Khuyến khích phát triển làng nghề truyền thống

PTĐT - Những năm qua, huyện Phù Ninh đã chú trọng công tác phát triển làng nghề và đạt được nhiều kết quả tích cực. Các làng nghề truyền thống phát triển tương đối đa dạng...

Làng nghề nón lá Gia Thanh đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động ở nông thôn.

Làng nghề nón lá Gia Thanh đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động ở nông thôn.

PTĐT - Những năm qua, huyện Phù Ninh đã chú trọng công tác phát triển làng nghề và đạt được nhiều kết quả tích cực. Các làng nghề truyền thống phát triển tương đối đa dạng, ổn định, có thị trường tiêu thụ tốt, tạo việc làm, thu hút nhân lực, phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới và đặc biệt là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Trên địa bàn huyện hiện có nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển mạnh. Đến nay, đã có 6 làng nghề được UBND tỉnh công nhận là: Làng nghề chè Chùa Tà xã Tiên Phú, làng nghề nuôi Rắn xóm Khuân Dậu xã Trung Giáp, làng nghề sản xuất bún bánh và dịch vụ xóm Chùa xã Phú Nham, làng nghề sản xuất nón lá xóm Rền xã Gia Thanh, làng nghề trồng hoa làng Thượng xã Tiên Du, làng nghề cây cảnh - dịch vụ An Mỹ xã Phú Lộc.Trong các nghề này phát triển nhất phải nói đến làng nghề trồng hoa làng Thượng xã Tiên Du, đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả huyện. Hiện làng nghề có khoảng 30 hộ, diện tích 3,1ha, trong đó có 0,57ha trồng xen vụ (chỉ trồng hoa ở vụ đông).Sản phẩm chính là hoa cúc, hoa hồng, hoa thạch thảo, hoa ly... thị trường tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn huyện và một phần tiêu thụ huyện Lâm Thao, Thanh Sơn và tỉnh Yên Bái. Doanh thu hiện đạt khoảng 800-850 triệu đồng/ha/năm; đạt 2,4 - 2,7 tỷ đồng/năm; bình quân thu nhập đạt 7 - 7,5 triệu đồng/người/tháng. Cây cảnh của người dân chủ yếu được trồng trong chậu xi măng đặt ngay trước sân hoặc trong vườn nhà, vừa đẹp, vừa thân thiện với môi trường lại có giá trị kinh tế cao.

Đến làng Rền xã Gia Thanh và dạo quanh làng nghề sản xuất nón, được tận mắt nhìn thấy những bà, những chị miệng thì cười nói tay thì thoăn thoắt đưa kim. Họ miệt mài đưa nốt những mũi kim còn dang dở để kịp tới phiên chợ giao những chiếc nón mà khách đã đặt. Hiện nay, làng nghề còn 44 hộ sản xuất, doanh thu đạt khoảng 700-720 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Phát triển làng nghề truyền thống của địa phương đã phát huy tối đa nội lực của người dân, tạo việc làm tại chỗ, gắn với giữ gìn các phong tục tập quán, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần gắn kết các địa phương có truyền thống từ lâu đời.Các làng nghề truyền thống không những tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động ở nông thôn mà còn hạn chế người dân tự do ra thành phố tìm việc làm, huy động được nguồn lực trong dân, sử dụng tài nguyên sẵn có tại địa phương, giữ gìn bản sắc văn hóa lâu đời của dân tộc, thu hẹp khoảng cách mức sống giữa các vùng. Cùng với đó còn quảng bá các sản phẩm truyền thống của địa phương như nón lá Gia Thanh, chè Chùa Tà Tiên Phú, bún bánh xã Phú Nham.Bên cạnh phương pháp sản xuất thủ công truyền thống đã góp phần bảo vệ môi trường sinh thái không bị ô nhiễm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Người dân cũng đã tiếp thu các phương pháp khoa học tiên tiến áp dụng các mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao, phát huy vai trò tự chủ của từng làng nghề gắn với truyền thống quê hương, một số làng nghề như làng nghề chè Chùa Tà (Tiên Phú), bún bánh (xã Phú Nham) đã hiện đại hóa, đưa các trang bị máy móc để giảm bớt sức lao động. Tăng năng xuất sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế có thu nhập cao.Một số sản phẩm như nón lá Gia Thanh, hoa xã Tiên Du đã đưa các sản phẩm mẫu mã tốt, độc đáo mang bản sắc văn hóa Việt, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Sản phẩm chè Chùa Tà đã đăng ký thương hiệu, được thị trường trong nước và nước ngoài đón nhận. Vì vậy, trong những năm qua, các làng nghề vẫn giữ được các tiêu chí tăng về số hộ tham gia và chất lượng sản phẩm.Thời gian tới, để khuyến khích phát triển làng nghề truyền thống, huyện xác định tiếp tục quan tâm duy trì, phát triển làng nghề truyền thống, phấn đấu thêm các làng nghề tiềm năng được công nhận như: Gà đồi Liên Hoa, cá thính Tử Đà, đồ mộc Phú Lộc… Từ đó để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng giảm nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ; tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần làm thay đổi bộ mặt văn hóa - xã hội của các địa phương, đồng thời quan tâm bảo tồn một số làng nghề gắn với phát triển dịch vụ du lịch.

Đinh Tú

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202104/khuyen-khich-phat-trien-lang-nghe-truyen-thong-176648