Khuyến nông luôn đồng hành với người nghèo

Với nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) mới vào sản xuất nông nghiệp; đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật, canh tác cho nông dân; chuyển tải kịp thời những chủ trương, đường lối, chính sách phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của Đảng và Nhà nước, những năm qua, bên cạnh việc cùng nông dân phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chú trọng xây dựng các mô hình hướng dẫn người nghèo sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ tận dụng tốt nguồn hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, anh Hoàng Văn Hoan ở xã Cam Hiếu phát triển kinh tế vườn mang lại hiệu quả cao -Ảnh: V.T.H

Nhờ tận dụng tốt nguồn hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, anh Hoàng Văn Hoan ở xã Cam Hiếu phát triển kinh tế vườn mang lại hiệu quả cao -Ảnh: V.T.H

Chương trình khuyến nông hướng dẫn người nghèo cách làm ăn được Trung tâm Khuyến nông tỉnh bắt tay vào thực hiện từ năm 2006. Giai đoạn từ năm 2006 - 2010, có chương trình khuyến nông riêng dành cho các hộ nghèo, còn từ năm 2011 đến nay thì những hộ nghèo được ưu tiên trong các chương trình khuyến nông hỗ trợ với mục đích phát triển sản xuất chung. Với những mô hình chăn nuôi, trồng trọt cụ thể theo hình thức “cầm tay chỉ việc” do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai đã được những hộ nghèo tham gia thực hiện đạt kết quả khá.

Chương trình được triển khai rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh với kinh phí đầu tư hằng năm từ 200 - 300 triệu đồng. Ngoài tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi từng loại cây, con cụ thể, các hộ nghèo tham gia chương trình được hỗ trợ cây, con giống và các loại vật tư phân bón, thức ăn gia súc giúp cho hộ nghèo giảm đáng kể chi phí sản xuất.

Trong quá trình thực hiện, cán bộ khuyến nông đến tận nơi để hướng dẫn thực hành các bước kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, phòng chống dịch bệnh, quản lý sản xuất…

Nhờ vậy, đa số hộ nghèo được tham gia chương trình biết cách sản xuất hơn, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình chăn nuôi gà ri ở Hướng Hiệp, huyện Đakrông, mô hình trồng cây cao su ở A Dơi, huyện Hướng Hóa, mô hình chăn nuôi bò, dê ở Hướng Hóa, mô hình chăn nuôi gà, vịt biển tại các xã vùng đồng bằng…

Từng thuộc diện hộ nghèo, năm 2018, gia đình anh Hoàng Văn Hoan ở thôn Vĩnh Đại, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ đã biết tận dụng tốt sự hỗ trợ từ chương trình xóa đói, giảm nghèo để đầu tư làm ăn thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Nhận được hỗ trợ con giống, gia đình anh Hoan tuân thủ đúng các hướng dẫn kỹ thuật nên đàn dê của anh phát triển tốt. Từ tiền bán dê, anh mở rộng sang chăn nuôi bò, lợn, sau này tiếp tục phát triển chăn nuôi gà.

Với 2 sào đất vườn nhà, anh Hoan đầu tư mua giống bưởi và cam ở Nghệ An vào trồng, đến nay đã cho thu hoạch 2 vụ quả, mỗi năm anh bán được khoảng 40 triệu đồng.

Nhờ tận dụng tốt các kiến thức được hướng dẫn về trồng trọt, chăn nuôi, được sự hỗ trợ giống, vật tư ban đầu cộng với đức tính cần cù, chịu khó sản xuất nên trong vòng 5 năm, nguồn thu từ chăn nuôi, trồng trọt đã giúp gia đình anh Hoan thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Anh Hoàng Văn Hoan cho biết: “Nhờ có sự hỗ trợ từ nguồn vốn xóa đói, giảm nghèo và bản thân biết học hỏi kỹ thuật từ các mô hình hướng dẫn sản xuất của khuyến nông nên tôi đã thực hiện chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả. Tôi phát triển dần mô hình chăn nuôi, ban đầu quy mô nhỏ để dễ thực hiện, sau mở rộng dần ra nên nuôi con gì chắc con đó. Hiện nay, mỗi năm tôi thu lợi nhuận từ chăn nuôi được hơn 200 triệu đồng. Cuộc sống gia đình tôi bây giờ đã khá giả hơn rất nhiều so với 5 năm trước đây”.

Trong từng thời kỳ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh luôn bám sát định hướng chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức đoàn thể liên quan, chính quyền địa phương để triển khai các hoạt động khuyến nông dành cho người nghèo một cách phù hợp. Cán bộ khuyến nông cấp xã là lực lượng chủ chốt để triển khai các chương trình khuyến nông xóa đói, giảm nghèo.

Nhờ thông thạo địa bàn, am hiểu tập quán, bám sát cơ sở, gắn bó mật thiết với nông dân nên hỗ trợ được nhiều mô hình thực sự cần thiết và phù hợp đối với nhu cầu của người nghèo như: mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau màu…

Trung tâm đã xây dựng nhiều loại mô hình cây trồng, con nuôi phù hợp với từng địa bàn, tập huấn hướng dẫn cho họ cách làm, từng bước giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với KHKT trong sản xuất nông nghiệp. Từ kết quả của các mô hình trình diễn đã giúp người dân nhận thức và dần thay đổi tập quán canh tác quảng canh sang sản xuất có đầu tư theo hướng thâm canh.

Ngoài hướng dẫn kỹ thuật, cán bộ khuyến nông còn hướng dẫn người nghèo cách quản lý sản xuất, tái đầu tư vốn nên nhiều hộ nghèo từng bước sản xuất hiệu quả, thoát được nghèo, vươn lên làm giàu, có cuộc sống ổn định. Những kết quả đó cũng giúp cán bộ và nông dân học tập, tham quan trao đổi kinh nghiệm sản xuất, làm cơ sở tuyên truyền mở rộng để nhiều địa phương học tập làm theo.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trần Cẩn cho biết: “Trung tâm Khuyến nông đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất. Cán bộ khuyến nông đã về tận từng mô hình để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng chống dịch bệnh theo từng loại cây trồng, vật nuôi.

Khuyến nông đã đồng hành với nông dân nghèo, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn để từng bước “cầm tay chỉ việc” cho họ cách làm ăn để vươn lên thoát nghèo bền vững. Hoạt động khuyến nông đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc đưa tiến bộ KHKT đến với người dân nghèo, giúp họ phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo và từng bước ổn định cuộc sống.

Thời gian tới, trong từng chương trình khuyến nông, các hộ nghèo tiếp tục được ưu tiên để không chỉ giúp họ thoát nghèo mà còn đưa họ vào phong trào thi đua lao động sản xuất của cộng đồng nhằm thay đổi nhận thức cho người nghèo về tính tự chủ vươn lên trong sản xuất mới phát triển kinh tế được bền vững”.

Võ Thái Hòa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/khuyen-nong-luon-dong-hanh-voi-nguoi-ngheo/178147.htm