Kỉ niệm về những ngày làm cán bộ chuyên trách công đoàn

Đã có 20 năm làm cán bộ chuyên trách công tác công đoàn ở địa phương (từ tháng 5/1983 đến tháng 6/2003), nay tuy đã nghỉ hưu nhưng vào thời điểm này, tôi lại trào dâng những kỉ niệm, cảm xúc không bao giờ quên trong quãng thời gian được sống, làm việc, cống hiến cho phong trào công nhân và hoạt động công đoàn, nhất là từ khi tỉnh Quảng Trị được lập lại.

 Đồng chí Lương Trung Thông, nguyên Chủ tịch LĐLĐ tỉnh (hàng thứ nhất, thứ 5 từ trái sang) cùng các đại biểu tham gia Hội thảo Lịch sử phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 1929 -2005. Ảnh:TL

Đồng chí Lương Trung Thông, nguyên Chủ tịch LĐLĐ tỉnh (hàng thứ nhất, thứ 5 từ trái sang) cùng các đại biểu tham gia Hội thảo Lịch sử phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 1929 -2005. Ảnh:TL

Như chúng ta đã biết, do yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, tháng 7/1989, thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tỉnh Bình Trị Thiên được chia tách thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Tổ chức công đoàn 3 tỉnh cũng được thành lập để tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trước yêu cầu mới.

Kỉ niệm ban đầu đáng nhớ của tôi là: Sau khi chia tỉnh, gia tài của LĐLĐ tỉnh Quảng Trị chỉ có vẻn vẹn vài cái tủ tài liệu, vài cái bàn ghế cũ được đưa từ Huế ra. Dự kiến khi ra Quảng Trị sẽ tập kết làm việc ở trụ sở cũ của LĐLĐ thị xã Đông Hà một thời gian, nhưng lúc này trụ sở đã bán cho Xí nghiệp liên hiệp Hồ tiêu Tân Lâm. Vì vậy, để tìm chỗ làm việc tạm thời cho cán bộ công chức (CBCC) cơ quan LĐLĐ tỉnh càng gặp khó khăn hơn. Lúc này, tôi đã cùng tập thể Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh bàn bạc và quyết tâm tìm mọi cách để ổn định sớm nơi làm việc. Với trách nhiệm là Ủy viên Thường vụ LĐLĐ tỉnh Bình Trị Thiên, có thời gian công tác và sinh hoạt nhiều năm tại địa bàn Đông Hà, tôi đã đề xuất và trực tiếp cùng với đồng chí Nguyễn Văn Viêm (lúc đó là triệu tập viên) cùng đi xe đạp lên Xí nghiệp liên hiệp Hồ tiêu Tân Lâm để trao đổi, thương lượng mượn lại ngôi nhà để làm việc và đã được ban giám đốc xí nghiệp chấp thuận, lúc đó cơ quan LĐLĐ tỉnh mới có trụ sở tạm thời.

Nói là trụ sở làm việc nhưng thực chất chỉ là ngôi nhà cấp 4 lợp tôn đã xuống cấp gồm có 3 gian rất chật hẹp. Ban ngày CBCC làm việc, trưa và tối, một số CBCC chưa có nhà ở tại Đông Hà, phải kê bàn ghế tại phòng làm việc để nghỉ lại. Điều kiện ăn ở, làm việc lúc này hết sức khó khăn và tạm bợ, trong lúc đó mọi công việc được giao phải hoàn thành…

Ngày 15/7/1989, Tỉnh ủy Quảng Trị ra quyết định thành lập LĐLĐ tỉnh, đặt dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Khi chia tỉnh, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Bình Trị Thiên phân công đồng chí Nguyến Văn Viêm, Ủy viên BCH LĐLĐ tỉnh sinh hoạt tại cơ quan LĐLĐ tỉnh làm triệu tập viên, cùng với 8 đồng chí trong Ban chấp hành LĐLĐ tỉnh Bình Trị Thiên công tác tại địa bàn tỉnh Quảng Trị hoặc chuyển từ tỉnh Thừa Thiên - Huế ra. Đến tháng 7/1989, Hội nghị cán bộ chủ chốt Công đoàn tỉnh Quảng Trị đã bầu bổ sung thêm 6 đồng chí vào ban chấp hành và 2 đồng chí vào Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, nâng tổng số Ủy viên BCH từ 6 đồng chí lên 12 đồng chí; Ban Thường vụ từ 1 đồng chí lên 3 đồng chí (tôi lúc đó là Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Bình Trị Thiên khóa IV, Phó Chủ tịch LĐLĐ thị xã Đông Hà, được điều động đến công tác tại cơ quan LĐLĐ tỉnh, tham gia Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Quảng Trị). Các đồng chí Nguyễn Văn Viêm, Nguyễn Đức Lợi được bầu bổ sung vào Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Quảng Trị. Ban chấp hành đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Viêm làm phó chủ tịch (lúc này Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo chưa bầu chức danh chủ tịch). Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh phân công đồng chí Nguyễn Đức Lợi làm Ủy viên Thường vụ trực. Tôi là Ủy viên Thường vụ được phân công làm Trưởng Ban phong trào kiêm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra LĐLĐ tỉnh. Đến cuối tháng 4/1991, đồng chí Nguyễn Văn Viêm nghỉ hưu, tôi được Ban chấp hành LĐLĐ tỉnh Quảng Trị bầu giữ chức Chủ tịch LĐLĐ tỉnh.

Đối với cá nhân tôi, trong 20 năm làm cán bộ chuyên trách công đoàn, có hơn 12 năm đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch LĐLĐ tỉnh (từ tháng 5/1991 đến tháng 6/2003) và sau đó được Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động phân công làm công tác Mặt trận, dân vận của tỉnh cho đến ngày nghỉ hưu. Tuy nhiều lúc còn bộn bề công việc song tôi vẫn thường xuyên theo dõi quá trình phấn đấu, trưởng thành của phong trào CNVC-LĐ và hoạt động công đoàn tỉnh nhà. Điều đáng mừng là sau 30 năm lập lại tỉnh, lực lượng CNVC-LĐ đã tăng cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn ngày càng được khẳng định; đoàn viên và người lao động tin tưởng, gắn bó hơn với tổ chức công đoàn.

Tôi nghĩ rằng, những thành quả mà các thế hệ cán bộ công đoàn hôm nay có được, không chỉ là sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp hiện tại, mà còn là sự kế thừa, tiếp nối những thành quả của các thế hệ đi trước trong chặng đường vẻ vang 90 năm Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Quảng Trị và 30 năm tỉnh Quảng Trị được lập lại. Nhân kỉ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và 30 năm ngày lập lại tỉnh Quảng Trị, là những người đã từng công tác công đoàn trên địa bàn tỉnh, bản thân tôi vẫn còn mãi trong kí ức và tâm khảm của mình về những năm tháng không thể nào quên.

Lương Trung Thông

Nguyên Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=141073