Khuyến khích các hiến kế, sáng tạo của người dân

Chính quyền TP HCM cần có các cơ chế, biện pháp, phương tiện tiếp nhận, tiếp thu, xử lý các ý kiến đóng góp, hiến kế của người dân nhằm xây dựng và phát triển thành phố

"Thông qua các kênh kết nối phù hợp và thông qua việc cung cấp dữ liệu mở rộng rãi, chính quyền tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp nêu ý kiến, phản ánh các bức xúc, thực hiện vai trò giám sát của mình để cung cấp thông tin cho thành phố về các vấn đề như y tế, an toàn thực phẩm, môi trường..., đối thoại với chính quyền và tham gia trong suốt quá trình xây dựng và triển khai các chính sách, giải pháp, dịch vụ".

Nội dung này được nêu trong Đề án xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh (năm 2017).

Xây dựng các kênh tiếp nhận

Có thể khẳng định thời gian qua, các đề án, chương trình lớn của thành phố đều có nội dung lấy ý kiến của nhân dân. Điều này thể hiện tinh thần cầu thị, tôn trọng nhân dân của chính quyền thành phố. Tuy nhiên, một điều cũng quan trọng không kém chính là xây dựng các kênh tiếp nhận ý kiến đóng góp, phản ánh, hiến kế của người dân. Đó là đường dây nóng ở các cơ quan quản lý nhà nước để ghi nhận một cách trung thực, khách quan, chính xác các ý kiến.

Đó là cổng thông tin điện tử, hộp thư điện tử (email), qua đường công văn và kể cả các trang mạng xã hội ở các cơ quan chức năng; có bộ phận thường xuyên đọc, xử lý và phản hồi các ý kiến nhận được.

Những buổi tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND TP HCM là cơ hội để trực tiếp ghi nhận ý kiến đóng góp của người dân cho thành phố. Ảnh: LÊ VĨNH

Những buổi tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND TP HCM là cơ hội để trực tiếp ghi nhận ý kiến đóng góp của người dân cho thành phố. Ảnh: LÊ VĨNH

Đó là hệ thống báo chí thành phố. Ngoài việc tiếp nhận ý kiến đóng góp, các sáng kiến, hiến kế của người dân và chuyển đến cơ quan chức năng; báo chí có thể đăng, phát một số ý kiến như một tác phẩm báo chí, sau đó gửi cùng với các phản hồi liên quan đến nơi nhận phù hợp.

Đó là trực tiếp ghi nhận ý kiến qua các cuộc tiếp xúc cử tri, qua đường công văn của các cơ quan dân cử (đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, đại biểu HĐND) hoặc các hình thức tiếp nhận khác (điện thoại, email, thư từ...). Các kênh này phải được duy trì thường xuyên, liên tục và thực sự có trách nhiệm với các ý kiến đóng góp, sáng kiến của người dân.

Xử lý kịp thời các ý kiến, hiến kế

Việc xử lý các ý kiến, hiến kế của người dân thể hiện qua việc phản hồi với người gửi ý kiến. Phản hồi trong quan hệ giữa chính quyền và người dân là sự tôn trọng nhân dân. Sau đó, cần phân loại để chọn lấy những ý kiến mới, sáng tạo, khả thi, phù hợp và có ý nghĩa thực tiễn.

Trong một số trường hợp, với những sáng kiến phức tạp, có hàm lượng chất xám cao, cần có nhiều thời gian nghiên cứu, trao đổi với tác giả, kể cả việc lập hội đồng khoa học để thẩm định, có sự phản biện của các chuyên gia và ý kiến tranh luận của chính tác giả.

Những ý kiến phù hợp, khả thi cần được sớm chuyển đến các cơ quan chức năng xử lý hoặc thực hiện. Với các cơ quan mang tính chất "trung gian tiếp nhận" (như cơ quan báo chí, cơ quan dân cử…), sau khi sơ loại có thể chuyển ý kiến đến các cơ quan chức năng. Tại đây, các cơ quan này một lần nữa xem xét các sáng kiến đó, nếu phù hợp các quy định và điều kiện thực tiễn thì có thể tiến hành thực hiện.

Những ý kiến có giá trị, cần có hình thức biểu dương, ghi nhận. Hình thức đơn giản là gửi thư cảm ơn tác giả; ngoài ra có thể tặng biểu trưng, tặng Huy hiệu TP HCM, tặng bằng khen của UBND thành phố, tặng tiền thưởng... Với những sáng kiến là công trình sáng tạo, nên hỗ trợ thủ tục đăng ký quyền tác giả cho người hiến kế; với các công trình công cộng, có thể gắn biển ghi tên ý tưởng, tên tác giả... Việc biểu dương cần được tổ chức trang trọng, thể hiện sự cầu thị và tôn trọng.

Những ý kiến dù được sử dụng ngay hay chưa sử dụng, nên có hình thức lưu trữ phù hợp, bảo mật, chống đánh cắp ý tưởng. Những ý kiến hay nhưng chưa phù hợp thời điểm thì lưu trữ để bảo vệ nguồn sáng kiến quý giá. Những vấn đề cần sửa đổi luật hay quy định, thì kiến nghị với các cơ quan trung ương...

Việc tiếp nhận, xử lý, thẩm định các sáng kiến phải cầu thị, khách quan, trong tâm thế "đãi cát tìm vàng". Có được giải pháp tốt thì nên biến nó thành mô hình, công trình cụ thể. Từ đó, cố gắng thực hiện các sáng kiến phù hợp, trong sự tổng hòa các giải pháp toàn diện khác.

Đem lại lợi ích thiết thực

Ở góc độ kinh tế, các hiến kế, giải pháp của người dân góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho việc quản lý và xây dựng thành phố, góp phần giảm việc thuê các đơn vị tư vấn, thiết kế...

Ở góc độ xã hội, người dân góp trí tuệ xây dựng thành phố là điều hết sức văn minh, nghĩa tình; đồng thời bám sát được thực tiễn, gắn được hồn cốt của người dân trong các giải pháp đó, có thể khích lệ nhiều người khác cùng sáng tạo, hiến kế.

Ở góc độ quản lý, có được sự chung tay, góp sức của người dân là một thành công của lãnh đạo thành phố.

Nguyễn Minh Hải

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/khuyen-khich-cac-hien-ke-sang-tao-cua-nguoi-dan-20230829210729155.htm