Kì tích ca ghép tim xuyên Việt
Một phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam bị chết não đã hiến tặng quả tim của mình để giúp cho một người khác đang trên bờ vực của cái chết được hồi sinh. Đáng nói, người được ghép tim lại là một người đàn ông và khác nhóm máu, hơn nữa là ở cách xa người hiến hàng ngàn kilomet...
Tuy vậy, cái kết có hậu đã cho thấy một kỳ tích được lập nên bởi những bác sĩ và cả những đóng góp âm thầm của những cá nhân và đơn vị có liên quan...
Phép màu hồi sinh đến từ quả tim người phụ nữ chết não
Hơn 1 tháng sau ca đại phẫu thuật ghép tim từ người cho là một phụ nữ chết não do các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh thực hiện, ngày 17-6, ông Bùi Thanh P. (47 tuổi), vốn bị suy tim giai đoạn cuối, hy vọng sống mong manh, đã hồi phục hoàn toàn và được xuất viện.
Xúc động chia sẻ về hành trình giành giật lại sự sống tưởng như vô vọng, ông P. cho biết sau khi được ghép tim, ông cảm thấy đã khỏe khoắn, sức khỏe bình phục. “Tôi ăn uống ngon miệng, ngủ ngon, đi lại bình thường, không còn mệt như trước cuộc phẫu thuật. Tôi xin cảm ơn người đã hiến tặng cho tôi quả tim, cảm ơn lòng nhân hậu sẵn sàng sẻ chia sự sống của người quá cố và gia đình. Đây là món quà quá quý giá tôi may mắn nhận được, tôi hứa sẽ ráng bảo vệ quả tim này thật tốt. Tôi cũng xin cảm ơn các bác sĩ đã nỗ lực thực hiện thành công cuộc phẫu thuật ghép tim cho tôi”, ông P. bày tỏ sự xúc động.
Trước đó, ông P. làm nghề thợ hồ, vợ là công nhân, có 2 con nhỏ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh. Khoảng 8 năm trước, sau khi phát hiện bị bệnh cơ tim giãn nở, ông P. đã tới lần lượt 3 bệnh viện lớn của TP Hồ Chí Minh để điều trị cơ tim, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn nhưng chứng suy tim vẫn diễn biến theo chiều hướng xấu và bắt đầu đi đến giai đoạn cuối của căn bệnh này.
Tháng 5-2020, ông P. chuyển viện tới Bệnh viện Chợ Rẫy khi tình trạng suy tim đã ở giai đoạn cuối. Nếu không nhanh chóng được ghép quả tim mới, bệnh nhân này sẽ không còn một hy vọng nào được sống.
Dù được ghi vào danh sách chờ ghép tim khi có nguồn tạng hiến phù hợp nhưng thực sự như lời ông P. tâm sự thì gần như ông không dám hy vọng vào điều thần kỳ là có ai đó sẽ hiến quả tim cho mình và mình sẽ được ghép tim để hồi sinh như một phép màu. Hơn nữa, thu nhập bấp bênh từ công việc phụ hồ cộng với lương công nhân ít ỏi của vợ, cuộc sống của gia đình hết sức khó khăn, ông P. cũng không dám nghĩ tới chuyện có kinh phí để nếu có ai đó hiến tim sẽ thực hiện phẫu thuật ghép tim cho mình...
Trong khi ông P. đang sống những ngày mòn mỏi với quả tim yếu ớt để chờ ngày từ giã cõi đời thì bất ngờ phép màu đã đến với người đàn ông này.
Ngày 13-5, một phụ nữ 47 tuổi ở Hà Nội bị tai nạn giao thông với những thương tích gây nguy kịch đến tính mạng. Bà được đưa vào khu vực hồi sức đặc biệt nhất của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Các bác sĩ đã hết sức nỗ lực tìm hy vọng mong manh cứu sống bà nhưng không thành. Người phụ nữ rơi vào trạng thái chết não.
Sau khi vận động thành công gia đình nữ bệnh nhân tại Hà Nội hiến tim, do thời gian bảo quản quả tim bên ngoài khỏi lồng ngực tối đa chỉ có 6 tiếng, mọi công tác chuẩn bị, thực hiện đều diễn ra khẩn trương và cẩn thận. Trên máy bay, hộp y tế chứa quả tim được thắt đai an toàn chắc chắn.
Tối 13-5, chuyến bay mang số hiệu VN275 của Hãng hàng không Vietnam Airlines hạ cánh an toàn sau hành trình từ Hà Nội chuyển quả tim của người phụ nữ chết não vào Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh.
Hành khách trên chuyến bay là ê-kíp của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đều được ưu tiên tuyệt đối trong mọi thủ tục để có thể kịp thời mang quả tim đến Bệnh viện Chợ Rẫy, mang theo tâm nguyện cuối cùng của người phụ nữ không may mắn.
Mặc dù giữa mùa dịch COVID-19, số lượng chuyến bay bị hạn chế rất nhiều nhưng có thể thấy công tác di chuyển, vận chuyển quả tim đều đã được các đơn vị hàng không, công an hỗ trợ, phối hợp nhịp nhàng và nhanh chóng. “Từ cửa phòng mổ ở Hà Nội đến sân bay Nội Bài và vận chuyển vào sân bay Tân Sơn Nhất đến Bệnh viện Chợ Rẫy, mọi công đoạn đã được tiến hành rất nhanh với sự hỗ trợ nhiệt tình của các ngành, nhất là lực lượng CSGT, an ninh sân bay, cảng vụ hai sân bay... để có thể kịp thời mang quả tim đến Bệnh viện Chợ Rẫy”, PGS.TS.BS Trần Quyết Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện kiêm Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết.
Trước đó, cũng theo PGS.TS.BS Trần Quyết Tiến, ngay sau khi nhận được thông tin có người hiến tim từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bác sĩ của hai Bệnh viện Chợ Rẫy và Việt Đức đã phối hợp để chạy đua với thời gian làm thủ tục xét nghiệm độ tương thích giữa hai quả tim và nhanh chóng đánh giá tổng trạng sức khỏe để kiểm tra bệnh nhân P. có phù hợp ghép tim hay không.
“Trong danh sách chờ, ngoài ông P. còn có 2 người khác tương đối phù hợp để ghép tim. Đáng tiếc, họ đã mất trước khi có cơ hội được ghép quả tim mới. Trước tình hình này, ông P. là lựa chọn phù hợp nhất khi hai quả tim khá tương thích, khá cân bằng, cùng độ tuổi”, PGS.TS.BS Trần Quyết Tiến thông tin.
Ngay sau khi đánh giá cẩn trọng mọi yếu tố, các bác sĩ đã triển khai quy trình tiếp nhận, thực hiện chỉ định ghép cho bệnh nhân P. vì thấy đủ các tiêu chuẩn y khoa theo quy định.
Đáng nói, theo PGS.TS.BS Trần Quyết Tiến, điều đặc biệt của ca ghép này là người hiến tim là phụ nữ mang nhóm máu O trong khi bệnh nhân được ghép là nam giới có nhóm máu A, có tiền sử tai biến mạch máu não. Nhưng nhóm máu không ảnh hưởng đến ca ghép do máu O có thể cho bất kỳ nhóm máu nào nên về nguyên tắc y khoa điều này vẫn phù hợp, song quá nhiều điều đặc biệt đã khiến ê-kíp hết sức áp lực.
Nhưng sau 3 giờ với ca đại phẫu thuật ghép tim, cuối cùng, quả tim của người phụ nữ đã đập trong lồng ngực của bệnh nhân P. Nói không quá, ông P. đã được cứu sống, hồi sinh từ phép màu quả tim hiến và khả năng ghép tuyệt vời của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Kêu gọi nguồn tạng hiến trong cộng đồng
ThS.BS Phan Thị Lệ Xuân, Trưởng Khoa Phẫu thuật, Gây mê - Hồi sức, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết thời gian thiếu máu nóng của quả tim đã gần 6 tiếng do hành trình bay xuyên Việt trong khi theo khuyến cáo trên thế giới, tốt nhất chỉ nên 4 tiếng. Nếu thiếu máu nóng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự hồi phục của quả tim sau ghép. May mắn, do quả tim được bảo vệ tốt, nên sau khi được ghép thành công, nó đã đập khỏe mạnh trong lồng ngực mới.
Là người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật, TS.BS Nguyễn Thái An, Trưởng Khoa Hồi sức Phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết đây là ca thứ 5 thực hiện ở bệnh viện nhưng ca cuối cùng bệnh viện thực hiện ghép đã cách đây 11 tháng. Do đó, ê-kíp thực hiện ca ghép phải thường xuyên ôn lại kiến thức, lên kế hoạch để có những ứng biến phù hợp.
“Nếu như những lần trước, Bệnh viện Việt Đức thường lên kế hoạch chi tiết nhưng lần này chúng tôi phải tự lên kế hoạch mọi chi tiết, tính toán điểm rơi khi đem mẫu máu của người được ghép ra ngoài Hà Nội để thử phản ứng chéo có hòa hợp hay không,... May là mọi việc diễn ra thuận lợi. Cuộc phẫu thuật ghép tim cho người bệnh đã diễn ra thành công”, TS.BS Nguyễn Thái An chia sẻ.
Bổ sung thêm thông tin, BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: “Phẫu thuật ghép tim đã được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ 4 năm qua với sự hỗ trợ của Bệnh viện Việt Đức. Sau 4 ca đầu được ghép thành công, Bộ Y tế đã quyết định cho phép Bệnh viện Chợ Rẫy làm chủ kỹ thuật ghép tim. Sau 1 tuần có quyết định, ca thứ 5 đã được triển khai tại bệnh viện.
Ngay trong mùa dịch COVID-19, hoạt động ghép tim cho người bệnh đã đảm bảo an toàn tuyệt đối trước các nguy cơ lây nhiễm theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Cùng với việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19, ca ghép tim thành công cho thấy nỗ lực của toàn bệnh viện và ngành y tế. Thời gian tới Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ tăng cường vai trò của bộ phận vận động hiến tạng, xây dựng bệnh viện trở thành trung tâm ghép tạng lớn nhất phía Nam”.
Đánh giá về ca ghép tim này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế nhìn nhận: “Ca ghép tim này là kỹ thuật hiện đại, khẳng định sự thành công của Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng và ngành y tế Việt Nam nói chung. Bệnh viện Chợ Rẫy là cơ sở y tế đầu tiên tại khu vực phía Nam triển khai ghép tim sau khi nhận chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Việt Đức...”.
Việc ghép tim không đơn thuần là mang quả tim từ người này đặt vào lồng ngực người khác. Thực tế đây là sự phối hợp đồng bộ của các chuyên khoa và sự phối hợp nhịp nhàng của các bệnh viện dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế với mục tiêu chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe của cộng đồng đặc biệt là những ca bệnh không còn khả năng điều trị ngoài việc ghép các bộ phận tương đồng từ đồng loại. Điều đặc biệt quan trọng là việc thuyết phục gia đình bệnh nhân đồng ý hiến tạng. Do đó, để có được nguồn tạng hiến và thực hiện ca ghép thành công hoàn toàn không dễ dàng.
Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, các kỹ thuật ghép tạng tại Việt Nam đã tiệm cận với thế giới với tay nghề của bác sĩ ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, nguồn tạng hiến trong cộng đồng còn rất hạn chế nên số người bệnh được ghép chưa được nhiều, số người chờ tạng ghép ngày càng tăng cao. PGS.TS Lương Ngọc Khuê kêu gọi cộng đồng chia sẻ sự sống khi chẳng may qua đời để cứu tính mạng những người đang lâm nguy vì suy tạng giai đoạn cuối.
Riêng về chi phí cho ca ghép tim này, theo Bệnh viện Chợ Rẫy, đến nay các ca bệnh ghép tạng bước đầu đã được Bảo hiểm y tế chi trả với các khoản trong danh mục bảo hiểm. Với trường hợp bệnh nhân P., tổng chi phí cho cuộc ghép gần 500 triệu đồng, trong đó Bảo hiểm y tế chi trả gần 200 triệu đồng, phần còn lại do gia đình thanh toán và bệnh viện hỗ trợ.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/ki-tich-ca-ghep-tim-xuyen-viet-599973/