua, hoạt động khuyến công được triển khai rộng khắp, đa dạng nội dung với nhiều mô hình sáng tạo. Số lượng cơ sở công nghiệp nông thôn thụ hưởng chính sách khuyến công trong 10 năm qua 19.082 lượt cơ sở; trong đó thuộc địa bàn khó khăn/đặc biệt khó khăn thụ hưởng chính sách khuyến công là 9.541 cơ sở.

Với tổng tổng kinh phí từ ngân sách bố trí cho hoạt động khuyến công quốc gia và địa phương của 63 tỉnh, thành hơn 2.535 tỷ đồng, đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho 113.370 lao động, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt trên 90%. Mỗi năm tổ chức được khoảng 100 hội nghị tập huấn, hội thảo chuyên đề cho hơn 9.000 lượt đại biểu tham gia… Hỗ trợ xây dựng 628 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ cho 8.100 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến. Lập quy hoạch chi tiết cho 82 cụm công nghiệp, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho 58 cụm công nghiệp. Tổ chức 6 lần bình chọn cấp khu vực và 4 lần bình chọn cấp quốc gia; bình chọn được 1.630 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và 512 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng cho biết, nhận thức được tầm quan trọng phát triển công nghiệp nông thôn, tỉnh đã chủ động chỉ đạo các cấp đẩy mạnh hoạt động khuyến công đi đúng hướng. Kinh phí khuyến công của tỉnh trong 10 năm qua là 100 tỷ đồng, với các nội dung hỗ trợ đa dạng như đào tạo nghề, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; tư vấn xây dựng thương hiệu… Chương trình khuyến công đã tạo động lực lớn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh có bước đi quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Các mô hình trình diễn kỹ thuật của các cơ sở công nghiệp nông thôn được trưng bày tại Hội nghị. Nguồn: ITN

Các mô hình trình diễn kỹ thuật của các cơ sở công nghiệp nông thôn được trưng bày tại Hội nghị. Nguồn: ITN

Trong 10 năm qua, tỉnh Thái Bình đã triển khai 466 đề án khuyến công với tổng kinh phí 382 tỷ đồng; huy động được vốn đối ứng khoảng 310 tỷ đồng. Chương trình khuyến công đã góp phần huy động nguồn lực vào phát triển công nghiệp nông thôn, phân công lại lao động khu vực nông thôn, tạo việc làm và nâng cao đời sống người dân.

Cục trưởng Cục Công thương địa phương Ngô Quang Trung đánh giá, hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn có hướng đầu tư đúng, hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh. Từ đó, góp phần phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nhất là các sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

Thúc đẩy chuyển đổi số

Mục tiêu, định hướng của khuyến công thời gian tới sẽ tiếp tục thuhút nguồn lực xã hội đầu tư vào khu vực nông thôn; tăng cường chính sách hỗ trợ cơ cấu lại các ngành công nghiệp tại khu vực nông thôn. Thúc đẩy sản xuất sạch hơn, thân thiện môi trường; hỗ trợ ứng dụng khoa học - công nghệ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong sản xuất công nghiệp nông thôn…

Để thúc đẩy hoạt động khuyến công, đại diện tỉnh Hà Nam đề nghị Bộ Công thương xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 45/2012/NĐ-CP phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay, cân đối bố trí thêm kinh phí khuyến công; Bộ Tài chính nghiên cứu nâng mức hỗ trợ cho các cơ sở nguồn lực đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết, trong quá trình triển khai Nghị định 45/2012/NĐ-CP, địa phương còn một số vướng mắc về công tác tuyên truyền, quy mô hoạt động khuyến công chưa phong phú, chưa có đề án lớn, trọng điểm. Tỉnh mong muốn Bộ Công thương quan tâm hơn nữa, đặc biệt là về chính sách để đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật ở các cụm công nghiệp, nhất là hệ thống xử lý nước thải.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Quang Hưng kiến nghị cần thúc đẩy chuyển đổi số khuyến công, nhất là với doanh nghiệp công nghiệp nông thôn; thúc đẩy các hoạt động thương mại điện tử, quảng bá sản phẩm.

Bộ Công thương khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến của địa phương, các bộ ngành liên quan để báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 45/2012/NĐ-CP theo hướng toàn diện, phù hợp tình hình mới. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị, khi chưa có Nghị định mới về khuyến công, các địa phương cần quan tâm, bố trí nguồn ngân sách nhà nước, chú trọng lồng ghép chương trình mục tiêu khác để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn khuyến công. Chủ động rà soát, sửa đổi bổ sung và ban hành mới cơ chế chính của địa phương, bảo đảm hiệu quả khả thi phù hợp chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Cùng với đó, tăng cường đổi mới nâng cao chất lượng khuyến công theo chuỗi ngành hàng, thực hiện chuyển đổi số. Đẩy mạnh công tác bình chọn, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn; kiện toàn các tổ chức hệ thống khuyến công theo hướng thống nhất giữ tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp. Thiết lập cơ chế phối hơp, tăng cường phối hợp cơ quan quản lý trung ương, địa phương, các tổ chức xã hội. Đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/khuyen-cong-la-dong-luc-cho-cong-nghiep-nong-thon-giai-doan-moi-i354252/